Bà bầu nên và không nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu?

Ngày 21/11/2016 05:49 AM (GMT+7)

3 tháng đầu với bà bầu là vô cùng quan trọng, tạo bước đệm để thai nhi phát triển tốt về sau. Bà bầu rất cần chú ý chế độ ăn để thai nhi phát triển tốt trong thời kỳ này.

Đặc điểm thai kỳ

Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn cơ thể mẹ sẽ có những biến đổi sinh lý để thích nghi, đồng thời là thời gian quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé.

Trong thời gian này, bà bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường, căn bản chỉ cần tăng trong khoảng từ 0,9 kg tới 2,3 kg.  Đối với các mẹ đã béo phì thì không nên để tăng cân thêm.

Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (5 - 6 bữa) trong đó cần đảm bảo đủ 3 bữa chính để giảm hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén.

Sau 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu sẽ hết buồn nôn, ăn ngon miệng, thèm ăn vặt. Lúc đó là giai đoạn mẹ dễ dàng tăng tốc để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao hơn.

Bà bầu nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu mang thai, cơ thể mẹ cần thêm năng lượng, song không phải chỉ ăn nhiều hơn về số lượng, mà nên chú trọng những chất dinh dưỡng cần thiết như:

Chất sắt: Chất sắt giúp tăng thể tích máu và phòng ngừa thiếu máu đối với bà bầu. Nếu thai phụ thiếu máu sẽ làm giảm lực co bóp của tử cung khi chuyển dạ, giảm lượng sắt dự trữ của em bé trong 6 tháng đầu đời. Vì thế thai phụ cần bổ sung thêm ít nhất 15gr sắt mỗi ngày.

Chất này có nhiều trong các thực phẩm như thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt….

Canxi: Nếu thiếu canxi mẹ dễ bị chuột rút, đau nhức xương, bé có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.

Vì thế, trong 3 tháng đầu, bà bầu cần bổ sung canxi để giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé. Canxi có nhiều trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ…

Vitamin B9 (Acid folic): Đây là loại vitamin giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai.

Bà bầu nên và không nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu? - 1

Bà bầu mang thai 3 tháng đầu cần bổ sung nhiều Vitamin B9. Ảnh minh họa.

Vitamin này có trong các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc… Ngoài ra còn có trong thịt gia cầm và nội tạng động vật như gan, tim…

Vitamin D: Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu.

Vitamin D có trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời. Thai phụ cần phơi nắng trực tiếp khoảng 15 phút mỗi ngày (tránh ánh nắng quá gay gắt).

Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng, đồng thời giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Vitamin C có trong các loại rau xanh, trái cây…

Những điều cần tránh trong 3 tháng đầu mang thai

Trước và trong khi mang thai, bà mẹ cần thay đổi một số thói quen và sở thích ăn uống không tốt. Vì thế cần loại bỏ ngay để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Không ăn quá mặn

Nhiều thai phụ có thói quen ăn mặn, nhưng điều này hoàn toàn không tốt vì sẽ dẫn đến huyết áp cao và phù, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và con.

Không ăn cá có lượng thùy ngân cao

Thủy ngân nhiễm trong một số loại cá biển như cá thu, cá mập, cá kiếm... nếu tích lũy quá nhiều có thể gây tổn thương đến não của thai nhi. Vì thế, phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng các loại cá này.

Không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng

Phụ nữ có thai không nên sử dụng những thực phẩm gây hại như một số loại củ, quả mọc mầm (như khoai tây) vì chứa nhiều chất độc, gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa, bơ, phomat chưa qua tiệt trùng; cá, thịt, trứng còn tái; thức ăn ôi thiu, mốc, có mùi lạ cũng không được sử dụng vì chúng chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh gây tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và con.

Không ăn những loại thực phẩm có khả năng gây động thai, sinh non như đu đủ xanh, táo mèo, long nhãn, đào, gừng, ớt, rau sam…

Không uống rượu bia, đồ uống có chất kích thích

Khi uống rượu, bia, lượng cồn trong chúng sẽ vào cơ thể mẹ và qua nhau thai xâm nhập vào bào thai, trực tiếp gây hại cho thai nhi, có thể làm cho bé phát triển chậm hoặc có bộ phận bị dị dạng.

Ngoài ra, không nên dùng nhiều đồ uống có ga, có chứa cafein và cocain. Chất cafein có trong cà phê và đồ uống có ga có hại với phôi thai, có khả năng gây sảy thai. Ngoài ra cafeincos thể làm phá vỡ các vitamin dẫn đến triệu chứng thiếu vitamin B1 mà biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn, táo bón. Cafein cũng kìm hãm sự hấp thu của sắt và kẽm, làm nặng hơn tình trạng thiếu máu của phụ nữ có thai.

Theo Phương Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ