Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon

Ngày 25/11/2015 15:55 PM (GMT+7)

Đó là những chia sẻ của giảng viên ẩm thực Nguyễn Quang Trang từ những ngày đầu anh đến với nghề bếp và những đam mê lớn mà ẩm thực đã đem lại cho anh trong nhiều năm qua.

Dù ban đầu đến với nghề bếp chỉ là để được thưởng thức món ăn ngon nhưng dần dần, anh Nguyễn Quang Trang (40 tuổi, Hà Nội) cảm thấy yêu và gắn bó với nghề. Hơn thế, anh không muốn những bài học và kinh nghiệm của mình đúc rút được trong nhiều năm làm việc trở nên mai một, anh đã quyết định chuyển hướng sang làm giảng viên ẩm thực.

Hơn 10 năm trở thành người hướng dẫn, những học viên của anh, nhiều người trở thành đầu bếp giỏi ở các nhà hàng nổi tiếng, và cũng có rất nhiều chị em trở thành bà nội trợ đảm đang, giữ lửa cho tổ ấm gia đình.

Từ thích được ăn ngon đến đam mê

Chào anh Quang Trang! Lý do nào đã khiến anh lựa chọn nghề bếp, một công việc đòi hỏi sự mềm mỏng và khéo léo của người phụ nữ?

Ngày nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn, lại đông anh em vì thế tôi phải bươn chải qua nhiều nghề, lăn lộn nhiều nơi kiếm sống để hỗ trợ gia đình. Kinh tế khó khó khăn lắm nên, muốn ăn một bữa cơm ngon lành từ gạo đã rất khó khăn rồi huống chi là thịt cá.

Không như nhiều người, bước vào nghề bếp là đam mê được trổ tài nấu nướng. Còn tôi, sự khởi đầu với nghề bếp lại khác. Tôi đã từng mơ được làm trong nhà bếp vì các cụ hay nói "giàu nhà kho, no nhà bếp", miễn là được ăn... là thích rồi.

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 1

Ban đầu, anh Nguyễn Quang Trang đến với nghề bếp chỉ đơn thuần là muốn được thưởng thức nhiều món ngon...

Như vậy, ban đầu anh lựa chọn nghề bếp chỉ là tìm một công việc thích hợp thôi?

Thực sự là như vậy, lúc đầu tôi chỉ nghĩ là được ăn và nếm nhiều món ăn ngon đã. Nghĩ về món ăn khiến tôi rất thích thú. Nhưng bạn biết không, theo đuổi dần dần, các món ăn ngon ngấm vào máu, thành đam mê lúc nào không hay để rồi bây giờ nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.

Khi bắt đầu theo nghề bếp, gia đình có ủng hộ anh không? Anh vào nghề bếp đã được bao lâu rồi?

Khi học nghề bếp, gia đình tôi chỉ nói, "không biết giàu nghèo thế nào nhưng chỉ cần ăn no bụng là được". Thế rồi cái nghề khiến tôi "no bụng" ấy đã theo chân tôi xấp xỉ 20 năm rồi. Nói vui vậy thôi, làm nghề bếp không phải là làm ra các món ăn khiến bạn no bụng mà tạo ra các món khiến tất cả mọi người ai phải muốn ăn.

Những kiến thức tôi thu thập được trong nhiều năm qua thực sự là một tài sản vô giá và hiện tại tôi muốn truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân cho các học viên của mình.

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 2

... nhưng dần dần, ẩm thực ngấm vào máu và trở thành đam mê của anh

Theo anh, vì sao phần lớn phụ nữ là người vào bếp nấu ăn trong gia đình nhưng ở các nhà hàng, khách sạn lớn thì đầu bếp phần lớn lại do nam giới đảm nhiệm?

Trong gia đình, người phụ nữ thường đảm nhiệm việc bếp núc bởi họ là những người tỉ mỉ và khéo léo. Tuy nhiên, ở nhà hàng khách sạn thì đầu bếp hay bếp trưởng phần lớn lại là nam giới bởi công việc bếp các nơi này vô cùng áp lực và vất vả. Chưa kể đến việc họ phải đi sớm về muộn, làm việc trong môi trường nóng bức, đòi hỏi phải có sức khỏe và đam mê mới có thể theo được.

Muốn truyền lửa đam mê nên chuyển sang nghề dạy học

Vào nghề nhiều năm như vậy nhưng anh đã chuyển hướng sang làm giảng viên hướng dẫn nấu ăn, có anh có thể chia sẻ lý do được không ạ?

Như tôi đã nói ở trên, tôi làm đầu bếp rất nhiều năm nên rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá về ẩm thực. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ những giá trị đó, muốn nó phát triển hơn và không bị mai một vì thế tôi chuyển hướng sang làm giảng viên ẩm thực.

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 3

Không muốn kiến thức mình học được trong nhiều năm làm việc nên anh Quang Trang đã quyết tâm chuyển hướng sang làm giảng viên ẩm thực

Cảm xúc của anh khi trở thành một thầy giáo theo đúng nghĩa?

Khi trở thành một giảng viên, một thầy giáo dạy nấu ăn, tôi thực sự rất tự hào và hạnh phúc. Ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ lắm, vì đứng hướng dẫn học viên không giống như đứng bếp, mình phải truyền tải kinh nghiệm và cả nhiệt huyết lẫn đam mê của mình cho học viên. Kiến thực là một chuyện nhưng học viên phải hiểu về nghề này, phải thực sự có đam mê thì mới theo đuổi lâu dài được.

Khi bắt đầu trở thành một giảng viên ẩm thực, anh có gặp khó khăn gì khi truyền tải kiến thức cho học viên? Thông thường, ở trên lớp, anh dạy học viên mình những điều gì ngoài các công thức nấu ăn?

Thực tế mà nói thì truyền tải kiến thức cho học viên để trở thành một đầu bếp không khó nhưng truyền được nhiệt huyết và đam mê nghề bếp sang cho họ mới không hề đơn giản. Bởi vì không phải ban đầu ai đến với nghề này cũng là sự yêu thích mà chỉ là tìm một việc để làm, trang trải cuộc sống như tôi ngày trước.

Chính vì thế, việc tôi làm lúc ấy là đưa họ đến gần với nghề, thấy được những khó khăn vất vả của nghề và thấy được niềm vui và hạnh phúc khi khách hàng ca ngợi và yêu thích món ăn của mình. Hơn thế, thực sự thỏa mãn làm sao khi mình sáng tạo ra một món ăn, thả hồn vào nó khiến món ăn sinh động và hấp dẫn hơn sự vốn có.

Hơn 10 năm qua, những học viên tôi đào tạo, có rất nhiều bạn đã trở thành đầu bếp giỏi ở các nhà hàng nổi tiếng, cũng có rất nhiều người phụ nữ có thể hâm nóng tổ ấm hạnh phúc gia đình từ món ăn mà họ học được.

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 4

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 5

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 6

"Hơn 10 năm qua, những học viên tôi đào tạo, có rất nhiều bạn đã trở thành đầu bếp giỏi ở các nhà hàng nổi tiếng, cũng có rất nhiều người phụ nữ có thể hâm nóng tổ ấm hạnh phúc gia đình từ món ăn mà họ học được", anh Quang Trang cho biết

Anh có nhớ mình đã đào tạo được bao nhiêu học viên rồi không?

Thực sự là tôi không thể nhớ hết được.

Điều gì khiến anh tâm huyết nhất với nghề này?

Điều tôi tâm huyết nhất chính là giá trị của ẩm thực và điều mà người đầu bếp gửi gắm vào món ăn.

Ẩm thực là chiếc gương soi chân thực của mỗi quốc gia. Ẩm thực cũng là một cách để mỗi đất nước quảng bá nền văn hóa của mình. Nó lớn lên đi theo với sự phát triển của đất nước đó, rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh những món ăn hiện đại là cả một kho tàng phong phú về những món ăn cổ truyền hấp dẫn của muôn vàn thế hệ đi qua.

Mỗi quốc gia đều gắn bó mật thiết với nền ẩm thực của mình. Trải qua bao những cuộc xâm nhập, trao đổi với bên ngoài, nền ẩm thực cũng bị pha trộn, biến tấu. Tuy nhiên, dù là món ăn cổ truyền hay hiện đại hoặc ngoại lai thì có một điều không thể thiếu là tình cảm và nguyện vọng của người đầu bếp khi chế biến món ăn. Họ gửi gắm vào đó những ước mơ, hoài bão, những nguyện vọng, sự sáng tạo, tình yêu thương và sự chân thành. Những phức hợp tình cảm đó tạo nên giá trị và bản sắc riêng cho món ăn nước nhà.

Làm nghề bếp vì... muốn ăn ngon - 7

Một món ăn mà anh Quang Trang hướng dẫn học viên thực hành

Ẩm thực không chỉ là văn hóa vật chất, mà còn là văn hóa tinh thần. Người đầu bếp nó giống như một nhà ảo thuật tài ba mà không phải bất cứ ai cũng làm được. Cũng nguyên liệu đấy, cũng món ăn đấy, nhưng có người nấu ngon, có người nấu lại không ngon bằng. Bởi vì chưa chắc họ không có tài năng mà rất có thể họ chưa thực sự để tâm vào.

Một người đầu bếp giỏi là một người có đôi bàn tay tuyệt vời, có khả năng nêm nếm món ăn thiên bẩm nhưng họ cũng phải coi những bữa ăn mình nấu như con ruột để mà trau truốt và tỉ mỉ với nó.

Tôi yêu ẩm thực. Tôi mong muốn bạn nào đã và đang bước vào con đường ẩm thực, hãy cố gắng tâm huyết và thành công.

Cảm ơn anh đã chia sẻ, chúc anh luôn thành công trên con đường truyền lửa cho các đầu bếp!

Mộc Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật Bếp Eva