Một năm sống trong nước mắt của mẹ sinh con nặng 1,5kg

Ngày 04/04/2016 15:12 PM (GMT+7)

"Một năm về trước, mẹ khóc vì thương con chào đời chỉ nặng 1,5kg, khóc khi nhìn thấy con ngày ngày phải gắn với bình oxy, với máy tiêm, truyền... còn bây giờ mẹ khóc vì thấy con khỏe mạnh, lanh lẹ, khôn lớn từng ngày."

Nhân ngày sinh nhật của con trai tròn 1 tuổi, chị Nguyễn Hương (sinh sống tại Hà Nội) đã dành thời gian ghi lại hành trình một năm gian nan nhưng cũng đầy cảm xúc của vợ chồng chị với đứa con thứ 2 sinh non ở tuần 30 thai kỳ. Kể lại những khó khăn anh chị đã phải trải qua, có lẽ không giấy mực nào ghi hết bởi những tháng ngày đó là những ngày thật "kinh khủng" khi chị "chưa bao giờ khóc nhiều đến thế".

Nửa năm đầu Bảo Minh chào đời, thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Không chỉ nằm ở một bệnh viện, ngay khi được 1 ngày tuổi, bé đã phải chuyển viện rồi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Vì sinh non, những ngày đầu bé còn chưa có phản xạ bú, nuốt nên chị phải bón từng thìa sữa nhỏ cho con, có những bữa bé chỉ ăn được 1ml, 2ml... khiến vợ chồng chị vô cùng lo lắng. May mắn là từ tháng thứ 5, mọi gian nan cũng dần qua đi, sức khỏe bé tốt hơn và hiện tại bé đã được 1 tuổi, đang phát triển tốt như những em bé bình thường.

Ghi lại nhật ký ca sinh non và những ngày đầu con chào đời, chị Nguyễn Hương cho biết: "Khi ngồi đọc lại những dòng mình đã biết cho con, mắt mình cứ nhòe đi. Mình viết liền một mạch, cảm xúc cứ trào ra, như sống lại những ngày vất vả và đầy cảm xúc đã qua. Sau khi chia sẻ những dòng nhật ký này, đã có rất nhiều mẹ hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non của mình. Hy vọng có thể giúp ích phần nào cho các mẹ và tiếp thêm cho các mẹ động lực để vượt qua những ngày gian khổ khi chăm sóc con sinh non."

Một năm sống trong nước mắt của mẹ sinh con nặng 1,5kg - 1

Bé Bảo Minh lúc 1 tháng tuổi và hiện tại.

Một năm sống trong nước mắt của mẹ sinh con nặng 1,5kg - 2

Chị Nguyễn Hương và con trai.

Cùng theo dõi Nhật ký sinh non đầy gian nan của mẹ Nguyễn Hương:

"Hôm nay Bảo Minh của bố mẹ tròn 1 tuổi. Ngồi đọc lại những dòng mẹ đã viết cho con mà mắt ướt nhòe, còn bố thì cứ ôm chặt lấy mẹ.

Mang thai chị Tuệ Minh, mẹ chẳng nghén cũng không mệt mỏi, thai kì không có gì bất thường, đủ ngày đủ tháng thì đi sinh. Vậy nên lúc có bầu con, không nghén, không mệt nên mẹ cũng chủ quan. Nhưng do biến chứng của lần sinh mổ trước, kênh cổ tử cung của mẹ ngắn hơn bình thường, rồi lại bị đa ối nên mẹ chuyển dạ sinh con sớm. Để rồi, con chịu nhiều thiệt thòi quá!

Những ngày tháng đầu đời của con mẹ còn nhớ như in:

31/3/ 2015, 7h30 sáng, bố mẹ đi chợ. Về nhà ăn sáng xong, mẹ lên giường nằm vì hơi mệt. Bố có việc phải đi.

- 11 giờ mẹ thấy cơ thể khác lạ, vào nhà vệ sinh kiểm tra thì có dịch màu hồng, ra máu báo sắp sinh. Mẹ hốt hoảng gọi cho bố, gọi taxi vào viện. Bố về, máy móc không kịp mang vào nhà, vứt ngay ở cổng.

- 12 giờ vào viện. Bác sĩ khám, cổ tử cung mở 2cm. Bố lo làm thủ tục nhập viện, mẹ được chuyển lên phòng chờ sinh trong tâm trạng hoảng hốt, lo âu bởi theo dự sinh thì còn hơn 2 tháng nữa mẹ mới sinh con cơ mà. Bác sĩ giải thích tình hình cho bố mẹ nghe. Mẹ được tiêm thuốc giữ thai.

23 giờ 31/3, cổ tử cung mở 4cm. Mẹ tiếp tục xin được giữ thai. Bố ở ngoài hành lang, cả đêm thức, nắm tay mẹ, an ủi mẹ dù mẹ biết bố cũng đang vô cùng lo lắng và buồn bã. Qua cửa sổ, bố đút cho mẹ từng thìa cháo, dỗ mẹ uống từng ngụm sữa.

- 6 giờ sáng ngày 1/4/2015, cổ tử cung mở 5cm. Mẹ vẫn xin được giữ thai, bác sĩ miễn cưỡng đồng ý. Nằm ở phòng chờ, mẹ cứ khóc suốt. Mẹ lo lắng, mẹ ân hận, mẹ thương con,... Mẹ mong được lên A4 dưỡng thai nhưng chẳng được chuyển vì cổ tử cung mở nhiều quá rồi. Bố ở ngoài hành lang vẫn kiên nhẫn nắm chặt tay mẹ, vẫn động viên mẹ cố gắng lên. Chưa bao giờ mẹ thấy thời gian trôi đi lâu như ngày hôm ấy, cũng như chưa bao giờ mẹ mong nhanh hết 1 giờ, nhanh hết 1 ngày, nhanh hết 1 tuần đi như vậy, bởi mẹ biết 1 ngày trong bụng mẹ sẽ bằng cả tuần ở ngoài của con.

- 23 giờ ngày 1/4, bác sĩ thăm khám, cổ tử cung của mẹ mở 6cm và bác sĩ cho biết mẹ không thể giữ thai được nữa, lúc này phải ưu tiên cứu mẹ trước, cứ giữ mãi sẽ vỡ cổ tử cung và nguy hiểm tính mạng mẹ. Mẹ òa khóc. Mẹ còn chưa chuẩn bị gì cho con, chưa mua cho con một đồ đạc gì. Mẹ bảo bố ra mua tạm cho con ít quần áo, cái chăn,... Bố thì ngơ ngác, và cũng khóc.

- 0h15 ngày 2/4, mẹ lên bàn sinh. Trước đó, bác sĩ bảo mẹ sẽ phải sinh mổ vì lần trước đã mổ, hơn nữa lúc đó sức khoẻ của mẹ kém quá, da xanh, người nhợt nhạt, sợ không đủ sức sinh thường. Nhưng mẹ cố gắng xin sinh thường vì mẹ nghĩ con đã sinh non rồi mà còn không được qua quá trình chuyển dạ tự nhiên, chỉ để bác sĩ mổ bắt con ra thì cơ hội sống sót của con sẽ thế nào? 

Được bác sĩ đồng ý cho sinh thường, mẹ mừng lắm và tự nhủ sẽ phải cố gắng, thật cố gắng. Ekíp đỡ đẻ cho mẹ hôm ấy đông lắm. Mẹ vẫn nhớ các cô hộ sinh, các bác sĩ, y tá vây kín quanh mẹ. Các bác còn chuẩn bị đầy đủ để nếu nguy hiểm quá sẽ mổ cấp cứu mẹ ngay... Nằm trên bàn sinh, mẹ đau lắm, đau chẳng khác gì hồi mẹ sinh chị Bông, nhưng mẹ chẳng hề khóc hay kêu la như các mẹ xung quanh bởi mẹ nghĩ đau đớn thế này cũng có là gì so với những khó khăn trước mắt mà con mẹ phải trải qua.

- 1h10 phút ngày 2/4/2015, con cất tiếng khóc chào đời với cân nặng 1,5kg. Bác sĩ động viên mẹ rằng con sinh non mà khóc to vậy là mừng rồi. Mẹ xin được ôm con mà bác sĩ không cho, chắc tại con bé xíu và còn phải chuyển con lên khoa sơ sinh non tháng. Cô hộ lý hỏi mẹ tên con để ghi vào giấy chứng sinh, mẹ đọc luôn Tào Bảo Minh dù trước đó, bố mẹ vẫn còn đang phân vân lựa chọn tên con. Sinh xong, cầm điện thoại lên, thấy một loạt tin của bố, mẹ chỉ kịp reply cho bố rồi lịm đi.

Một năm sống trong nước mắt của mẹ sinh con nặng 1,5kg - 3

Bé Bảo Minh khi được 6 tháng tuổi.

Những ngày sau đó mới thật là kinh khủng. Chưa bao giờ mẹ khóc nhiều đến như thế. Nhìn các bạn khác được mẹ bế ẵm, vỗ về, cho ti, mẹ lại thương con mẹ đang ở trong lồng kính. 5 ngày đầu dịch dạ dày của con bẩn nên con phải nhịn ăn. Con còn bị nghi tắc ruột phải chuyển sang bệnh viện Nhi kiểm tra và mổ. Vừa sinh được 1 ngày trời, vừa mới rời khỏi máy thở, vừa dừng thở ôxy để tập tự thở được khoảng 3 tiếng đồng hồ thì con đã phải ra ngoài. Lúc đi, còn có y tá đem bình oxy theo, nhưng đến viện Nhi, y tá về, để mặc bố với con ở đó. Mình bố vừa bế con vừa đi đăng kí khám vì con không phải trường hợp cấp cứu nên vẫn phải theo tuần tự. Bố cố tìm nơi kín gió và ôm con thật chặt. May mắn, sau khi kiểm tra, kết quả con không bị tắc ruột nên được trả về bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Lúc bố và các cô đưa con về đến khoa, mẹ đi theo vào, nhìn qua cửa kính lúc các cô cởi đồ của con để đưa vào lồng ấp, mẹ đã khụy xuống. Chao ôi là xót xa! Con bé quá! Bé xíu! Bố phải dìu mẹ về phòng bệnh.

Sau đó là những ngày ngóng trông tin con. Mẹ mong đến 10h30 mỗi ngày biết bao, bởi lúc đó bác sĩ sẽ thông báo tình hình của các con cho người nhà. Rồi là những ngày chờ đợi để con được ăn sữa, rồi chờ để con được ra với mẹ. Ngày 7/4/2015, dịch dạ dày của con trong nên con bắt đầu được ăn sữa. Ngày 9/4, con được ra với mẹ. Khi cô y tá đọc bé 10029 và trao con cho mẹ, mẹ run lên. Ôm con trong lòng,mẹ khóc mà chẳng cần chú ý đến xung quanh. Cầm tay con, chân con mà tim mẹ nghẹn ngào. Sao lại bé thế? Chỉ có da và xương bởi vì lúc đó con chưa có lớp mỡ dưới da.

Từ hôm con được ra với mẹ, mẹ mong ngóng đến 9h, 12h, 15h,18h và 21h để được bế con. Còn các cữ 0h, 3h và 6h sáng con ko dc ra, mẹ chỉ đến để vắt sữa cho các cô cho ăn.

- Ngày 10/4, mẹ xuất viện trước con. Mẹ ở khách sạn ngay gần bệnh viện để tiện vắt sữa cho con. Con trai mẹ thở tốt nhưng phản xạ bú, nuốt còn chưa có. Ra với mẹ, con không biết ti mẹ cũng chưa biết bú bình. Mẹ bón thìa cho con thì sữa toàn trào ra ngoài vì con chưa biết nuốt.

- 17/4/2015, con xuất viện với cân nặng 1,3 kg, sụt mất 2 lạng so với lúc mới sinh. Từ đó bắt đầu chuỗi ngày mẹ ấp con 24/24. Chuyện ăn uống của con vẫn không khá hơn trong viện. Con không biết ti mẹ, không biết ti bình, không biết nuốt. Mẹ kiên nhẫn vắt từng giọt sữa, nhỏ vào miệng con, nhưng chỉ một hai giọt thôi mà con vẫn có lúc sặc. Rồi mỗi lần con ăn chỉ được 1ml, 2ml rồi 5ml, trong khi các bác sĩ dặn mẹ phải cho con ăn 150-180ml/1kg cân nặng 1 ngày để đảm bảo dinh dưỡng cho con. Vậy nên hầu như thời gian của con hồi ấy chỉ là nằm trên bụng mẹ và ăn. Da tiếp da để truyền hơi ấm cho con. Nhưng con ăn được quá ít, chưa được 1 nửa so với yêu cầu tổng lượng sữa hàng ngày nên mẹ rất lo lắng. Có lúc mẹ sốt ruột và lo lắng quá nên phải nhờ cô y tá đến nhà đặt ống xông cho con.

- 26/4/2015, con bị đi ngoài, bố mẹ đưa con vào viện Nhi khám. Con sinh non nên dù tình trạng đi ngoài không nặng nhưng bác sĩ vẫn chuyển về Bệnh viện Xanh Pôn để theo dõi đường huyết. 19h ngày 26/4 con vào khoa sơ sinh Bệnh viện Xanh Pôn, sau khi làm xét nghiệm, con thiếu máu nặng nên được truyền máu ngay trong đêm. Từ bây giờ con có tên gọi 8A. Lúc đó con được 1,7 kg.

12 ngày ở khoa sơ sinh Bệnh viện Xanh Pôn là 12 ngày căng thẳng tột độ với mẹ. Mẹ sợ cái loa thông báo ở khu người nhà bệnh nhân phát ra tiếng thông báo gọi người nhà của số nào đó lên lắm. Vì thường là chẳng mấy khi có tin tốt đẹp.

- 12/5/2015, con được cho ra viện với cân nặng 1,9 kg. Lúc đón con về, mẹ đã thấy con ho rồi, nhưng bác sĩ bảo bệnh viện bị lây chéo nhiều lắm nên con khỏe rồi thì cho con về.

- 13/5/2015, mẹ đưa con đến bệnh viện Phụ sản kiểm tra thính giác theo hẹn, lấy kết quả sàng lọc sơ sinh, rồi sang bệnh viện Nhi kiểm tra tim, kiểm tra não, siêu âm thóp,... rất may là mọi thứ của con đều bình thường.

- 14/5, con ho ngày một nhiều, bố mẹ lại phải đưa con vào Nhi khám. Kết luận viêm phế quản và lại chuyển về Xanh Pôn. 14h ngày 14/5, nhập viện Xanh Pôn lần hai. Vì con đã hơn tháng rồi nên không đưa xuống khoa sơ sinh nữa. Con nằm ở khoa Nhi tổng hợp. Con được chính bác sĩ Thường trưởng khoa điều trị chính cho con. 12 ngày nằm ở khoa I lần này, mỗi ngày mẹ phải bế con để tiêm 8 mũi, mỗi mũi tiêm dài 1 tiếng vì con phải dùng máy tiêm chậm. Mỗi ngày phải bế con truyền dịch 80ml với tốc độ 7ml/h. Cứ đến giờ tiêm là rút ống truyền để tiêm, tiêm xong lại cắm dây truyền.... Vậy nên gần như con gắn với máy tiêm, máy truyền 24/24.

Hãi hùng nhất là con đến giai đoạn sắp chào đời tính theo tuổi thai nên rướn, vặn làm vỡ ven nên có ngày phải lấy ven tới 3 lần. Mà mỗi lần lấy ven cho con là một cực hình. Ven con mảnh quá nên khó lấy. Có ngày các bác còn phải hội chẩn để lấy ven cho con cơ đấy. Mẹ nhớ, ngày 20/5 buổi sáng mới lấy ven cho con, 14h phải tháo ven ra để con đi khám mắt lần 2. Đi khám về, con vẫn phải truyền dịch nên lấy lại ven. Nhưng cứ lấy được lúc con lại bị phồng ven, vỡ ven. Tay, chân của con chẳng còn chỗ nào mà lấy ven được nữa nên bác sĩ toàn phải tìm trên đầu, trán... có lúc đâm kim tiêm đến 4,5 chỗ mà vẫn không được, không cài được kim bướm vào giữ ven. Con khóc trên bàn lấy ven, mẹ và bà khóc ở ngoài, đến cả bố cũng khóc. Cô Hoàn, cô Tân và cô Làn y tá có lúc còn ôm mẹ mà động viên mỗi khi như vậy. 

Lấy ven xong, mẹ ôm con trong lòng, con dụi đầu vào ngực mẹ, Mẹ lại nghĩ những ngày phải cách ly mẹ ở bệnh viện phụ sản và khoa sơ sinh Xanh Pôn con cũng phải chịu đau đớn thế kia mà mẹ không biết, con cũng phải tự dỗ mình, tự trấn an mình bởi không có bàn tay của mẹ rồi cứ thế oà khóc.

Một năm sống trong nước mắt của mẹ sinh con nặng 1,5kg - 4

Bảo Minh và chị gái.

26/5/2015, con được ra viện. Các cô y tá xoa đầu con, cầm tay con chào tạm biệt. Bác sĩ Thường dặn dò mẹ nhiều lắm và chốt lại là bao giờ con được 5kg thì đến bác cho quà nhé! (lúc đó con được 2,4kg).

Trộm vía từ lần ra viện ấy về nhà con mạnh khỏe. Ăn vẫn ít, tăng cân không nhanh nhưng đều đều tháng được 1kg. Mẹ cần mẫn ghi ghi chép chép từng cữ ăn của con, nhiệt độ của con, tình trạng output của con trong một cuốn sổ (mẹ đang suy nghĩ xem sau này có nên trao báu vật ấy cho vợ của con không). Đến cuối tháng 12/ 2015 con lại mới ốm, nhưng cũng chỉ là hắt hơi, sổ mũi xíu.

Những tháng ngày vất vả đi xin sữa vì mẹ không đủ sữa, nuôi con ăn dặm... rồi cũng qua, và trộm vía con, từ sau tháng thứ 4, con ngoan lắm, ăn ngủ sinh hoạt theo nếp, lúc nào cũng tươi cười nữa chứ, ngủ dậy là cười ngay được ấy. 5 tháng con biết lẫy, 7 tháng ngồi được, và 9 tháng thì tập mãi mà không bò được, cứ chổng mông lên mà không dám dịch đầu gối nên con chọn cách nằm xuống mà trườn.

Tết Bính Thân 2016, con trườn khắp nhà, vịn thành ghế, vịn vào mẹ đứng lên. Và giờ thì chàng trai của mẹ đã tròn 1 tuổi rồi. Mẹ cám ơn con rất nhiều, Bảo Minh ạ. Nhờ có con mà mẹ trưởng thành hơn rất nhiều đấy nhé! Mẹ còn kiên nhẫn nữa. Kiên nhẫn chờ đợi con, kiên nhẫn khi chăm con. Nhờ những vất vả khi sinh nở và chăm sóc con mà mẹ thêm yêu, thương và trân trọng bố của con - một người chồng, một người cha tuyệt vời. Rồi nhờ có gian nan ấy mà mẹ biết có rất rất nhiều anh chị, bạn bè, cô chú, các bác quan tâm và yêu thương mẹ! Những tình cảm, những lời động viên, những giọt nước mắt, những cái ôm của bạn bè, anh chị lúc ấy mẹ sẽ luôn khắc ghi và dạy các con trân quý!"

Bố Việt tự tay đỡ đẻ cho con sinh non nằm trong bọc ối (P.1)

Bé sinh non 0,5kg sống sót thần kỳ nhờ một chiếc túi nhựa

Chuyện sinh non 26 tuần 'đẫm nước mắt' của mẹ song thai

Nguyệt Minh (Theo FB nhân vật)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu