Làm gì khi con hay khóc và ăn vạ?

Ngày 17/05/2017 05:00 AM (GMT+7)

Chỉ cần có gì không vừa ý là bé lăn ra ăn vạ. Khi bé thích một đồ vật nào đó mà người lớn không đáp ứng là bé khóc đến mức nôn trớ và khó thở.

Bé nhà tôi 12 tháng tuổi nhưng rất hay khóc và khóc rất lâu. Chỉ cần có gì không vừa ý là bé lăn ra ăn vạ. Khi bé thích một đồ vật nào đó mà người lớn không đáp ứng là bé khóc đến mức nôn trớ và khó thở. Vợ chồng tôi rất đau đầu vì tình trạng này.

Nhất là khi đưa bé đi đâu chơi, bé hay khóc, đòi gì là đòi bằng được khiến người lớn không muốn cưng nựng. Ban đầu nghĩ bé thiếu chất gì đó nên sinh ra quấy khóc, nhưng vợ chồng tôi đưa bé đi khám thì sức khỏe của bé hoàn toàn bình thường. Xin chuyên gia tư vấn giúp, vợ chồng tôi phải làm sao để bé dần ngoan ngoãn, ít quấy khóc?

Đại Quang (Thụy Khuê, Hà Nội)

Làm gì khi con hay khóc và ăn vạ? - 1

Vợ chồng tôi rất đau đầu vì con thường xuyên ăn vạ (Ảnh minh họa).

TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội) tư vấn:

Mến chào anh!

Tôi quan sát và phát hiện ra một thói quen kỳ lạ của các bậc cha mẹ. Khi các con còn rất nhỏ, tiếng khóc của con có giá trị cảnh báo các bố mẹ. Nhưng các bố mẹ lại quá lo lắng. Mỗi khi con khóc, thay vì bình tĩnh kiểm tra xem con đang cảnh báo việc gì, bố mẹ lại cuống lên.

Đôi khi chỉ là đói hoặc bỉm bẩn, các mẹ và các bà lại vừa vội vàng bế con, vừa miệng nói liên tục: “Mẹ đây, mẹ đây”. Con bắt tín hiệu đó rất nhanh và giải nghĩa rằng: Người lớn rất sợ mình khóc. Do vậy, sau này lớn hơn một chút, các bé sẽ sử dụng tiếng khóc để điều khiển bố mẹ. Vì thế, con nảy sinh ra tính ăn vạ để đòi hỏi thứ mà mình muốn.

Tôi sẽ liệt kê vài tín hiệu của trẻ giải nghĩa cho việc khóc. Anh và các bậc cha mẹ khác có thể xem xét và giải quyết theo các tiêu chí đó:

1. Đói: Trẻ chưa biết nói thì đương nhiên sẽ phải đánh tín hiệu bằng tiếng khóc. Khi con đói, cho con ăn là con sẽ cảm thấy ổn và hết khóc ngay. Tuy vậy, con còn nhỏ nên không hiểu được lời bố mẹ nói. Vì thế, trong lúc đang chuẩn bị cho con ăn, mẹ dỗ dành con cũng không hiểu.

Chính vì lý do đó, các cha mẹ đừng mất thời gian và công sức cho việc dỗ dành. Hãy dành thời gian đó cho việc chuẩn bị bữa ăn của con. Sau này con không đói cũng cố khóc để gây sự với cha mẹ.

2. Con bị bẩn: Thông thường khi các em bé cảm thấy khó chịu thì cũng khóc. Việc này cũng như việc ăn uống. Các cha mẹ chỉ cần dọn dẹp cái bẩn đó đi là con ngưng khóc. Con cũng không hiểu tiếng: Mẹ đây, mẹ đây... nên tốt nhất cứ bình tĩnh xử lý chỗ bẩn là xong.

4. Con hoảng sợ. Việc này xảy ra khi cha mẹ đột ngột thay đổi môi trường của con như: Cho con đi máy bay, đi tàu, đi xe... hoặc có 1 người lạ nào đó xông vào đòi bế con. Cảm giác mới lạ khi đó sẽ làm con cảm thấy không an toàn và sợ hãi, hoảng hốt. Cách xử lý lúc này là cần ôm chặt con vào lòng và nhẹ nhàng hát ru. Khi được bình an trong vòng tay mẹ, các em bé sẽ không còn sợ hãi mà khóc thét lên nữa.

5. Con đòi hỏi: Khi các em bé chưa biết nói, nó tìm cách lấy 1 thứ đồ gì đó mà mẹ không cho thì sẽ khóc để đòi. Lúc này, các cha mẹ có 1 cách rất hay để giải quyết là đánh trống lảng cho con để ý sang thứ khác. Trí nhớ của con còn kém, con sẽ nhanh chóng quên thứ mà mình đòi hỏi. Dĩ nhiên, thứ khác đó phải hấp dẫn một chút chứ không phải là thứ mà con đã chơi chán chê rồi.

Để tránh cho con hay đòi những thứ bị cấm, các cha mẹ nên bày hoạt động cho con liên tục. Con có nhiều trò chơi thì chắc chắn sẽ không cần phải tò mò tìm kiếm thứ để chơi. Tôi thấy các bậc cha mẹ nước ngoài khi đưa con đi đâu cũng mang theo đồ chơi cho con nhưng các mẹ Việt thì lại không nhớ việc đó. Đến khi con thấy nhàm chán quá đương nhiên con sẽ tìm thứ để khám phá và các mẹ sẽ nghĩ đó là con nghịch hay phá phách. Điều đó là oan uổng cho con lắm đấy.

Nói tóm lại, bọn trẻ chưa biết nói sẽ sử dụng tiếng khóc của mình để đánh tín hiệu. Nếu các cha mẹ mất bình tĩnh, hoảng hốt trước tiếng khóc, nựng nịu, dỗ dành quá nhiều, đến khi con đủ lớn để biết sử dụng tiếng khóc điều khiển cha mẹ thì con sẽ bắt đầu ăn vạ. Yêu con thì ai cũng yêu, nhưng ôm ấp nựng nịu phải có giờ, các cha mẹ đừng bạ đâu cũng ôm và dỗ dành.

Theo Phong Linh ghi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Người mẹ cần biết