Nhiễm độc thai nghén: Nguy hiểm!

Ngày 10/12/2014 00:01 AM (GMT+7)

Những thay đổi bất lợi trong cơ thể người mẹ do tình trạng mang thai gây ra có thể ảnh hưởng xấu cho cả mẹ lẫn con.

Chị N.T.H.N (30 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã có 2 con khỏe mạnh. Khi mang thai đứa con thứ 3, chị tăng cân khá nhanh và khấp khởi mừng vì bé trai lần này phát triển tốt. Tuy nhiên, đến lần chị khám thai vào tháng thứ 5, bác sĩ (BS) thông báo rằng em bé trong bụng quá nhỏ so với tuổi thai. BS khuyên N. nên chuyển đến một bệnh viện tuyến trên vì chị đã bị nhiễm độc thai.

Nỗi ám ảnh của các bà bầu

Trên một diễn đàn, khi một bà mẹ trẻ hỏi về cụm từ “nhiễm độc thai nghén” mà chị vừa được chẩn đoán, lập tức có khá nhiều ý kiến phản hồi của các thai phụ và những người đã sinh con. Nhiều người đã vượt qua thai kỳ bị nhiễm độc nhưng cũng có người mất con, phải mổ cấp cứu khi thai còn non hoặc gặp tai biến…

Tại nhiều diễn đàn khác dành cho phụ nữ, cụm từ nêu trên vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các bà bầu. Họ gặp nhiều triệu chứng đa dạng và hậu quả khác nhau nhưng nhìn chung, cả mẹ và con đều gặp rất nhiều khó khăn để “vượt cạn”.

Nhiễm độc thai nghén: Nguy hiểm! - 1
Kiểm tra huyết áp cho thai phụ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM.

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, “nhiễm độc thai nghén” là một cụm từ khá phổ biến trước đây nhưng ít dùng trong y văn hiện đại. Khoa học hiện nay cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có vấn đề cơ thể thai phụ phản ứng bất lợi với các phần phụ của thai nhưng cơ chế thì chưa rõ ràng. Các bệnh viện hiện nay thường dùng cụm từ “tăng huyết áp thai kỳ - tiền sản giật và sản giật” để chỉ hội chứng này, được biểu hiện qua các dấu hiệu: tăng huyết áp đột ngột khi mang thai (nhưng không liên quan đến bệnh cao huyết áp thông thường), có đạm niệu (tiểu ra đạm), phù toàn thân… và nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho mẹ lẫn con.

BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), cho biết có năm ông gặp 2-3 ca bị biến chứng nguy hiểm do nhiễm độc thai nghén. “Đáng lo nhất là việc thai phụ lên cơn sản giật, vốn là 1 trong 5 biến chứng gây tử vong mẹ hàng đầu ở sản khoa. Nhiễm độc thai nghén còn có thể dẫn đến hội chứng HELLP (gồm giảm tiểu cầu, tăng men gan, viêm gan, có thể dẫn đến vỡ gan gây tử vong). Ngoài ra, tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ còn khiến thai phụ phải đối mặt với các nguy cơ như bất kỳ bệnh nhân cao huyết áp nào” - BS Hải lưu ý.

Vẫn có cách giải quyết

Theo BS Hải, hội chứng này thường chỉ được phát hiện ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Nếu phát hiện thai phụ có huyết áp tăng bất thường, các BS sẽ cho họ thử đạm niệu để loại trừ các yếu tố khác. Nhiễm độc thai nghén thường không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, ông Hải cũng khuyến cáo các thai phụ bị béo phì, mang thai lúc đã trên 40 tuổi, cao huyết áp nên đề phòng và khám thai cẩn thận để kịp thời phát hiện nếu “có vấn đề” vì khi phát hiện sớm thì việc kiểm soát các biến chứng sẽ tốt hơn.

“Nếu phát hiện nhiễm độc thai nghén, BS sẽ đưa thai phụ vào chế độ theo dõi đặc biệt, trong đó có những khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng, tăng cân, kiểm soát thay đổi trong cơ thể, dùng thuốc bổ trợ cho mẹ và con, những dấu hiệu cần nhập viện… Tuy đây là một hội chứng nguy hiểm nhưng nếu thai phụ làm đúng theo các khuyến cáo của thầy thuốc thì vẫn có thể giúp mẹ và con an toàn qua cuộc sinh nở” - BS Hải khuyên.

Theo BS Thông, các bà bầu từng bị nhiễm độc thai nghén nên thông báo với BS khi mang thai những lần sau để được theo dõi kỹ. Bởi lẽ, họ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn thai phụ bình thường.

Mặt khác, một số thai phụ tỏ ra hoảng hốt khi bị ốm nghén nặng vì nghĩ rằng triệu chứng nôn, ói, choáng váng khi ốm nghén có vẻ giống… ngộ độc do thai. Tuy nhiên, BS Thông khẳng định suy nghĩ như vậy không đúng vì ốm nghén là một triệu chứng thông thường khi mang thai, không liên quan đến nhiễm độc thai nghén. Nếu ốm nghén nặng, thai phụ có thể nhờ BS giúp đỡ, không nên suy diễn để rồi rước thêm lo lắng, không tốt cho thai kỳ.

Cần sự an toàn cho em bé trong bụng

BS Trần Ngọc Hải cảnh báo rằng việc chăm sóc, theo dõi sát thai kỳ khi thai phụ có những vấn đề về tăng huyết áp - tiền sản giật còn nhằm bảo đảm an toàn cho em bé trong bụng. Hội chứng này thường làm giảm tuần hoàn mẹ - con, dễ dẫn đến tình trạng con bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Nếu không kiểm soát tốt mà mẹ gặp các biến chứng nguy hiểm như lên cơn sản giật thì sự an toàn của đứa bé cũng bị đe dọa. Nếu biến chứng quá nặng và đến quá sớm, nhiều trường hợp BS phải quyết định cho chấm dứt thai kỳ ngay để cứu lấy người mẹ.

Theo Anh Thư
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ốm nghén