Cô giáo khó tính

Ngày 21/11/2016 09:26 AM (GMT+7)

Đôi khi, những lời trách mắng của cô có thể khiến chúng tôi buồn, thậm chí nỗi ám ảnh của quãng thời gian cấp 2 nhưng sự nghiêm khắc của cô chẳng bao giờ sai.

Là MCer gắn bó với Marie Curie gần 6 năm qua, tôi nhớ những ngày Marie Curie chỉ là ngôi trường nhỏ nằm trên một góc của khu phố Trung Yên 10. Tuy nhỏ nhắn, chẳng có thang máy hiện đại, những tòa nhà cao tầng mang đậm phong cách châu Âu, mà chỉ vỏn vẹn với ba dãy nhà khiêm tốn, nhưng Marie Curie luôn thật ấm áp gần gũi với tôi.

Đáng nhớ hơn, ngày xa xưa đó, chúng tôi có Cô, cô giám thị nghiêm khắc nhất mà tôi từng biết. Cô Liễu rất nghiêm khắc với học sinh. Cô có vóc dáng mảnh mai. Tuy tuổi đã cao nhưng cô trông vẫn rắn rỏi, vững vàng.

Tôi bỗng nhớ lại cảm giác lần đầu tiên là MCer, lâng lâng và bâng khuâng khó tả trong niềm vui và tự hào. Trong kí ức đó còn chứa đựng sự sợ hãi của tôi dành cho Cô qua những câu chuyện phiếm của các anh chị về cô: “Cô Liễu cực kỳ khó tính!”.

Ngày xưa, Cô từng là giáo viên Vật Lý. Thật là trùng hợp, khi giáo viên dạy Lý của lớp tôi lại là Cô, người mà tôi từng nghe các anh chị lớp trên kể rất nhiều. Hình như "những điều nghe thấy..." đều có phần đúng, vì những lúc nóng giận, cô có giọng nói như thét ra lửa, làm bạn nào lớp tôi cũng muốn... đứng cả tim. Riêng tôi, cứ nhìn thấy cô thì toàn thân lại lóng ngóng như gà mắc tóc...

Đầu tiết, cô hay dành 10 phút để kiểm tra bài tập về nhà. Những học sinh nào thiếu bài sẽ phải đứng góc lớp hoặc ghi sổ đầu bài. Với chúng tôi, những hình phạt ngày ấy không đáng sợ bằng ánh nhìn nghiêm nghị của cô. Tôi còn nhớ tiết Lý “kinh hoàng” của mình suốt quãng thời gian lớp 6, 7. Nó ám ảnh tôi đến mức cứ đến tiết Cô dạy là bụng lại đau quặn.

Hôm đó, tiết đầu là môn của cô. Chiều hôm trước, tôi và Nguyên, bạn cùng bàn, cắm cúi làm hết đống bài tập cô giao nhưng mãi vẫn không hoàn tất. Đến tối, tôi lấy vở Lý để hoàn thành nốt bài thì phát hiện Nguyên đã cầm nhầm vở. Ngày hôm sau, trước khi trống báo vào tiết vì lo sợ mà hai tay tôi cứ run cầm cập. Tôi cầu nguyện, “Trời Phật phù hộ cho hôm nay giờ Lý con không bị gọi lên trả bài”. Xui xẻo làm sao, cô lại gọi đúng tên tôi.

Cô hỏi tôi câu hỏi nào tôi cũng ậm… ừ… ấp úng. Ánh mắt của cô bỗng nheo lại khi kiểm tra vở bài tập của tôi. Cô ngước lên nhìn tôi rồi hỏi:

- Tại sao đã không học bài cũ, bài tập về nhà em cũng không làm?

Tôi run rẩy vì câu hỏi chất vấn của cô. Tôi bối rối vò vò vạt áo mà thốt mãi không nên lời.

- Em xin lỗi cô! Hôm qua bạn Nguyên cầm nhầm “vợ” em về nhà.

Những tràng cười bắt đầu nổi lên. Tôi quay xuống nhìn các bạn thấy đứa nào cũng ôm bụng cười. Lúc này, ánh nhìn bớt nghiêm khắc, cô cười nhẹ nhàng với tôi rồi nói: "Về chỗ đi, tiết sau em lên bảng kiểm tra lại nhé!".

Những năm tháng học Lý của cô tuy ám ảnh nhưng cách giảng của cô lại rất dễ hiểu nên chúng tôi tiếp thu bài khá dễ dàng. Đến năm tôi học lớp 8, lớp 9, cô không còn đứng trên bục giảng nữa, mà chuyển sang vai trò giám thị học sinh.

Vì vốn nổi tiếng nghiêm khắc, nay lại là giám thị, nên cô càng được đám học trò kính nể. Những tiết tự học cuối buổi chiều, cô hay đi chấm nề nếp, kỉ luật của các lớp để cuối tuần xếp thứ hạng thi đua. Tôi còn nhớ rõ như in, chỉ cần thấy bóng cô đầu hành lang, dù đang nhốn nháo đến mấy, đứa nào cũng tự động yên lặng, giả vờ học bài chăm chỉ.

Lớp tôi vốn nghịch nhất trường nên mọi nhất cử nhất động đều nằm trong tầm ngắm của các thầy cô, đặc biệt là cô Liễu. Mỗi lần lũ tiểu quỷ nghịch ngợm đều để lại nhiều hậu quả tồi tệ. Lần thì đá bóng làm vỡ cửa kính, lần thì chạy đuổi nhau ngã xước đầu mẻ trán, có lần lại làm hỏng tay nắm cửa. Những lần đó, cô Liễu đều xuất hiện nhanh chóng để giải quyết mớ rắc rối mà lớp tôi gây ra.

Năm cuối cấp, tôi nhớ hôm đó là một ngày mùa đông. Cây phượng trước cửa lớp đang bắt đầu thay lá. Hội con gái chắc xem nhiều phim Hàn Quốc có cảnh lá vàng rơi, bay bay trong gió rất thơ mộng và lãng mạn. Vậy nên, ai cũng ao ước một lần sống trong cảnh tượng đó. Hội con trai quyết định bắt tay hợp tác để phái yếu của lớp một lần được mãn nguyện.

Lớp tôi trên tầng hai, nên chỉ cần với nhẹ tay đã có thể chạm được vào những chiếc lá phượng mỏng manh. Cả lớp còn phân chia nhiệm vụ rõ ràng, vài đứa cầm chổi đập thật mạnh vào cây, đứa khác rung cành phương thật mạnh. Chỉ thoáng chốc giấc mơ về con đường với đầy lá vàng rơi của tụi con gái đã trở thành hiện thực, rồi thi nhau rút điện thoại chụp ảnh, chia sẻ lên facebook với rất nhiều lời tựa ngộ nghĩnh.

Tuy nhiên, cuộc vui nhanh chóng bị gián đoạn. Từ đằng xa, vẫn bóng dáng nhỏ nhắn ấy đang bước đi rất gấp rút, mau lẹ. Cô Liễu từ xa vội quát lớn và chạy đến phía chúng tôi “Các anh chị có dừng lại ngay không?”. Chúng tôi như ong vỡ tổ chạy vội vào lớp mà không kịp dọn dẹp hiện trường. Đứa thì chen nhau, đứa kéo áo, í ới kêu, “Đợi tao”.

Chúng tôi sợ đến mức tất cả đồng loạt chắp tay vái lạy trời phật phù hộ để không bị cô mắng. Ngày hôm qua có lẽ là xui xẻo bởi chúng tôi làm hỏng tay nắm cửa ra vào lớp. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may, cô không thể vào lớp bởi cái nắm tay cửa đã hỏng. Ngày sau đó, lớp tôi vẫn bị trách mắng nhưng có lẽ cô đã nguôi giận nên chỉ trách móc nhẹ nhàng.

Nếu chỉ tiếp xúc qua vài lần, ai cũng nghĩ cô cứng nhắc, nghiêm túc và khô khan tuy nhiên nhiều lúc cô cũng rất dịu dàng, trìu mến. Những ngày kỉ niệm như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi hướng mắt về phía phòng giáo viên. Ở đó, thầy cô luôn nở nụ cười tươi trên khuôn mặt với những lời chúc từ những học trò bé bỏng của mình cùng nhiều loài hoa đủ màu sắc. Tuy nhiên, trong một căn phòng nhỏ ngay kế bên, cái bóng hình nhỏ bé mảnh mai nhưng rắn chắc và vững vàng kia làm tôi suy nghĩ.

Cô vẫn cặm cụi làm việc bên đống sổ sách và giấy tờ nhưng xung quanh lại chẳng có một cành hoa hồng nào. Chẳng hiểu tôi lấy dũng khí từ đâu mà dám gõ cửa phòng cô và bước vào tặng cô cành hoa duy nhất tôi có được.

Nhìn nụ cười tươi tắn cùng ánh mắt ánh lên niềm vui của cô, tôi quên hết hình ảnh lúc cô nghiêm nghị trách mắng học trò mà tôi thường vẫn ám ảnh lúc xưa. Xúc cảm lúc đó làm tôi nhớ lại kỷ niệm cô giúp tôi gói bánh chưng khi bánh của tôi bị bục trong dịp Lễ hội bánh Chưng năm lớp 8. Đôi bàn tay nhỏ bé nhỏ nhắn dùng hết sức ép chặt cái bánh trong chiếc khuôn cùng giọng nói dịu dàng chỉ bảo tôi lần sau nên gói bánh thế này, thế kia.  

Đôi khi, những lời trách mắng của cô có thể khiến chúng tôi buồn, thậm chí nỗi ám ảnh của quãng thời gian cấp 2 nhưng sự nghiêm khắc của cô chẳng bao giờ sai. Khi ấy, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ mới lớn với lòng tự trọng cao ngất, vài thứ bề ngoài khiến chúng tôi khoái trí, sự thể hiện về bản thân là những gì chúng tôi muốn khoe ra. Chỉ khi rời xa nơi này, tôi mới thấy nhớ cái cảm giác được bao bọc chở che, khuyên răn chỉ bảo hết sức chân thành từ người cô ấy.

Dù nghịch ngợm, nhưng tôi và cả lớp đều hiểu đó là cách quan tâm trìu mến của người phụ nữ “rắn rỏi, vững vàng” nhất mà chúng tôi từng gặp.

Huy Nghĩa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan