Mẹ bầu Việt kể chuyện bị bác sĩ Nhật 'cấm' tăng quá 8kg

Ngày 26/05/2015 09:05 AM (GMT+7)

Câu chuyện về cân nặng của phụ nữ Nhật khi mang bầu của Mira - một mẹ bầu hiện đang sống tại Nhật Bản gây thích thú.

Mira chan là một cô gái Việt Nam hiện đang làm việc và sinh sống cùng gia đình tại xứ sở hoa anh đào. Ngoài công việc chính ở Nhật Bản, Mira còn được cộng đồng mạng biết đến với rất nhiều bài viết thú vị chia sẻ những trải nghiệm thú vị của cô về văn hoá, ẩm thực và con người Nhật Bản. Trang facebook cá nhân của cô đang có tới hơn 105 nghìn lượt người quan tâm và theo dõi.

Hiện nay, Mira đang mang thai ở tháng thứ 4, chính vì vậy, cô gái này cũng đã vô cùng hào hứng ghi chép lại những kiến thức và kinh nghiệm khi mang thai của phụ nữ Nhật Bản để chia sẻ với cộng đồng. Gần đây nhất, bài viết "Phụ nữ Nhật Bản mang thai không tăng nhiều cân" của Mira nhận được sự quan tâm ủng hộ của hàng trăm cư dân mạng.

Được sự đồng ý của Mira, xin đăng tải ghi chép đầy thú vị của mẹ bầu này về câu chuyện " cân nặng của phụ nữ Nhật khi mang bầu": 

Phụ nữ Nhật Bản mang thai không tăng nhiều cân

Nhân dịp Mira cũng đang bầu bí, mình muốn chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm, kiến thức dinh dưỡng mà Mira sưu tầm, nghiên cứu được cũng như những câu chuyện bầu bí vui ở Nhật nhé. Chuyện Mira muốn kể đợt này là ở bên đây, phụ nữ Nhật khi có bầu thì không được tăng nhiều cân, mà phải điều chỉnh từ 8 đến 10 kg thôi. Đi khám thai thì lúc nào bác sĩ cũng kiểm tra cân nặng và nếu tăng cân nhiều quá thì sẽ bị bác sĩ “la” nữa đó. Do vậy, hầu như các cô gái Nhật sau khi sinh con xong là lấy lại dáng mỏng dính mình dây ngay, nhìn vào không biết là mới sinh con luôn .

Mẹ bầu Việt kể chuyện bị bác sĩ Nhật cấm tăng quá 8kg - 1
Trong hình chụp khi Mira đang chuẩn bị rời nhà để ra sân bay về Việt Nam.

Khi Mira về Việt Nam là bầu bí 4 tháng rồi, nhưng lúc đi khám thai trước khi về nước thì được bác sĩ Nhật dặn là về Việt Nam đừng ăn nhiều nghe chưa, nhớ không được ăn mấy món có nhiều dầu mỡ nghe chưa, rồi nào là mấy tháng cuối sẽ tăng cân nhiều lắm nên mấy tháng đầu không cần tăng nhiều cân đâu… Về Việt Nam chủ yếu để ăn hàng mà cứ dặn không nên ăn nhiều thì sao mà chịu nổi (cười)

Vì sao phụ nữ Nhật Bản không để tăng cân nhiều khi mang thai

Tất nhiên có nhiều lý do quan trọng liên quan đến sức khỏe nữa, chứ không chỉ là về vấn đề thẩm mỹ, giữ dáng thôi ....

Đợt vừa rồi, Mira về Việt Nam cũng vài tuần để thư giãn và ăn hàng. Về nhà ai cũng nói sao mình bầu bí gì 4 tháng rồi mà vẫn còn ốm quá, chưa thấy bụng đâu nên ăn thêm cho mập lên đi, thế là mình ăn cho đã. Để rồi hôm nay về Nhật đi khám thai được 20 tuần và tăng được 3 kg rưỡi, cho nên bị bác sĩ lưu ý về cân nặng đó. 

Bác sĩ Nhật nói phải chú ý đừng để tăng cân nữa vì mấy tháng cuối sẽ tăng nhiều lắm, và cân nặng cho phép được tăng của mình chỉ trong khoảng hơn 8 kg thôi… Trong khi đó lúc ở Việt Nam thì nghe mọi người mách là phải tăng trên 10 đến 15 kg, có người còn tăng cả 20 kg nữa cơ… Vì sao lại có sự khác biệt này , có phải phụ nữ Nhật Bản muốn giữ dáng nên không dám tăng nhiều cân khi mang thai? Không phải chỉ vậy đâu, mà còn nhiều lý do liên quan đến sức khỏe của mẹ và bé nữa …

***

Ở Nhật phương pháp sinh chủ yếu và phổ biến nhất là sinh tự nhiên, không sinh mổ mà còn không có gây tê màng cứng để sinh không đau nữa, nên đúng nghĩa đau đẻ theo kiểu sinh thời nguyên thủy luôn. Vì người Nhật luôn quan niệm tự nhiên là phương pháp tốt nhất, còn sinh mổ hay có can thiệp của thuốc thì có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé sau này.

Tất nhiên ngoại trừ những trường hợp từ ban đầu bác sĩ xác định là cần sinh mổ thì ca đó mới được mổ, còn nếu không có vấn đề gì thì cho dù bạn đau đẻ 3 ngày thì cũng phải ráng nằm mà rặn cho ra nha… Cái này mình nói thiệt đó, chứ không giỡn đâu, vì có người bạn đau đẻ 3 ngày nhưng bác sĩ vẫn để cho nằm đó rên đến khi nào đẻ được thì thôi . ..

Do vậy, bên đây, người ta không muốn bé có cân nặng quá nhiều thì sẽ khó để sinh tự nhiên, nên phụ nữ Nhật Bản thường chú ý điều chỉnh cân nặng của mẹ và bé cho phù hợp, để bé vào khoảng 3 kg là vừa vặn đẹp nhất! 

****

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ Nhật không dám tăng cân hay không chú ý đến việc quản lý cân nặng. Mà ngược lại, họ kĩ càng đến mức chú ý đến việc đạt được một mức cân nặng lý tưởng để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé. Vì tăng cân nhiều hay ít cũng mang đến nhiều nguy cơ khác nhau về sức khỏe.Ví dụ như phụ nữ tăng nhiều cân khi mang thai sẽ dễ bị tăng huyết áp, tiểu đường thai kì hay bị béo phì sau khi sinh, dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật khác .

Mẹ bầu Việt kể chuyện bị bác sĩ Nhật cấm tăng quá 8kg - 2
Để minh họa thêm cho những gì Mira vừa nói, các bạn xem hình minh họa mà Mira chụp trong tạp chí nhé .

Trên đây là hình của chị Akagami Tamami, 34 tuổi cùng với những chia sẻ của chị trong giai đoạn mang thai. Bài báo còn có thêm chi tiết về cân nặng của của chị , đến cuối tháng 9 luôn là chị ấy tăng có tổng cộng 5,6 kg thôi. Vì cân nặng ban đầu của chị ấy cũng gần 60 kg rồi nên không được tăng nhiều ...

Cách tính cân nặng lý tưởng của phụ nữ Nhật Bản khi mang thai?

Cách tính cân nặng lý tưởng của phụ nữ khi mang thai ở Nhật là dựa trên chỉ số BMI (Body Mass Index). Đây là cách tính được phổ biến bởi Bộ Y Tế và Sức Khỏe của Nhật, và tất nhiên được áp dụng trên tất cả sách vờ, tài liệu hay thông tin ở các bệnh viện của Nhật nha các bạn .

*** 

Cách tính chỉ số BMI như sau:BMI = Cân nặng (kg) / Chiều cao (m) / Chiều cao (m)

*Nếu chỉ số BMI của bạn dưới 18,5 ( hơi ốm) thì bạn nên tăng từ 9 đến 12 kg trong khi mang thai*Nếu chỉ số BMI của bạn từ 18,5 đến dưới 25 (bình thường) thì bạn nên tăng từ 7 đến 12 kg . *Nếu chì số BMI của bạn từ 25 trở lên (hơi béo) thì bạn nên tăng khoảng 5 kg thôi nhé.

Lưu ý : ở giai đoạn chỉ số BMI bình thường từ 18,5 đến 25 , thì nếu chỉ số của bạn gần 18,5 thì bạn có thể tăng nhiều kg , còn nếu gần 25 thì chỉ được tăng hơn 5 kg tí thôi nha …

Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi mang bầu, nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé!
Anh Minh (facebook: mira chan's kitchen)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Hạnh, 32 tuổi, chưa có ý định kết hôn song lo khi gặp được ý trung nhân thì đã quá tuổi sinh con, quyết định đến bệnh viện trữ đông trứng.

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu