Hai tháng kích sữa, mẹ dư hàng trăm bịch sữa đem tặng

Ngày 20/10/2015 00:06 AM (GMT+7)

Từ một người mẹ ít sữa, không đủ sữa cho con ti, chị Nguyễn Hương đã có trăm bịch sữa trữ đông đem đi tặng các bé sơ sinh khác.

Chia sẻ về hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình, chị Nguyễn Hương (Hà Nội) cho biết chị đã từng gặp sai lầm khi cho con bú bình ngay sau khi sinh khiến con bỏ ti mẹ. Thời điểm đó chị cũng có rất ít sữa, mỗi ngày chỉ có khoảng 30-50ml dù đã cố gắng hút thường xuyên và mỗi lần ngồi đến 40-50 phút.

Tuy nhiên, hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ cũng như muốn con được hưởng trọn vẹn dòng sữa ấm nóng từ cơ thể mình, để cho con có khởi đầu tốt nhất nên chị đã quyết tâm tập cho con ti mẹ và kích sữa thành công. Từ một người thiếu sữa, sau 2 tháng chị đã có đủ sữa cho con và còn dư cả trăm túi sữa đem tặng.

Hai tháng kích sữa, mẹ dư hàng trăm bịch sữa đem tặng - 1

Từ một người mẹ ít sữa, không đủ sữa cho con ti, chị Nguyễn Hương đã có trăm bịch sữa trữ đông đem đi tặng các bé sơ sinh khác.

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Nguyễn Hương đã chia sẻ rất chi tiết về hành trình nuôi con bằng sữa mẹ khá vất vả nhưng kết quả thì vô cùng hài lòng của mình:

Cách tập cho con ti mẹ

Vì biết sữa mẹ là tốt nhất cho con nên sau sinh, dù bé không chịu ti mẹ nhưng mình vẫn kiên trì tập ti cho con song song với việc vắt sữa cho con ti bình. Mình muốn dành cho con 2 điều cơ bản nhất đó là tình yêu và sữa mẹ.

Lúc đầu mình vắt sữa bằng tay, rồi dùng máy vắt sữa bằng tay, rồi chồng mình thương mình vất vả quá nên đầu tư mua máy hút sữa điện đôi. Lúc đầu mình chỉ vắt được tráng bình, dù cố gắng đến mấy, mỗi ngày vắt cả chục lần, mỗi lần vắt 40-50 phút mà chỉ được có 30ml cho 2 bên. Vì vậy, mình vẫn không đủ sữa cho con ăn. Con mình vẫn phải ăn thêm sữa công thức. Mình cảm thấy tủi thân vô cùng khi ai đó hỏi có đủ sữa cho con ăn không? Mình lại nghẹn ngào trả lời, em không đủ sữa, con em phải ăn thêm sữa ngoài. 

Vậy, mình đã sai ở đâu? Mình sai ở chỗ là 2 hormone quan trọng nhất kích thích tiết sữa là prolactin và oxytocin thì mình lại không dùng cách nào để kích thích 2 hormone này gia tăng. Việc tập cho con ti mẹ của mình rất khó khăn vì bé bị ti bình ngay thì khi mới sinh ra. Mà bạn biết đấy, trẻ con nhớ lâu, mới sinh ra đã nhét cái bình và núm vú giả vào miệng bé làm bé mất đi phản xạ bú mút bản năng. Ti bình làm cho cái miệng bé lười quên đi việc cái lưỡi phải làm việc kích thích massage núm vú và vắt sữa. Vì vậy, khi ti mẹ sữa không chảy nhiều và nhanh như ti bình khiến bé cáu gắt. Mỗi lần 2 mẹ con tập ti là cứ như tra tấn. Cả tiếng đồng hồ con khóc lóc vật vã, còn mẹ mệt nhoài và stress.

Vậy, mình đã sai ở đâu? Đương nhiên, trước tiên mình sai là đã cho con ti bình. Thứ hai, mình sai vì đã ép con tập ti khiến con sợ hãi.

Hai tháng kích sữa, mẹ dư hàng trăm bịch sữa đem tặng - 2

Hiện tại, con trai chị Hương đã được bú hoàn toàn sữa mẹ.

Lời khuyên:

- Không cưỡng ép con khiến con hoảng sợ. Hãy để con chủ động tìm núm vú của mẹ mà bú mút. Đưa núm vú mẹ cà nhẹ vào má con hoặc mũi không nhét thẳng vào miệng con một các thô bạo. Để con dần dần chủ động tìm đến bú mút một cách thoải mái. 

- Dừng ngay việc cho con ti bằng bình, chuyển sang đút cho con ăn bằng thìa.

- Không tập ti lúc con đói. Khi con đói bắt con ti mà ti mẹ sữa không chảy ra nhanh và ngay như ti bình, bé mút được vài cái thấy không có sữa sẽ cáu gắt và nhất định không chịu ti mẹ. Hãy tập cho con ti lúc con không quá đói và không quá no. Thời điểm thích hợp lúc là lúc con lơ mơ hoặc ngủ gà ngủ gật, ngủ dậy chưa kịp tỉnh. Lúc này cho con ti trong tiềm thức, dễ trả con về thuận theo lẽ tự nhiên nhất: Tìm đến vú mẹ. 

Bé nhà mình, đến ngày thứ 20 mới chịu mút ti mẹ vài cái và nhất quyết chỉ chịu ti tầm 6h30-7h00 sáng. Nên giờ đấy, dù cả đêm có thức trắng mệt mỏi đến đâu thì chỉ cần con ọ ọe là mình bật dậy như lò xo để cho con ti. Ngày thứ 25, bé bú cữ đầu tiên chỉ đúng 2 phút. Mình mừng rơi nước mắt, hạnh phúc khôn tả. Lúc được một tháng bé ti mẹ được khoảng 4,5 cữ ngày và 3,4 cữ vẫn ăn sữa công thức.

Tư thế bú mẹ đúng và khớp ngậm chuẩn

Đây là chìa khóa của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Khi con mình bắt đầu ti mẹ trực tiếp, mình đã phải đối diện với 1 vấn đề to đùng: sai khớp ngậm.  Sai khớp ngậm làm cho đầu ti mình bị nứt cổ gà, chạm nhẹ vào là đau run người. Mỗi lần mình cho con ti mà đau như tra tấn, nước mắt rơi lã chã. Chồng mình không biết làm thế nào chỉ biết ôm lấy 2 mẹ con. Chồng mình thương quá bảo mình thôi vắt ra đi để chồng cho con ti bình. Mình một mực từ chối, mình bảo vợ chịu đau được, nhất định phải cho con ti mẹ trực tiếp để con quên cái ti bình đi.

Sau khi mình tập cho con ti mẹ hoàn toàn và đúng khớp ngậm rồi thì mình phải đối diện với 1 vấn đề: Quá nhiều sữa. Lượng sữa sản xuất ra vượt quá nhu cầu của con. Mỗi lần cho con ti mẹ là con bị sữa bắn đầy mặt hoặc sặc sữa làm con hoảng loạn khóc lóc ầm ĩ. Mình lại bắt đầu tập cho con thích nghi với việc này.

Hóa ra, bé chưa thực sự có khớp ngậm chuẩn nên mới bị sặc sữa khi sữa mẹ xuống quá nhanh và nhiều. Bé thích nghi dần, khớp ngậm thực sự chuẩn thì lưỡi bé sẽ như cái kênh dẫn nước vào vòm họng khiến bé không bị sặc nữa.

Lời khuyên:

Các mẹ nên tìm hiểu kỹ kiến thức về khớp ngậm chuẩn và tư thế bú đúng khi cho con bú. Mẹ phải luôn nhớ nguyên tắc tai, vai, hông phải thẳng hàng, bụng con áp bụng mẹ, cổ hơi ngửa khi bú thì dù bé bú ở bất kỳ tư thế nào cũng được. Nếu chẳng may bị nứt đầu ti thì chị em hãy bôi sữa mẹ và dùng kem trị nứt đầu ti.

Hai tháng kích sữa, mẹ dư hàng trăm bịch sữa đem tặng - 3

Những bịch sữa dư chị Hương thường gom lại để đem đi tặng các bé khác.

Cách kích sữa

Mình xin giải thích rõ về từ "kích sữa" như sau: Kích sữa chỉ dành cho các mẹ đã làm sai khiến lượng sữa giảm hoặc các mẹ đã mất sữa muốn kích sữa về.

Còn các mẹ cho con bú trực tiếp thì cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên, cứ cho con bú mút theo nhu cầu và da tiếp da, sữa luôn đủ cho con ăn, thậm chí thừa. Đừng cứ ngồi ôm cái máy hút sữa mà kích rồi lại căng thẳng, khóc ròng rồi chạy vào nhờ mình tư vấn làm sao cho nhiều sữa. Thời gian ôm cái máy hút sữa thì cứ ôm con vào lòng mà cho bú có phải sướng không? Các mẹ hãy luôn tin vào bản năng làm mẹ của mình, tin vào quy luật của đấng tạo hóa. Cái máy hút sữa chỉ phản ánh được hiệu suất của nó, không có phản ánh được các mẹ có bao nhiêu sữa trong ngực. Thời gian vắt sữa cho con bú trực tiếp thì sẽ được hơn rất nhiều. Ngực của các mẹ chẳng khác gì nồi cơm Thạch Sanh đâu, con cứ bú hết rồi lại có. Tóm lại là vụ kích sữa không dành cho các mẹ làm đúng từ đầu và cho con bú ngay sau sinh nhé!

Lời khuyên:

- Trong thời gian kích sữa, các mẹ có thể đi xin sữa mẹ của mẹ khác về cho con ăn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế giải quyết phần ngọn, không giải quyết được phần gốc. Về lâu dài, bạn phải kích sữa để nuôi con bằng sữa của chính mình.

- Thời gian kích sữa là bao lâu? Cái này là tùy từng người, mình nhấn mạnh là “tùy từng người” chứ không phải là “tùy cơ địa từng người” nhé!

+ Nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn cho con bú mà lượng sữa ít muốn kích sữa thì sẽ nhanh hơn. Như mình thì chỉ mất đúng 1 tuần.

+ Nếu bạn đã ngừng cho con bú một thời gian thì có thể sẽ mất lâu hơn 2,3 hoặc 4 tháng vì cơ thể cũng như máy móc, lâu ngày không làm việc thì cũng cần có thời gian khởi động lại và bắt nhịp lại với guồng máy lao động của mình. Quan trọng là bạn phải kiên trì. Nhiều mẹ bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ kiên trì rồi lại quay lại cái vòng luẩn quẩn của việc thiếu sữa và cho con ăn sữa công thức. Những lúc ấy, các mẹ hãy nhớ rằng chuyên gia sữa mẹ, chị Lê Nhất Phương Hồng đã ngừng cho con bú 10 năm nhưng vẫn kích sữa thành công. Thậm chí, có những mẹ vô sinh hiếm muộn không có khả năng làm mẹ, phải xin con nuôi nhưng đã kích sữa thành công để nuôi con nuôi bằng chính dòng sữa của mình. Vậy, mình một người mẹ mang nặng đẻ đau để sinh ra đứa con của mình hãy cố gắng, hãy kiên trì thêm 1 chút, 1 chút nữa thôi. 

- Cho con bú trực tiếp càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là về ban đêm, thời điểm vàng gia tăng hormone prolactin và oxytocin, việc cho con bú trực tiếp sẽ khiến lượng sữa gia tăng đáng kể

- Da tiếp da.

- Máy hút sữa chỉ là công cụ hỗ trợ. Không được lạm dụng máy hút sữa. Cái máy hút sữa các mẹ mua có đắt nhất cũng chỉ lên đến chục triệu là cùng. Trong khi cái máy hút sữa tự nhiện kia thì có tiền tỉ cũng chả mua được, không tốn pin, chẳng tốn điện, chẳng phải lo cọ rửa và tiệt trùng, luôn sẵn sàng hoạt động 24/24.

- Cho con bú 1 bên, bên còn lại dùng máy hút sữa hút ra, đều đặn khoảng 3h/lần. Khi hút sữa thì không nhìn vào số ml hút được chỉ nhìn con và nghĩ về con. Các mẹ chỉ cần giữ lịch hút đều đặn, không được để tình trạng ngực quá căng mới cho con bú và hút được bao nhiêu không quan trọng.

- Chế độ ăn uống không quá kiêng khem, đa dạng và phong phú.

- Tinh thần phải luôn vui vẻ và thoải mái. Chăm con thì không có ai nhàn cả, nhất là đang thiếu sữa thì dễ stress lắm. Stress là kẻ thù của các mẹ sữa. Tinh thần vui vẻ thoải mái thì mới làm gia tăng hormone oxytocin để kích thích việc tiết sữa được.

Con mình từ một đứa trẻ sơ sinh tráng ruột sữa công thức, được ăn sữa công thức trong suốt tháng đầu, bỏ ti mẹ thì đến lúc 1,5 tháng đã ti mẹ trực tiếp hoàn toàn. Hai tháng, sữa mình về tràn trề, và đây cũng là lúc mình bắt đầu hành trình vắt hàng trăm bịch sữa đem đi cho tặng.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù thời gian không có nhiều, mỗi ngày chỉ vắt được 2 bịch đủ cho con ăn ở nhà khi mẹ đi làm nhưng thứ bảy và chủ nhật ở nhà cho con ti trực tiếp, mình vẫn duy trì vắt sữa và tích được nhiều nhiều lại đem cho tặng.

Trên đây là những điều mình chia sẻ về thực tế bản thân của mình đã trải qua và những kiến thức mình học hỏi được, mong rằng giúp đỡ được các mẹ phần nào. Mình vẫn luôn tâm đắc một câu nói của chị Lê Nhất Phương Hồng: “Phúc lộc của con trong tay bố mẹ”. Nuôi con thế nào là quyền của mỗi người, tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng “phúc lộc của con trong tay bố mẹ”. Hãy cho con hưởng dòng sữa mẹ để con có một khởi đầu hoàn hảo nhất, khởi đầu hoàn hảo để có 1 sức bật giúp các con bay cao và bay xa trong tương lai.

Chúc các mẹ sữa và bố sữa thành công!

Minh Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu