Mẹ ích kỷ mới chọn đẻ một con

Ngày 31/05/2014 14:00 PM (GMT+7)

Đầu bù tóc rối, áo quần lếch thếch và nhan sắc tàn tạ... vì con thì có hề chi.

Đầu bù tóc rối, áo quần lếch thếch và nhan sắc tàn tạ ư? Sức khỏe có giảm đi đôi chút ư? Đừng bao giờ so đo như thế cả, vì những hi sinh nhỏ nhoi ấy không thể sánh nổi niềm hạnh phúc lớn vô cùng khi mẹ có thêm một “thiên thần” nữa trong nhà.

Vả lại cũng có hàng tá lý do khác để các mẹ nghĩ đến việc sinh thêm một em bé. Thế nên dù những phân tích của Mẹ Kit về vấn đề “nghèo thì đừng đẻ thêm con” có vẻ rất hợp lý, nhưng mình lại có phần không đồng tình. Bởi trong chúng ta, không phải ai cũng giàu có hay dư dả tiền bạc, nhưng mẹ nào chẳng có mơ ước thật nhiều về những đứa con phải không? Nên theo mình, nếu mẹ thực sự muốn sinh em bé nữa, thì dù có túng bấn một chút cũng không sao cả. Mỗi một hoàn cảnh sẽ rèn cho con cái chúng ta thêm một tính cách, một kĩ năng nào đó để sau này chúng dễ thích nghi với cuộc sống hơn. Hơn nữa, nếu mẹ chỉ có một đứa con, mẹ có thể chăm lo cho bé đầy đủ hơn về vật chất (tất nhiên), nhưng chưa chắc tâm hồn chúng đã được vun đắp đầy đủ đâu.

Tất nhiên, việc sinh 1 hay nhiều con là vấn đề riêng của mỗi người. Miễn sao mẹ cảm thấy hài lòng là được. Có lẽ nhiều mẹ khi đọc những dòng trên đã vội cười cợt mình rằng vì cớ gì mà mình lại đi “cổ động” việc sinh nhiều con. Hạnh phúc của ai thì người đó tự quyết định chứ. Nhưng khoan vội nhé, mình không “vô lý” như các mẹ nghĩ đâu. Vì mình đã trải nghiệm cảm giác là con một rồi, nên mình rút ra một điều là những đứa trẻ giống mình ngày xưa không bao giờ được hưởng những cảm giác trọn vẹn của cuộc sống mang lại cả.

Ngày ấy mình đã luôn ước ao có thêm một đứa em để cùng ăn cùng chơi với nó. Thậm chỉ là để nhiều khi chành chọe, đánh cãi nhau um tỏi rồi lại giảng hòa cũng được, giống như mấy đứa hàng xóm của mình ấy. Chứ bản thân mình, dù bố mẹ có quan tâm nhiều thế nào đi nữa nhưng vẫn cảm thấy rất “cô đơn”. Nhất là những khi phải lủi thủi một mình ở nhà, lúc ấy, giá có thêm một “đồng minh” để cùng quậy phá, chơi đùa thì vui biết mấy. Rồi khi lớn lên, bắt đầu cảm thấy  khoảng cách giữa mình với bố mẹ xa hơn thì mình lại càng ước ao có anh/em để tâm sự, chia sẻ những điều mà không thể nói với người lớn được. Vả lại nếu có hai đứa thì khi đứa này có bất đồng, mâu thuẫn với bố mẹ về một vấn đề gì đó (điều này xảy ra thường xuyên khi ở giai đoạn mới lớn), sẽ có đứa kia làm “cầu nối” để giải quyết, chứ một mình thì…

Mẹ ích kỷ mới chọn đẻ một con - 1
Đầu bù tóc rối, áo quần lếch thếch và nhan sắc tàn tạ... vì con thì có hề chi. (ảnh minh họa)

Là con một, điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến tính cách của mình. Đó là khi mình không hề biết chia sẻ điều gì với người khác, nói đúng hơn là tính mình khá ích kỉ. Mãi sau này khi đi học, sống với bạn bè thì mình mới dần nhận ra điều đó. Bởi từ bé thì mình vốn chỉ quen được quan tâm, chiều chuộng chứ chẳng phải lo lắng cho ai. Rồi những đồ chơi đẹp, đồ ăn ngon,… bao giờ mình cũng được “hưởng tất”. Chẳng như bên hàng xóm, tụi nó thường phải chơi chung, ăn chung, hoặc đôi khi đứa này tự nguyện nhường cho đứa kia. Không giống như mình, chúng học được cách chia sẻ với người khác từ rất sớm.

Các mẹ cũng đừng bao giờ quan niệm rằng cứ phải lo cho con thật đầy đủ mới tốt cho con nhé! Thậm chí khi sống hơi thiếu thốn một chút thì con mình càng biết chia sẻ nhiều hơn, biết suy nghĩ và quan tâm tới người khác hơn. Giống như bé lớn nhà mình, trước đây cũng được coi là “tiểu thư” nên cháu phần nào cũng giống hệt tính mình hồi nhỏ. Đi học, con không hòa đồng được với bạn và sống khá ích kỉ, không bao giờ cho các bạn mượn đồ chơi hay cùng chơi với mình, những thứ khác cũng vậy. Lúc ấy mình thực sự lo lắm, mình không hề muốn con lớn lên với tính cách như vậy.

Thế nhưng từ khi bố bị tai nạn, gia đình lâm vào khó khăn thì con lại thay đổi hoàn toàn. Các mẹ biết không, lúc ấy mình bắt đầu mang thai đứa bé thì chẳng may chồng bị ngã xe nặng lắm. Tài sản trong nhà thì phút chốc trở nên kiệt quệ vì phải đổ hết ra chạy chữa cho anh rồi. Đã thế quá trình điều trị phải lâu dài nên công việc kinh doanh của chồng bị ngừng lại. Lúc ấy, mình thực sự sợ hãi, hoang mang vì không biết làm sao để sống tiếp, không biết lo cho các con thế nào và chính mình cũng thấy khó thích nghi với sự nghèo túng như thế. Đã có lúc mình định bỏ thai đi nhưng cuối cùng không dám nên đành giữ lại. Có điều, mình đã khóc đến mềm người vì thương con, sợ chúng không được chăm lo đầy đủ như trước.

Vậy mà khác với những lo lắng của mình, con lại thay đổi theo chiều hướng rất tích cực. Cháu không còn đòi hỏi váy áo hay đồ chơi đẹp, không đòi đi chơi chỗ này chỗ kia nữa. Khi đi học về là con chăm chỉ giúp mẹ bao nhiêu việc nhà, rồi vào ngồi bóp tay, bóp chân cho bố. Khi có em, con bé thậm chí còn nhường hết cả búp bê và những gì nó thích nhất, có quà bánh ngon cũng cất đi cho em. Nhiều khi ăn cơm có món ngon thấy hai đứa gắp qua gắp lại một hồi cho nhau rồi lại bỏ vào bát mẹ khiến mình rơi cả nước mắt. Đứa bé nhà mình tuy chưa nhận thức được nhiều nhưng thấy chị như vậy nên nó cũng làm theo. Những điều mà hồi bé không bao giờ thấy được ở đứa “con một” như mình.

Mình kể chuyện này là để các mẹ thây rằng, không hẳn là cứ có tiền bạc dư dả thì mới nên sinh thêm con đâu. Nếu các mẹ thực sự mong muốn thì khó khăn một chút cũng không sao. Bởi bây giờ, nói là thiếu thốn chứ chẳng nhà ai đến mức thiếu ăn thiếu mặc như ngày xưa nữa phải không? Thậm chỉ, đôi khi trong hoàn cảnh “túng bấn” một chút con mình lại sớm hiểu chuyện hơn, sống giàu tình cảm hơn rất nhiều. Nên là các mẹ hơi “hoàn cảnh” một chút cũng đừng hoang mang nhé!

Giờ mình tuy vẫn còn khó khăn nhưng nhìn 2 con ngoan ngoãn, biết yêu thương nhau như thế mình hạnh phúc lắm! Niềm hạnh phúc nhân đôi so với khi chỉ có mình bé lớn. Và mình chưa bao giờ thấy hối hận vì bất chấp khó khăn mà sinh thêm con cả.

Mẹ Chu Pi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu