Chuyện về “ngôi thai”

Ngày 16/03/2013 00:10 AM (GMT+7)

Trong bụng mẹ, các bé có những tư thế rất khác nhau.

Các tư thế phổ biến của bé trong bụng mẹ: Bé nằm dọc, bé nằm ngang, lại có bé nằm chéo. Vậy vị trí của thai nhi ảnh hưởng như thế nào đến việc ra đời của trẻ?

Sau tuần thứ 30 của thai kì, tư thế nằm của trẻ trong bụng mẹ có ý nghĩa rất đặc biệt: Đến thời điểm này trẻ đã lớn và không thể xoay trở được nữa. May mắn nhất nếu chúng kịp chuyển sang tư thế cổ điển, tức là quay đầu xuống dưới.

Nằm như vậy, trẻ sẽ thấy thoải mái ngay cả trước cũng như vào thời điểm chúng chào đời (bởi vì những phần lớn nhất của cơ thể là đầu và vai đã được đặt ở nơi rộng nhất là phần dưới của tử cung). Trong quá trình sinh, đầu thai nhi lọt vào khung chậu của mẹ, phần gáy đi qua toàn bộ bề mặt xương chậu, sau đó xoay lại về phía bụng mẹ, thai nhi “ổn định vị trí” dưới khớp xương mu và chờ cơn chuyển dạ để ra ngoài.

Bất thường

Nếu trẻ quay đầu xuống dưới thì việc sinh nở thường diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, ngay cả tư thế này cũng không loại trừ hoàn toàn mọi rắc rối. Chẳng hạn, trong khi sinh có thể xảy ra hiện tượng trẻ duỗi thẳng đầu: Khi đi qua khung chậu, đầu trẻ không áp sát vào ngực như thường lệ mà lại ngửa ra phía sau lưng.

Trong trường hợp này, bộ phận đầu tiên di chuyển qua ống sinh sẽ là trán hoặc mặt của trẻ, và điều đó rất dễ gây chấn thương cho cả hai mẹ con. Hiện tượng trán hay mặt ra trước thường xảy ra ở những bà mẹ sinh con không phải lần đầu, hoặc con quá to hay quá nhỏ, cũng có thể do mẹ có khung chậu hẹp, tử cung dị dạng hay bị u xơ tử cung, chứng thừa nước ối (đa ối), nhau tiền đạo.

Ngay cả khi ngôi thai không thuận, mẹ vẫn có thể sinh bé tự nhiên mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Ngôi trán được xác định trong thời gian sinh, khi bác sĩ thăm khám âm đạo của người mẹ. Đây là tư thế không thể điều chỉnh được và thai phụ thường được chỉ định mổ.

Ngôi mặt cũng được xác định bằng cách trên: Bác sĩ đỡ đẻ có thể sờ thấy mắt, mũi và miệng của thai nhi. Để tránh biến chứng, trường hợp này thường phải sinh mổ, nhưng cũng có khi các mẹ có thể tự điều chỉnh được.

Chuyện về “ngôi thai” - 1
Các tư thế phổ biến của bé trong bụng mẹ: Bé nằm dọc,
bé nằm ngang, lại có bé nằm chéo. (ảnh minh họa)

Các phương án khác

Nhiều bé cho chân và mông xuống dưới (ngôi hông), hoặc nằm ngang hay chéo.

Tư thế “đầu hướng lên trên” có 3 kiểu

1. Mông của trẻ nằm ở phần dưới tử cung, hai chân duỗi thẳng lên dọc theo thân (ngôi mông thiếu, kiểu mông).

2. Trẻ ngồi xếp bằng, chân gập lại và hướng xuống phía dưới khung chậu (ngôi mông đủ).

3. Một hoặc cả hai chân trẻ nằm ở phía dưới tử cung (ngôi mông thiếu, kiểu chân).

Nếu trẻ nằm ngang tử cung thì đầu và mông trẻ ở hai bên sườn mẹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngôi thai ngược: Người mẹ có khung chậu hẹp, nhau thai nằm không đúng vị trí, dị dạng tử cung. Những hiện tượng bất thường cũng có thể xảy ra khi thai nhi quá nhỏ và có thể di chuyển tự do trong tử cung, hoặc dây rốn quá ngắn cản trở sự di chuyển của thai nhi. Ngoài ra, ngôi thai ngược cũng xảy ra khá thường xuyên trong những trường hợp sinh non.

Xác định ngôi thai


Có thể làm việc này bằng cách khám ngoài và sờ nắn bụng, sau đó xác định lại kết quả thông qua việc thăm khám âm đạo và siêu âm.

Tư thế xoay đầu xuống dưới: Có thể biết điều này vào tháng thứ 7 của thai kỳ. Nếu thai thuận, bụng sẽ có hình  ôvan, kéo từ trên xuống dưới, từ đầu xương sườn cho đến xương mu. Ở phần trên tử cung, bác sĩ sẽ thấy được mông thai nhi (to và mềm), ở phần dưới tử cung là đầu (tròn và cứng), hai bên sườn là lưng và tay chân của bé.

Tư thế ngồi:
Có thể chẩn đoán được tư thế “khóa nòng” này từ tuần thứ 32 của thai kì. Ở phần trên của tử cung, bác sĩ sẽ sờ thấy đầu của bé (cứng) và ở phần dưới là mông (mềm).
Tư thế nằm ngang: Có thể xác định được tư thế này từ tuần thứ 20 của thai kì: Đầu và mông bé nằm ở hai bên sườn mẹ.

Đôi khi trẻ trở nên “dễ tính” hơn khi mẹ bắt đầu chuyển dạ và chúng tự xoay đầu xuống dưới. Các bác sĩ cũng có thể giúp bé, chẳng hạn, nếu bé nằm chéo họ sẽ cho mẹ nằng nghiêng một thời gian để bé có thể nhanh chóng chuyển sang tư thế nằm dọc.

Chật chội một tí không sao

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ sinh đôi? Khi trẻ có tư thế nằm không đúng do nguyên nhân chật chội mà ra thì việc sinh nở sẽ được quyết định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu một bé quay mông xuống dưới, còn bé kia lại chổng lên trên thì mẹ sẽ phải đẻ mổ.

Nếu một bé quay đầu xuống dưới, còn bé kia xoay ngang, thì hai bé có thể ra đời bằng cách sinh thường. Nhưng trong quá trình sinh bé thứ hai, các bác sĩ sẽ phải xoay để bé trở về tư thế cần thiết.

Đánh giá từ mọi phương diện

Những chị em có ngôi thai ngược phải đến bệnh viện phụ sản hai tuần trước khi sinh. Đây là thời gian để các bác sĩ thăm khám và xác định hình thức sinh. Chẳng hạn, bằng phương pháp chụp X-quang khung chậu, các chuyên gia có thể xác định được khung chậu của người mẹ có đủ rộng để cho con đi qua hay không.

Ngoài ra, tuổi của người mẹ cũng là một yếu tố quan trọng (trên hay dưới 30 tuổi) kích cỡ và cân nặng của trẻ, tư thế đầu của trẻ (cúi xuống ngực hay ngửa ra sau lưng), tư thế chính xác của trẻ trong tử cung.

Nếu thai nhi không lớn, đầu cúi xuống ngực và khung chậu của thai phụ có kích cỡ bình thường thì các bác sĩ đỡ đẻ sẽ tán thành việc sinh tự nhiên. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng trong những trường hợp ngôi thai ngược, quá trình sinh nở sẽ diễn ra phức tạp.

Chẳng hạn, cơ tử cung sẽ rất khó ôm thai nhi ở tư thế nằm ngang, cơn chuyển dạ vì thế thường sẽ yếu và quá trình sinh nở sẽ kéo dài. Đôi khi còn xảy ra những tình huống phức tạp hơn, chẳng hạn như tay của trẻ sẽ bị rơi xuống. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, phẫu thuật là quyết định an toàn nhất cho cả mẹ và bé.

Theo Phan Anh (Mẹ & bé)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác