Thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì?

Ngày 22/08/2017 14:23 PM (GMT+7)

Bước vào những chặng đường cuối của giai đoạn thai kỳ, có khi nào mẹ bầu thắc mắc thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì rồi không?

Bước sang tuần 28, vậy là mẹ đã đi những bước cuối cùng trong cuộc hành trình dài 9 tháng 10 ngày và ngày mẹ gặp bé yêu trong bụng cũng không còn bao xa. Hãy cùng khám phá xem sự phát triển của thai nhi 28 tuần xem bé đã biết làm gì rồi nào!

Thai nhi 28 tuần biết làm gì?

28 tuần là cột mốc bé yêu đang rất hiếu động, bé vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và đang lớn rất nhanh từng ngày. Thai nhi 28 tuần thường có cân nặng từ 1000-1100 gram, chiều dài cơ thể từ đỉnh đầu đến gót chân hơn 38 cm.

Đầu bé ngày một lớn dần nhằm tạo không gian cho não phát triển với hàng triệu nơ ron thần kinh đang hình thành. Mặc dù trong tuần này não của bé còn phẳng nhưng chỉ sang tuần sau thôi các nếp nhăn sẽ hình thành trên bề mặt não. Vỏ não cũng dần phát triển để hình thành trí nhớ và ý thức. Tuần thứ 28 này cũng đánh dấu số lượng các mô não tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thần kinh trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung nhiều thực phẩm tăng cường chất xám giúp bé yêu thông minh ngay từ trong bụng mẹ.

Thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì? - 1

Thai nhi 28 tuần có kích thước tương tự như một trái cà tím lớn

Lông mày và lông mi đã mọc thêm nên trông rõ ràng, tóc trên đầu cũng dài hơn, nhìn bé tròn trịa có da thịt hơn, da căng phồng nhờ các mô mỡ phía dưới.

Vị giác của bé cũng trở nên nhạy bén hơn do các gai lưỡi phát triển nhiều hơn.

Thị giác của bé đang phát triển dần, bé đã biết nhắm mở mắt, đưa tay lên miệng, một số bé biết cười và biết nằm mơ. 28 tuần, hệ cơ xương của thai nhi cũng lớn và dài hơn rất nhiều, đòi hỏi sự hấp thụ canxi cao. Bé cũng bắt đầu đổi ngôi thai.

Mẹ bầu có gì thay đổi khi thai nhi 28 tuần?

Cùng với sự phát triển của con yêu và nắm bắt tình hình thai nhi 28 tuần biết làm gì thì đây cũng là thời điểm cơ thể của mẹ bắt đầu trở nên “khổng lồ” nhanh chóng. Lúc này bạn đã tăng thêm khoảng 8-9 kg từ đầu thai kỳ. Chị em có thể ước chừng đầu tử cung cách rốn khoảng 8-9 cm và nó gần chạm đến xương hông.

Mẹ có thể cảm nhận một cách rõ ràng những cơn gò tử cung (cơn gò sinh hay cơn chuyển dạ mang thai giả). Hiện tượng thai nhi gò cứng bụng mẹ không gây đau đớn cho mẹ bầu nhưng có thể khiến mẹ khó chịu. Nhiều chị em bắt đầu cảm thấy khó ngủ hơn trước nhưng khi ngủ thì lại có những giấc mơ về chuyện sinh đẻ, về em bé trong bụng mẹ. Đây chỉ là những biểu hiện bình thường, không có gì đáng lo vì không liên quan đến quá trình phát triển của thai nhi.

Ngoài ra, đây là giai đoạn cơ thể mẹ bầu bắt đầu trải nghiệm những biểu hiện khó chịu như chuột rút, giãn tĩnh mạch (xuống máu chân gây phù chân), táo bón hoặc trĩ. Mẹ bầu có thể mát-xa giúp cơ thể thoải mái dễ chịu, đồng thời lưu ý đến chế độ dinh dưỡng để giảm thiểu tình trạng táo bón, phù chân.

Thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì? - 2

Bước vào tuần 28, bé có thể cười và ngủ mơ

Lời khuyên cho mẹ bầu khi bước vào tuần thai 28

Trong tuần thai thứ 28 thai nhi của bạn đang dần trở thành một em bé hoàn thiện. Các mẹ cần lập cho mình một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho con yêu.

- Các thực phẩm giàu DHA, axit folic vẫn cần thiết cho quá trình phát triển não bộ của thai nhi trong giai đoạn này.

- Mỗi ngày, mẹ cần bổ sung 200-250 mg canxi để hệ xương của bé phát triển toàn diện.

- Các loại rau củ, trái cây tươi giúp mẹ bầu bổ sung vitamin C, chất xơ để giảm thiểu tình trạng táo bón, trĩ do các mạch máu ở hậu môn đang sưng lên.

- Uống nhiều nước để tăng lượng nước ối trong tử cung, tránh tình trạng tăng huyết áp, nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Sự gia tăng của các hormone thai kỳ, đặc biệt là hormone progesterone khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Mẹ bầu dễ bị đầy hơi, ợ nóng hoặc có cảm giác chán ăn do bụng dạ kém thoải mái. Vì vậy nên chia nhỏ làm nhiều bữa ăn trong ngày.

- Mẹ bầu tiếp tục dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần để tránh mất ngủ về đêm.

- Bắt đầu từ bây giờ khoảng cách giữa các lần đi khám thai của mẹ bầu có thể gần hơn 2-3 tuần/lần để bác sĩ kịp thời theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ đề này gửi về địa chỉ babau@eva.vn  để được sẻ chia, tư vấn từ chuyên gia. 

Phương Thanh (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mang thai 6-9 tháng