Chọc ối: Phát hiện dị tật 'chuẩn' 99%

Ngày 21/11/2013 16:00 PM (GMT+7)

Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà, chọc ối có thể phát hiện dị tật thai nhi nhưng cũng có nguy cơ.

Một độc giả chia sẻ: "3 tháng đầu con phát triển tốt lắm. Lần nào đi khám thai bác sĩ cũng nói bé khỏe. Đến tuần 12 thai kỳ, em đi đo độ mờ da gáy mà con có vấn đề gì đâu. Thế mà sang tuần 16 thai kỳ, khi em làm xét nghiệm triple test thì con lại dương tính với Down. Vợ chồng em buồn và lo lắng lắm. Bác sĩ hẹn sang tuần 18 sẽ tiếp tục chọc ối để làm xét nghiệm tiếp xem có chắc chắn không.

Cả tuần nay em mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho con. Em không hiểu lắm về phương pháp chọc ối, không biết có nguy hiểm đến hai mẹ con không?"

Xoay quanh thắc mắc của độc giả cũng như vấn đề về chọc ối kiểm tra dị tật, nguy cơ khi chọc ối..., bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện làm việc tại phòng khám sản phụ khoa Song Hà) có những giải đáp chi tiết về thắc mắc của bà bầu.

Với trường hợp tầm soát bệnh Down ở thai nhi như câu hỏi của độc giả, nếu không thực hiện thì có phát hiện được bệnh down không?

Theo tôi được biết thai của bạn độc giả hiện tại được 17 tuần, vào tuần thai thứ 16 khi  làm xét nghiệm triple test thì được bác sĩ khuyên chọc ối vào tuần 18. Do không biết hiện bạn ấy bao nhiêu tuổi, vì tuổi mẹ cũng rất quan trọng trong tầm soát bệnh Down và kết quả triple test cụ thể ra sao nên cũng khó trả lời chi tiết cho bạn được. Theo tôi bà bầu này không nên quá lo lắng vì siêu âm độ mờ da gáy bình thường. Nếu bác sĩ đã khuyên chọc ối thì nên thực hiện vì chọc ối có thể phát hiện hơn 99 % các bất thường về dị tật nhiễm sắc thể cũng như một số bệnh lý khác.  Nếu như không thực hiện chọc ối thì siêu âm hình thái học lúc thai được 22 tuần cũng có thể tầm soát bệnh Down khoảng 85- 90%.

Chọc ối: Phát hiện dị tật chuẩn 99% - 1
Khả năng phát hiện dị tật qua phương pháp chọc ối là hơn 99%. (ảnh minh họa)

Xin bác sĩ cho biết, việc chọc ối do ai quyết định?

Bác sĩ khám thai chỉ là người tư vấn và giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề hiện tại. Còn chủ yếu là do quyết định của chính sản phụ và gia đình. 

Có thể hiểu chọc ối là gì? Liệu chọc ối có gây nguy hiểm gì cho sản phụ và thai nhi không?

Chọc ối là dùng kim chọc vào khoang ối dưới hướng dẫn của siêu âm. Trong nước ối đó có những tế bào của em bé, do em bé đái ra và có những tế bào từ niêm mạc má bong tróc ra. Sau đó bác sĩ sẽ lấy dịch ối đó để làm xét nghiệm.  

Nguy cơ của chọc ối là trong khoảng 1.000 người chọc ối thì có thể có 1 đến 2 người rỉ ối, sảy thai, sinh non, nhiễm trùng...

Việc chọc ối để phát hiện dị tật thai nhi được tiến hành như thế nào?     

Sau khi bác sĩ tư vấn và được sự đồng ý cũng như hợp tác của bệnh nhân và gia đình. Bác sĩ sẽ chọn ngày thích hợp phù hợp với tuổi thai để tiến hành chọc ối. Chọc ối là dùng kim chọc vào khoang ối dưới hướng dẫn của siêu âm, lấy ra lượng nước ối khoảng 8ml nước ối. Trong nước ối đó có những tế bào của em bé, bác sĩ sẽ lấy dịch ối đó làm xét nghiệm những tế bào đó.

Khả năng phát hiện dị tật thai nhi qua phương pháp này có cao không, khoảng bao nhiêu phần trăm, thưa bác sĩ?      

Khả năng phát hiện dị tật qua phương pháp này khá cao. Tỷ lệ chính xác là hơn 99%

Qua phương pháp này có thể phát hiện được dị tật gì ở thai nhi, thưa bác sĩ?

Nước ối lấy ra có thể xét nghiệm tùy theo mục đích của chẩn đoán như hội chứng Down, chẩn đoán dư thừa nhiễm sắc thể số 13, 18, 21, đột biến gen, chẩn đoán dư thừa nhiễm sắc thể giới tính, Thalassemia, nhược cơ, dị tật bẩm sinh tim...

Chọc ối được tiến hành vào khoảng thời gian bao nhiêu của thai kỳ?

Chọc ối khi thai khoảng 16.5 tuần đến 17 tuần trở lên.

Với sản phụ khi chọc ối cần lưu ý điều gì?      

Sản phụ khi chọc ối cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tổng trang khỏe mạnh, hiện tại không bị động thai, đau bụng, ra huyết, hay nhiễm trùng…

- Không bị dị ứng thuốc kháng sinh sử dụng trước khi chọc ối.

- Không mắc các bệnh lý về tim mạch

- Sau chọc ối phải có thời gian nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 1 giờ.

- Trong khoảng thời gian sau chọc ối khoảng 2 tuần phải có thời gian nghỉ ngơi, tránh làm những công việc quá sức.

Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà!

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia