Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm với thai nhi như thế nào?

Ngày 02/06/2016 13:00 PM (GMT+7)

Sản phụ mắc đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ dẫn đến tăng lượng đường ở thai nhi, thai nhi lớn nhanh hơn bình thường, thậm chí gây khó khăn trong lúc sinh nở.

Trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ  không có chế độ sinh hoạt - ăn uống hợp lí sẽ rất dễ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Khi đó, mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu  được điều trị tốt và đảm bảo khoa học thì trẻ sinh ra sẽ có sức khỏe tốt.

Sau đây, bác sĩ Đoàn Ngọc Minh (Chuyên Khoa sản- BV Đa khoa Hồng Ngọc) sẽ giúp các mẹ bầu hiểu hơn về ĐTĐ thai kỳ; nguy cơ có thể xảy ra đối với thai phụ và thai nhi; chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ bầu;…

Thời gian phát hiện ĐTĐ thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn đường máu trong thời kỳ mang bầu. Bác sĩ Ngọc Minh cho biết: “Mẹ bầu có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là những bà mẹ trên 35 tuổi, mang thai nhiều lần, có tình trạng béo phì trước khi mang thai, tăng cân nhiều trong quá trình mang bầu. Hoặc, tiền sử mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ từ những lần mang thai trước, gia đình có người bị đái tháo đường”.

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm với thai nhi như thế nào? - 1

Mẹ bầu có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là những bà mẹ trên 35 tuổi, mang thai nhiều lần,... (ảnh minh họa)

Thông thường, mẹ bầu bị đái tháo đường ít có triệu chứng, chủ yếu được phát hiện trong những lần khám thai định kỳ bằng nghiệm pháp tăng đường huyết. Theo bác sĩ Minh Ngọc, tăng đường huyết thường xảy ra vào thời điểm tuần thứ 24-28 thai kỳ và biến mất sau khi em bé được sinh ra.

Tuy nhiên, nếu bệnh ĐTĐ thai kỳ không được điều trị, mẹ bầu và thai nhi có thể gặp vào các biến chứng. Thậm chí, sau sinh mẹ bầu có nguy cơ bị đái tháo đường thực sự.

Nguy cơ khi mẹ bầu mắc đái tháo đường

Bác sĩ Ngọc Minh cho hay, khi mẹ bầu mắc ĐTĐ thai kỳ không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của sản phụ và thai nhi:

Ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ

- Tăng nguy cơ tiền sản giật- sản giật 4 lần.

- Thai to dễ gây sang chấn lúc sinh như: trật khớp vai, gãy xương đòn,…

- Băng huyết sau sinh.

- Tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn và những nguy cơ do phẫu thuật tăng.

- Đa ối: “Đây là tình trạng có nhiều nước ối làm cho các sản phụ rất khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ. Thậm chí, đa ối sẽ khiến mẹ bầu sinh non hoặc vỡ ối gây nguy hiểm tới cả mẹ lẫn con”, bác sĩ Ngọc Minh cho hay.

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm với thai nhi như thế nào? - 2

Nhiều nước ối làm cho các sản phụ rất khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ (ảnh minh họa)

Ảnh hưởng tới thai nhi

- Gia tăng tỉ lệ dị dạng thai nhi

Mẹ bầu không kiểm soát tốt đường huyết, thai nhi có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh. Các dị tật có thể gặp ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh và phổ biến nhất là các bị tật tim mạch như thông liên nhĩ, thông liên nhất và đảo chỗ các mạch máu lớn,…

- Thai to hoặc kém phát triển.

- Suy hô hấp cấp do dự trưởng thành của phổi bị ảnh hưởng do insulin tăng cao.

- Rối loạn chuyển hóa như hạ canxi huyết, hạ đường huyết.

- Tỉ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2-5 lần.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu mắc ĐTĐ

Bác sĩ Ngọc Minh khuyến cáo: “Khi bị đái tháo đường thai kì, chế độ ăn của mẹ bầu nên giảm đường, giảm tinh bột nhưng phải đảm bảo đủ năng lượng cho mẹ và bé. Khẩu phần ăn hằng ngày có thể tăng thịt, cá, trứng và uống sữa không đường hoặc sữa dành cho người tiểu đường”.

Bác sĩ Ngọc Minh cho biết thêm, sau sinh, mẹ bầu rối loạn đường huyết vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ bình thường. Ngoài ra, sau khi sinh từ 6-12 tuần, mẹ nên đi khám và kiểm xem có bị đái tháo đường hay không. Hoặc, bác sĩ sẽ hướng dẫn và 3 tháng sau nên đi kiểm tra định kỳ.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiểu đường thai kì