Cơn gò bụng: 5 phút/lần là nguy hiểm

Ngày 23/01/2014 05:00 AM (GMT+7)

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, cơn co dọa sinh non thường là 5-10 phút xuất hiện một lần kèm ra huyết, đau bụng.

Một độc giả bày tỏ lo lắng: "Hiện tại em mới mang thai được 25 tuần 3 ngày thôi các chị ạ. Nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, em thường xuyên thấy xuất hiện cơn gò ở bụng. Em bé gò mạnh đến nỗi bụng em cứng lại, em sờ lên bụng thì thấy khá cứng. Mỗi ngày có đến 3-4 cơn gò. Mà mỗi cơn gò lại làm em đau nhói bụng, cửa mình như muốn mở ra".

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Khi thai đã ở những tháng cuối hoặc 25 tuần như bà bầu hỏi sẽ có những cơn co nhất định. Tuy nhiên, nếu cơn co đó chỉ xuất hiện một vài lần rồi biến mất hoặc tự nhiên buổi sáng tỉnh dậy có xuất hiện cơn gò cứng bụng thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên với bà bầu này có 3-4 cơn gò cứng bụng trong một ngày kèm triệu chứng đau nhói bụng cần phải đi khám ngay để được bác sĩ có những chỉ định”.

Theo lời bác sĩ Dung, cơn co dọa sinh non thường là 5-10 phút xuất hiện một lần kèm ra huyết, đau bụng. “Với trường hợp bà bầu nói trên đi khám bác sĩ, nếu kết luận không phải dọa sinh non thì sẽ được bác sĩ kê thuốc để giảm cơn co. Lưu ý các bà bầu khi xuất hiện cơn gò cứng bụng dù tần suất thế nào cũng cần đi khám bác sĩ để yên tâm”, bác sĩ Dung nói thêm.

Cơn gò bụng: 5 phút/lần là nguy hiểm - 1
Cơn co dọa sinh non thường là 5-10 phút xuất hiện một lần kèm ra huyết, đau bụng. (ảnh minh họa)

Trong suốt quá trình mang thai, chị em cần lưu ý không sờ tay vào bụng, xoa bụng vì có thể gây cơn co tử cung dẫn đến đẻ non. Ngoài ra, việc xoa đầu ngực trong thai kỳ cũng không được. Nguyên tắc trong thời kỳ mang thai là không ra máu, không ra nước và không có cơn co tử cung. Khi xuất hiện bất kỳ những dấu hiệu nêu trêncần đến gặp bác sĩ sản khoa ngay lập tức.

Trong tư vấn gần đây, bác sĩ Trần Việt Cường (Trường khoa sản thường, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM), nguyên nhân của sinh non có nhiều như nếu đã sinh non một lần thì lần tiếp theo sẽ có nguy cơ cao về sinh non, cổ tử cung bị hở bẩm sinh, trước khi mang thai có nạo hay phá thai nhiều lần. “Đặc biệt, việc bị té ngã, tác động mạnh từ bên ngoài lên bụng cũng sẽ dẫn đến nguy cơ sinh non”, bác sĩ Cường lưu ý.

Dấu hiệu sinh non có thể nhận ra là xuất hiện hiện tượng đau bụng khi chưa đến ngày dự sinh, có nhớt và dịch từ âm đạo… khi có những dấu hiệu này cần đưa ngay thai phụ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám.

“Có 2 thời điểm để kiểm tra nguy cơ sinh non với thai phụ. Đó là 3 tháng đầu kiểm tra eo cổ tử cung xem có bị hở bẩm sinh hay không. Còn 3 tháng giữa thai kỳ cũng sẽ kiểm tra vấn đề này, nếu bị hở sẽ được chỉ định của bác sĩ, có thể sẽ khâu eo tử cung", bác sĩ Cường lưu ý

Chị em nên đi khám định kỳ và khám khi nhận thấy những dấu hiệu sau: âm đạo chảy máu nặng, sốt, đau và cảm lạnh, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, đi tiểu bị đau nhiều, đau khung xương chậu, nôn đi kèm với sốt hoặc đau người, sốt cao trên 39,5 độ C, ra nhiều nước ở âm đạo, phù mặt, tay hoặc chân, không thấy bé đạp trong bụng, bị những cơn đau đầu dữ dội, liên tục chảy máu vùng kín liên tục hơn 1 ngày.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Hạnh, 32 tuổi, chưa có ý định kết hôn song lo khi gặp được ý trung nhân thì đã quá tuổi sinh con, quyết định đến bệnh viện trữ đông trứng.

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia