Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ

Ngày 27/06/2014 14:10 PM (GMT+7)

Với bữa sáng, mẹ bầu Như Quỳnh de Prelle không ăn đồ mặn như phở, bún mà ăn bánh mỳ, bánh ngọt và uống sữa.

Như Quỳnh de Prelle được biết đến là một nhà sản xuất phim độc lập cùng với công việc sáng tác, viết báo trước đây tại Việt Nam. Hiện tại, chị và gia đình đang sống tại thủ phủ Châu Âu - Brussels, Bỉ - cùng với niềm vui giản dị chăm sóc gia đình, nuôi dạy con tại nhà và làm công việc từ xa giúp bạn bè về phim ảnh, viết lách. Hàng ngày, chị vẫn cập nhật thường xuyên các thông tin về đời sống nơi đây, chuyện nuôi dạy con, chuyện mang bầu... trên facebook cá nhân để chia sẻ với người thân và bạn bè.

Rất may mắn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị về việc sinh nở ở xứ người, việc chăm sóc con cái và cả những bí quyết rất hay trong thai kỳ mà chị đã học hỏi được từ những người thân, bạn bè người Bỉ.

Bầu 9 tháng mà như 5 tháng

Chào chị. Nhìn bụng bầu của chị đã khá lớn, xin hỏi hiện tại chị đang mang thai tuần bao nhiêu rồi?

Chính xác đến ngày hôm nay, 27/6, tôi đã bầu bí được 37 tuần, 6 ngày.

Lần mang thai thứ 2 chị có thấy khác nhiều so với lần đầu không?

Mang thai lần thứ 2, tôi khỏe hơn dù vẫn làm đủ việc như quản lý và chăm sóc gia đình, viết lách, làm việc từ xa với các đồng nghiệp về phim ảnh. Đặc biệt là cậu con trai18 tháng lúc này đang ở thời gian có nhiều biến chuyển tâm lý nên chúng tôi phải dành nhiều thời gian dạy và chơi cùng bé nhiều hơn.

Về cảm xúc mang thai thì lúc nào cũng mới mẻ thôi vì những trải nghiệm khác nhau, thời điểm khác nhau và khi mang thai bé gái thì cũng không hề giống mang thai bé trai đầu. Ví dụ với bé gái tôi ít xúc động hơn, điềm tĩnh, tôi vẫn ăn nhiều nhưng khẩu vị khác lần trước, lần này tôi thích ăn chua nhiều hơn ngọt, tôi cẩn thận hơn, và kinh nghiệm từ bé đầu giúp tôi thoải mái, tự tin hơn rất nhiều. Lần mang thai bé đầu, tôi ăn nhiều đồ Á và Việt Nam, và thường xuyên bị tình trạng chuột rút nhưng lần này tôi kết hợp Á Âu nhiều trong thực đơn hàng ngày nên dường như sức khỏe hoàn hảo hơn, không thiếu máu, không chóng mặt và chuột rút dường như không có.

Thêm nữa, lần mang thai đầu vì chủ quan tôi làm việc nặng, di chuyển đi lại ở nhiều thành phố khác nhau tại Châu Âu nên tuần 32 em bé có nguy cơ đòi ra sớm, bác sỹ phát hiện ra và tôi phải nằm suốt gần 2 tháng, không đi lại nhiều để an toàn cho bé cho đến ngày sinh. Lần này có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi vô cùng hài lòng và đến giờ chỉ chờ ngày bé ra đời thôi.

Chúng tôi cũng luôn chú ý đến sức khỏe, tinh thần của mẹ để bé khỏe, tôi cũng luôn duy trì việc thai giáo dành cho bé suốt 9 tháng. Lần này may mắn hơn nữa là ngoài bố ra, còn có anh trai hàng ngày luôn ôm hôn bụng mẹ, gọi em là 'bebe'. Trong suốt thai kỳ, tôi ít khi mệt mỏi, cáu gắt, và thường xuyên duy trì thói quen đọc sách, nghe nhạc cổ điển từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ… xem phim và viết lách. Khi mọi thói quen tốt hàng ngày vẫn được duy trì thì khi ra đời, bé sẽ quen với bầu không khí và môi trường gia đình, xã hội như thế.

Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ - 1
Gia đình hạnh phúc của chị Như Quỳnh de Prelle

Thấy chị mang bầu tháng cuối rồi mà vóc dáng vẫn rất thon gọn. Chị có thể chia sẻ với độc giả về bí quyết giúp không tăng cân nhiều trong thai kỳ mà con vẫn đủ chất không?

Đến thời điểm này, tôi tăng đúng hơn 12kg, bác sỹ lúc nào cũng hài lòng về cân nặng của tôi, ngay cả lần mang thai lần 1 cũng thế.

Tôi không có bí quyết gì ngoài việc có chế độ ăn uống khoa học và bổ sung dinh dưỡng hợp lý hàng ngày và không phải đợi lúc mang bầu mới có chế độ này. Suốt 4 tháng đầu tiên, tôi hầu như không tăng cân gì, về Việt Nam ai cũng ngạc nhiên vì nhìn tôi như không mang bầu, còn ở đây so với các bà bầu 4 tháng thì nhìn tôi rất buồn cười. Bây giờ 9 tháng thì mọi người dự đoán tôi đang bầu 5 tháng, nghĩa là phải đến tháng thứ 8 dáng tôi mới rõ ra là có bầu, bụng mới to hẳn ra, dáng đi thay đổi. Bây giờ thì chính xác rồi vì chỉ còn vài tuần nữa thôi, tôi sẽ được gặp thiên thần của mình.

Cả hai lần mang thai, điều quan trọng nhất là các mẹ cần duy trì uống vitamin bầu, thậm chí khi chuẩn bị có bầu, chị em đã cần uống. Từ hồi có bé đầu cho đến lúc mang thai lần này tôi duy trì uống vitamin bầu suốt gần 3 năm vì tôi nuôi bé đầu tiên bằng sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi bé 9 tháng. Vitamin giúp mẹ khỏe, thậm chí khi bạn không ăn đủ vì mệt thì bạn vẫn đầy đủ các chất mà không phải lo cho bé, và khi uống vitamin bạn không phải lo vấn đề về sắt hay canxi.

Chị có thể bật mí về chế độ ăn uống hàng ngày của mình không?

Tôi đã duy trì chế độ ăn uống hàng ngày, ngay cả khi không mang thai như sau:

Ăn cơm một lần trong ngày, trưa hoặc tối. Tôi chủ trương ăn nhiều thức ăn hơn cơm, ăn cơm nhiều nhanh no, mà ít dinh dưỡng.

- Ăn sáng không ăn kiểu đồ mặn như phở, bún với các loại thịt. Mà ăn kiểu bánh ngọt và uống sữa, hoặc các đồ ăn khô như các loại yến mạch với sữa, bánh mỳ bơ, phomai…. Bơ và phomai không hề béo như nhiều người tưởng nhé, mà có nhiều năng lượng cũng như các chất giúp cho mẹ và bé khỏe, nhiều canxi cho xương cứng rắn.

- Bữa chính ưu tiên cá, thịt gà, thịt bò, thường là ăn một món theo kiểu cá kèm theo salad hay thịt bò với khoai tây. Lượng ăn mỗi ngày từ 2-3 lạng mà vẫn không bị béo nha. Thêm nữa là uống nước trái cây và rau xanh.

- Bữa tối càng đơn giản càng tốt, không ăn tinh bột. Uống sữa trước khi đi ngủ, giúp ngủ sâu.

- Có một bữa trái cây trong ngày vào lúc chiều, lúc này thường có thể ăn thêm bánh ngọt và uống trà.

Các mẹ cũng cần nhớ phải uống nhiều nước trong ngày, ngủ đủ và ngủ sớm, hạn chế thức khuya.

Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ - 2
Chị Như Quỳnh de Prelle và con trai khi chị đang mang bầu tháng thứ 6

Ở Việt Nam các mẹ bầu thường có quan niệm ‘ăn cho hai người’. Quan điểm của chị về vấn đề này thế nào ạ?

Thực ra bên này mọi người cũng có quan niệm đó ăn cho 2 người, nhưng theo tôi 2 người ở đây chính là cách bạn ăn khoa học khi bạn mang bầu chứ không phải ăn vì số lượng vì quan trọng nhất là nhu cầu cơ thể của bạn cần ăn gì, thích ăn gì cho phù hợp chứ không phải bạn nhồi nhét cho đủ đâu.

- Ăn theo nhu cầu: Đây là lời khuyên từ bác sỹ của tôi, thứ duy nhất tôi được dặn đó là không ăn salad vì bên này mọi người ăn salad hàng ngày, salad là đồ ăn sống thì nên cẩn thận và các món kiều như gỏi sống thì không nên ăn. Ăn thức ăn chín và sạch.

Vì thế, khi cơ thể bạn cần gì, thèm gì bạn nên ăn, tôi tin bạn sẽ khỏe và đủ dinh dướng cho bạn và bé. Ví dụ như lúc tôi thèm uống nước có gas hồi mang thai bé 1 tôi uống rất nhiều, có nhiều mẹ sẽ ngạc nhiên tại sao uống nước có gas thì đơn giản tôi thèm và tôi cần uống thì tôi sẽ uống, sẽ không tác hại gì cả khi cơ thể bạn khỏe và bạn dùng đồ sạch cả. Hay giữa đêm tôi thường xuyên dậy uống sữa tươi.

- Ăn khoa học và nạp đủ dinh dưỡng: Tôi có tham khảo khá nhiều sách về bà mẹ mang thai của Mỹ và Châu Âu cũng như kinh nghiệm từ món ăn bài thuốc của Việt Nam thì để tránh ăn nhiều mẹ nên chia thành 6 bữa nhỏ. Bạn vẫn duy trì 3 bữa chính như bình thường và thêm 3 bữa nhỏ kèm theo như bữa ăn trái cây, bữa ăn bánh ngọt và bữa uống sữa nếu như bạn nào có nhu cầu uống thêm sữa và sữa chua trong ngày.

Và quan trọng nhất là bạn có thực đơn cho các thời kỳ khác nhau ví dụ 3 tháng đầu mới có thai, có rất nhiều mẹ nghén, thèm ăn nhiều thứ thì cứ ăn. Thứ duy nhất tôi không ăn thời kỳ đầu mang thai là đu đủ xanh vì nguy cơ sảy thai cao. Đến 3 tháng tiếp theo khi các bộ phận đang hoàn chỉnh, cần nhiều dinh dưỡng hơn cho bé, mà mẹ bầu thì mệt hơn, cần chú ý đến việc điều chỉnh nhu cần ăn nhiều thức ăn thịt đỏ như bò, thịt vịt, rồi các loại cá, thịt gà. Chú ý ăn nhiều trái cây, sữa chua, phomai, bơ... sẽ giúp mẹ bầu đủ canxi, không bao giờ bị thiếu máu hay bị chuột rút, khó thở cả. Duy trì đủ 8 ly nước một ngày hoặc nhiều hơn theo nhu cầu của bạn. 3 tháng cuối, khi não và các bộ phận như tiêu hóa đang hoàn thiện thì bạn chú ý hơn tới các thực phẩm có omega 3 và các chất tốt cho não của bé, hệ tiêu hóa… Lúc này tôi ăn cá nhiều lắm, ngày nào cũng ăn toàn 3-4 lạng cá kèm theo rau, một ít cơm…. hãy nhớ thức ăn có thể giúp bạn khỏe hơn chứ không phải nhất thiết ăn nhiều cơm đâu nhé.

Đặc biệt ở tuần 32 tôi có ăn dạ dày lợn để cho hệ tiêu hóa của bé tốt hơn khi bé chào đời, đây là kinh nghiệm từ món ăn bài thuốc Việt Nam mà tôi học được từ sách hồi ở nhà, tôi thực hiện với  bé đầu tiên nhà tôi thì rất hiệu quả trong vấn đề tiêu hóa và ăn uống của bé từ lúc sơ sinh cho đến bây giờ.

- Tinh thần: Quan trọng không kém phần ăn uống là tinh thần thoải mái và ý thức việc thai giáo cho bé như nghe nhạc, đọc sách, truyền cảm hứng cuộc sống từ bố mẹ, khi ra đời bé sẽ nhanh nhạy và học hỏi nhiều. Điều này tôi được chứng minh từ bé đầu tiên nhà mình, bé học mọi thứ rất nhanh và rất hiểu bố mẹ khi chia sẻ mọi điều với bé.

Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ - 3
Mẹ Như Quỳnh de Prelle khi mang bầu ở tháng thứ 9

Mang bầu - chuyện rất bình thường

9 tháng mang thai là quãng thời gian khá vất vả đối với người phụ nữ đặc biệt là với người sống xa gia đình như chị. Vậy chồng Tây có giúp đỡ chị nhiều trong việc chăm sóc con và chăm sóc sức khỏe thai kỳ không?

Mọi người hay nghiêm trọng hóa vấn đề khi mang thai nào là vất vả, nào là cần sự hỗ trợ của gia đình. Tôi thì nghĩ đó là chuyện rất bình thường như khi bạn lớn lên bạn phải đi học, bạn phải đi làm, rồi bạn lập gia đình.., đó là những công việc tự nhiên có trong đời sống vì thế, coi đó như là trách nhiệm hoàn thành một cách thoải mái vui vẻ bạn sẽ không có những suy nghĩ cần phải giúp đỡ từ gia đình, từ người thân. Vì suy nghĩ độc lập về cuộc sống của bản thân nên tôi luôn ý thức hoàn thành các công việc của mình đang có như chăm sóc con cái khi chồng đi làm, giúp bạn bè từ xa, viết lách rồi đọc sách, học hỏi thêm từ nhiều thứ ngay cả thời kỳ mang thai có vẻ vất vả này.

Bản thân tôi luôn chú ý sức khỏe hàng đầu để khỏi ốm đau hay mệt mỏi để làm tốt các vị trí, vai trò của mình như người mẹ, người vợ, người bạn của con và của chồng. Ngay cả đến ngày sắp sinh, tôi vẫn chu tất các công việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc bé đầu mà không có điều gì phải kêu ca hay phàn nàn cả.

Và tất nhiên, chồng tôi sẽ chia sẻ với tôi việc chăm sóc và quan tâm đến con đầu tiên của chúng tôi như dành thời gian đi làm về sớm hơn chứ không ngồi muộn ở văn phòng dù công việc của anh ấy là nghiên cứu, hay như cuối tuần thì cho con đi chơi. Tôi thường không làm phiền chồng mình và đòi hỏi anh phải thế này thế kia, bản thân anh ấy luôn tự giác và ý thức cần giúp gì cho vợ con. Khi có lịch khám với bác sỹ hàng tháng và định kỳ, chúng tôi phải mở lịch làm việc của 2 bên ra để chọn ngày phù hợp và luôn bên nhau khi có lịch hẹn với bác sỹ. 

Ngoài ra, bố mẹ chồng tôi cũng giúp đỡ tôi khá nhiều như thời gian dành chơi với bé đầu tiên, trông giúp bé khi chúng tôi có những việc quan trọng phải ra ngoài. Sắp tới, khi tôi sinh, ông bà sẽ từ Pháp về chăm sóc bé đầu giúp tôi khi tôi ở bệnh viện.

Bầu bí nặng nề mà vẫn phải chăm sóc con nhỏ lại bận rộn với công việc, chị có gặp nhiều khó khăn không?

Bạn thấy đấy, tôi tăng cân không nhiều nên không nặng nề gì cả, ngay cả khi bây giờ sắp sinh lại là thời gian thoải mái, nhẹ nhàng nhất, tôi ít khi bị mệt lúc này. Bình thường tôi có kế hoạch mọi việc cho cả tuần như đi chợ, làm các công việc nhà, rồi các lịch hẹn bên ngoài, viết lách do đó, khi nào mệt tôi đều có thời gian để nghỉ cả chứ không bị quá tải, mọi thứ cứ như sắp xếp thôi. Đi đâu chúng tôi cũng cùng nhau, ít nhất là 2 người, con trai đầu và tôi lúc chồng tôi bận việc nên mọi thứ cũng khá đơn giản. Khi ra ngoài, bạn nhỏ luôn ngồi xe đẩy, kể cả ngủ trên xe đẩy, cần gì ăn uống cũng không phức tạp gì cả.

Hơn nữa, chúng tôi xác định sinh liền 2 bé nên việc chăm sóc và nuôi dạy bé đầu tiên, chúng tôi chuẩn bị tâm lý cho bé khá nhiều, đến bây giờ 18 tháng, bé cũng khá tự lập, ngoan, nên tôi không mệt nhiều vì con nhỏ như mọi người nghĩ, đến giờ ăn là ăn, ngủ là ngủ, chơi không nghịch dại. Bé rất ý thức việc có em bé tiếp theo, ngày nào cũng hôn và ôm bụng mẹ, gọi tên em. Nên tôi không biết kể các khó khăn ra như thế nào cả vì mọi chuyện đều diễn ra rất bình thường và thoải mái.

Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ - 4
Hai mẹ con đi chơi tại lâu đài triển lãm hoa

Cả thai kỳ chỉ siêu âm 3 lần

Ở một đất nước hiện đại như Bỉ thì chắc chắn chế độ đãi ngộ với mẹ bầu sẽ rất tuyệt vời. Chị có thể chia sẻ với độc giả về việc khám thai, chăm sóc thai sản ở đây không?

Đúng là Belgium là đất nước nhỏ bé xinh đẹp và có nền khoa học, công nghệ phát triển hàng đầu. Việc khám thai, chăm sóc thai sản ở đây có quy trình như sau:

- Khi bạn bắt đầu có bầu, bạn có lịch hẹn với bác sỹ gia đình để có giấy xác thực là bạn đã có mang rồi sau đó có lịch hẹn với bác sỹ ở bệnh viện để khám và siêu âm lần đầu tiên ở tuần 12. Cả quá trình mang thai bạn sẽ siêu âm 3 lần, tuần 12 để kiểm tra độ dày da gáy là quan trọng nhất và xem thai nhi có phát triền bình thường không. Tuần 22 bạn được siêu âm để xem các bộ phận phát triển như thế nào, lúc này bạn mới biết được giới tính của em bé, họ kiểm tra rất cẩn thận chi tiết. Đến tuần 32 là lúc siêu âm để kiểm tra mọi thứ hoàn thiện chưa để chuẩn bị cho bé chào đời. Lúc này là lúc có thể bác sỹ sẽ phát hiện ra tử cung có mở sớm hay không, để tránh tình trạng sinh non, em bé quay đầu chưa….

Hàng tháng bạn có lịch hẹn với nữ hộ sinh, nữ hộ sinh này theo dõi bạn từ đầu đến lúc bạn sinh bé ở viện. Tháng nào cũng kiểm tra nước tiểu và máu cho đến lúc lần hẹn cuối cùng với bác sỹ khi bạn sinh.

Ở tuần 28, bạn sẽ có một lần kiểm tra quan trọng cho máu, đường gluco, các loại viêm gan A, B và các thứ bệnh khác nếu bạn có tiền kỳ trước đây, lần test này quan trọng vì nó sẽ cho kết quả sức khỏe của bạn như thế nào, ảnh hưởng gì đến bé hay không để có sự điều chỉnh kịp thời từ phía chuyên môn, tránh nguy hiểm lúc sinh.

Sau tuần 28, bạn sẽ có sự thay đổi người theo dõi, bác sỹ chính sẽ theo dõi bạn, thậm chí là người đỡ đẻ cho bạn lúc khi bạn sinh. Cả 2 lần của tôi đều là giáo sư đầu ngành ở bệnh viện vì bệnh viện tôi chọn là bệnh viện nghiên cứu của một trường đại học danh tiếng ở đây.

Tầm 36, 37 tuần, bạn gặp bác sỹ chính để kiểm tra xem tình trạng bé và bạn như thế nào, bạn sẽ sinh theo cách nào. Ở Belgium thì ít can thiệp đến chuyện mổ trừ những trường hợp đặc biệt, họ ủng hộ sinh thường và truyền thống của họ là bạn có thể chọn tiêm vào màng cứng để tránh đau lúc khi sinh. Nhưng chúng tôi luôn chọn sinh thường, cả lần này cũng thế.

Sau 37 tuần, bạn có thể yên tâm chờ đẻ, khi nào có vấn đề gì thì cứ đến viện thôi, danh sách và tên bạn trong đã có ở viện rồi. Nên các mẹ ở nhà cố gắng cẩn thận thai kỳ đến tuần 37, trước 37 tuần đều là sinh non hết, em bé chưa đủ cân, chưa hoàn thiện mọi thứ như yêu cầu vì thế, càng về cuối càng nên giữ gìn, không nên tham công tiêc việc quá, có thể xin nghỉ sớm 1 tháng nếu thấy cần thiết vì theo mình đây là thời điểm quan trọng để chờ đợi thiên thần của bạn chào đời khỏe mạnh.

Từ tháng thứ 5, mẹ bầu sẽ lấy một giấy chứng nhận từ bác sỹ chính ở viện để gửi cho bên Bà mẹ và trẻ em của Chính phủ để được xác nhận bạn sẽ sinh em bé vào thời gian nào đó, bạn sẽ nhận được một khoản tiền đủ để mua đồ cho bé thời gian đầu tiên. Bé đầu bao giờ cũng được nhiều hơn vì phải mua nhiều thứ hơn, bé 2 thì số tiền giảm đi một chút nhưng cũng là niềm vui nho nhỏ động viên cho gia đình và các bé.

Chuyện mang thai và đi đẻ của mẹ Việt ở Bỉ - 5
Dù mang bầu tháng thứ 8 nhưng mẹ Như Quỳnh de Prelle vẫn rất thon gọn.

Còn chuyện đi đẻ ở Bỉ có khác nhiều so với ở Việt Nam?

Lần đầu tiên sinh nở, tôi vỡ ối lúc 2h sáng, chúng tôi vào viện, đến 5h tôi sinh bé, mọi việc khá đơn giản khi tôi được vào phòng sinh sau khi làm mọi thủ tục kiểm tra sức khỏe ra sao, thì có một bác sỹ và một nữ hộ sinh giúp tôi rặn làm sao để bé ra dễ dàng, có lúc tôi nhảy tưng tưng lên vì đau quá, có lúc họ để cho thoải mái rồi tiếp tục… Chồng tôi luôn ở bên cạnh để hỗ trợ tôi lúc đau đớn.

Sinh xong bé, chúng tôi được đưa về phòng, có một nhóm tầm 5 người phục vụ mẹ và bé, hàng ngày hàng giờ, từ ăn ngủ nghỉ đến việc tắm cho bé ra sao, chăm sóc bé thế nào, làm sao để sữa về… ở đây hầu như các mẹ đều cho con bú sữa mẹ đầu tiên, không ai tùy tiện dùng sữa công thức cả, họ luôn khuyến khích và giúp bạn có sữa cho bé chứ không phải bạn đòi sữa cho bé là bạn có đâu, mọi thứ rất nghiêm ngặt theo quy trình. Bạn sẽ không phải kiêng cữ gì từ lúc vừa sinh, ngày đầu tiên tôi được ăn cá hồi, được uống sữa tươi lạnh, trà hoặc cafe, và bác sỹ khuyên tôi nên tắm cho thoải mái, sạch sẽ, đó là lúc tôi sinh vào mùa đông tuyết rơi nhé.

Sau 5 ngày ổn định bạn trở về nhà, và trong 1 tháng đầu sẽ có bác sỹ hỗ trợ bạn mọi việc khi bạn cần ở nhà ví dụ như tắc sữa, kiềm tra vàng da, hay bé có vấn đề gì mà bạn không đến viện được sẽ có người đến giúp bạn nếu bạn cần hỗ trợ.

Chi phí cho cả thời kỳ mang thai và sinh nở chỉ là một số tiền nhỏ tượng trưng vì như mình có chồng là người bản địa thì hầu như được miễn giảm hết tiền bảo hiểm. Nếu bạn không thuộc chế độ trên thì số tiền cũng kha khá vì dịch vụ ở bệnh viện rất hài lòng, bạn vào viện như đi nghỉ ở khách sạn 5 sao, thoải mái và không lo lắng gì. Ngay cả khi con mình ốm ở viện vài ngày cũng thế.

Sau sinh nở, sản phụ và em bé có nhận được những trợ cấp gì đặc biệt từ chính phủ không?

Sau sinh nở, mẹ sẽ đến gặp lại bác sỹ thời kỳ mang thai để kiểm tra mọi thứ ổn định chưa ở tháng đầu tiên.

Còn em bé sau tháng đầu tiên thì sẽ tiêm vacin và theo dõi hàng tháng cho đến khi bé 2 tuổi và có vấn đề gì đột xuất thì đến phòng cấp cứu, các lịch hẹn với bác sỹ đều phải hẹn trước. Đến tuổi đi học cũng được kiểm tra thường xuyên định kỳ cho đến khi 16 tuổi vị thành niên.

Mẹ và bé đi bệnh viện hầu như không phải trả tiền gì chứ không phải là nhận trợ cấp đặc biệt gì cả. Nếu mẹ đi làm thì bé đi nhà trẻ từ lúc sơ sinh sẽ đóng góp một khoản tiền nào đó tuỳ theo nhu cầu thời gian là bao nhiêu ngày/tuần. Nếu mẹ không đi làm thì 3 tuổi bé sẽ đi học, việc đi học dường như miễn phí.

Em bé được nhận một khoản tiền nho nhỏ hàng tháng ở tải khoản của mẹ từ Chính phủ cho đến 18 tuổi.

Rất cảm ơn chị về những chia sẻ này!

Thái Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu