Nguy hiểm rình rập khi mẹ bầu bị ra máu

Ngày 21/12/2014 00:08 AM (GMT+7)

Ra máu trong thai kỳ có thể là dấu hiệu mẹ bị sẩy thai, mang thai ngoài tử cung hoặc rau tiền đạo.

Trong thời kỳ mang thai, nhất là giai đoạn đầu và cuối thai kỳ, chị em phụ nữ phải đối mặt với không ít nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, điển hình là triệu chứng xuất huyết bất thường. Khi gặp phải tình trạng này, có tới một nửa thai phụ rơi vào tình trạng bị sẩy thai, đẻ non,…

Theo các bác sĩ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, xuất huyết bất thường trong thời kỳ mang thai có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo thai nhi bị ảnh hưởng. Điển hình như:

Sẩy thai tự nhiên

Theo thống kê, có tới 50% bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết bất thường trong 3 tháng đầu thai kỳ dễ gây sẩy thai tự nhiên. Nguyên nhân chủ yếu là do phôi thai chưa bám chắc vào thành tử cung. Ra máu thường kèm các triệu chứng đau lưng, nặng ở bụng dưới…

Thai chết lưu

Thai chết lưu là trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không phát triển được; bào thai bị chết và lưu lại trong tử cung. Thai lưu dễ xảy ra nhất ở ba tháng đầu, không loại trừ đến tháng thứ chín. Để chẩn đoán thai chết lưu, có thể dựa vào một số biểu hiện như: sản phụ sẽ mất hết nôn nghén, ăn uống bình thường trở lại. Ra nhiều huyết đen, nâu bẩn từng ít một, vú tiết sữa non. Tử cung nhỏ lại dần so với tuổi thai, mềm.

Nguy hiểm rình rập khi mẹ bầu bị ra máu - 1
30% phụ nữ xuất huyết bất thường trong thời gian mang thai. (ảnh minh họa)

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là thai phát triển ở bất kỳ nơi nào khác nội mạc tử cung. Nguyên nhân chính của thai ngoài tử cung là do viêm ống dẫn trứng gây nên. Bất cứ cơ chế nào gây bất thường nhu cầu động của ống dẫn trứng, làm cho phôi nang vẫn ở trong ống dẫn trứng vào thời gian làm tổ sẽ gây nên thai ngoài tử cung.

Có thể phát hiện tình trạng thai ngoài tử cung thông qua những biểu hiện như: mất hoàn toàn một chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, buồn nôn, đau bụng dữ dội.

Chửa trứng

Đây là bệnh của trung sản mạc, trong đó các lông rau tuy đã thoái hóa thành túi trứng nhưng còn phát triển hạn chế trong khuôn khổ nội mạc tử cung và đặc biệt là chưa ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Ở nước ta, chửa trứng thường gặp, cứ 500 trường hợp đẻ thường thì có 1 trường hợp chửa trứng.

Dấu hiệu nhận biết chửa trứng đó là nghén, xuất huyết bất thường. Triệu chứng này thường gặp ở tháng thứ 2 và thứ 4. Huyết có màu đỏ, đen, ra ít nhưng dai dẳng ngày một nhiều khiến bệnh nhân thiếu máu dần, mệt mỏi, xanh xao, mạch nhanh,…

Rau bong non

Là một trong những trạng thái nhiễm độc trong khi có thai xảy ra trong những tháng cuối của thời kỳ thai nghén hay trong lúc chuyển dạ. Triệu chứng thường là đau bụng, chảy máu âm đạo.

Rau tiền đạo

Khi rau không bám ở vị trí bình thường là đáy tử cung, mà một phần hay toàn thể bám vào đoạn dưới tử cung thì gọi là rau bám thấp hay rau tiền đạo.

Khi rau sổ, nếu đo màng rau từ chỗ rách đến bờ múi rau thấy ngắn (<10cm) là rau tiền đạo. Nguyên nhân thường gặp ở những phụ nữ đã từng sinh đẻ nhiều lần, đẻ sinh đôi, sinh ba, hoặc do ảnh hưởng của vết mổ cũ.

Triệu chứng điển hình của bệnh đó là gây chảy máu tự nhiên, bất ngờ, không đau, máu đỏ loãng hoặc có cục. Máu có thể chảy một vài ngày rồi lại ngừng, chia thành nhiều đợt, thời gian giữa các đợt ngày càng ngắn vì càng gần đủ tháng các cơ co tử cung càng nhiều. Xuất huyết bất thường trong quá trình mang thai tuy chỉ là một triệu chứng nhỏ nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe của thai phụ. Bởi vậy, nữ giới không nên chủ quan, coi thường mà nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Với những cảnh báo trên các mẹ bầu cần phải chú ý theo dõi sức khỏe nếu thấy có hiện tượng nào bất thường thì hãy đến các trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra và có cách điều trị kịp thời.

Kim Hoa/ Theo Parents
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh vùng kín khi mang thai