Tự truyện Không thể gục ngã: Chọn bệnh viện và bác sĩ - May hơn khôn (Kỳ 3)

Ngày 18/09/2017 09:00 AM (GMT+7)

Quyết định sang Singapore khám lâm sàng và chữa trị đã tạo một bước ngoặt cho việc điều trị căn bệnh ung thư não của chồng chị Dung.

Về đến nhà, tôi nhắn tin cho chị Thùy bạn tôi, sống bên Singapore tâm sự về chuyện chồng tôi sẽ phải nhập viện mổ trong ngày thứ Hai. Tôi vừa gửi xong thì ngay lập tức chị Thùy gọi lại cho tôi:

–  Em à, từ từ nhé. Đừng quyết định mổ vội. Đợt trước chị có đứa bạn, ở Việt Nam khám cũng nói có u não cần phải mổ. Sau đó nó sang đây chị đưa đi khám lại không cần mổ đâu. Uống thuốc mà nó hết đấy. Bây giờ khỏe mạnh bình thường.

Tôi lập tức cảm ơn chị Thùy rồi vội vàng thông báo cho mọi người. Tất cả mọi người trong nhà ai cũng hy vọng. Chúng tôi quyết định rất nhanh là sẽ sang Singapore với hy vọng là không phải mổ não nữa.

Tự truyện Không thể gục ngã: Chọn bệnh viện và bác sĩ - May hơn khôn (Kỳ 3) - 1

...

Thế là chúng tôi đặt chân tới Sing vào tối muộn ngày 13 tháng 5 năm 2014. Sau khi tìm kiếm thông tin, cuối cùng chúng tôi cũng chọn được một giáo sư, bác sỹ phẫu thuật thần kinh hàng đầu của Singapore – bác sỹ John Thomas. Thật may mắn, nhờ chị Trang (bạn chị Thùy) tìm cách liên hệ chúng tôi đã có được lịch hẹn khám với ông tại phòng khám riêng của ông vào ngay ngày hôm sau.

Sáng sớm hôm đó, chúng tôi đi đến gặp bác sỹ tại phòng khám. Khi được gọi vào gặp ông, tôi hồi hộp vô cùng, tôi thầm mong ông sẽ nói rằng chồng tôi không cần phải phẫu thuật não. 

John Thomas gọi chồng tôi đứng dậy và kiểm tra phản xạ của anh. Sau khi yêu cầu chồng tôi trở về chỗ ngồi, ông bắt đầu nói:

–  Tình hình hiện nay là nghiêm trọng, khối u đã chèn ép gây phù não và lệch đường trung tuyến não. Tôi không hiểu tại sao anh ấy (chồng tôi) có thể nhìn vẫn khỏe mạnh bình thường như thế này. Có lẽ là do anh có nội lực quá tốt, chứ với hình ảnh chúng ta thấy ở đây thì thậm chí bệnh nhân đã phải hôn mê sâu.

Tự truyện Không thể gục ngã: Chọn bệnh viện và bác sĩ - May hơn khôn (Kỳ 3) - 2

Hình ảnh minh họa một buổi khám định kỳ với bác sĩ

Chúng tôi lặng người đi, thế có nghĩa là không có cách khác rồi, thế có nghĩa là các bác sỹ Việt Nam đã chẩn đoán lâm sàng hoàn toàn chính xác. 

Ông nói có hai trường hợp xảy ra: Một, nếu mổ ra là khối u lành, thì mọi việc sẽ tốt ngay và không phải làm thêm gì nữa. Hai, mổ ra nếu là khối u ác tính thì sẽ phải hóa trị và xạ trị. Ông nói chúng tôi có thể quyết định mổ ở Singapore hoặc về Việt Nam. Nếu mổ ở Việt Nam thì ông sẽ cho uống thuốc giúp chồng tôi tạm ổn để có thể bay về. 

Chi phí ca mổ khoảng 45.000 đô la Singapore, đó là số tiền không nhỏ, nhưng tôi quên ngay bài tính trước là quay về Việt Nam mổ mà nhanh chóng quyết định luôn là sẽ mổ ở Singapore. Vì tôi nghĩ mổ ở đây chồng tôi sẽ được an toàn hơn, hậu phẫu tốt hơn và quan trọng là tôi rất lo ngại sợ chồng tôi không kịp chờ được việc quay về Việt Nam.

Bác sỹ John Thomas cũng nói 98% ca mổ sẽ thành công, 2% là chồng tôi có thể mất trí nhớ. Chúng tôi chấp nhận.

Ra đến ngoài, tôi ngồi thụp xuống ghế. Thế là cuộc chiến đấu đã bắt đầu. Ngồi trấn tĩnh một lúc, tôi cầm điện thoại lên và gọi về nhà thông báo cho mẹ tôi, cho bố chồng là chồng tôi phải mổ. 

Chị tôi cũng vì quá lo nên đã chủ động liên lạc với chị Thùy và biết được tình hình. Chưa đầy năm phút, tôi nhận được liên tiếp điện thoại của anh rể và chị tôi. 

Tôi nghẹn ngào nói chuyện với chị. Chả hiểu sao khi hoạn nạn, cứ đối diện với người thân là tôi bị xúc động mạnh và rất dễ khóc:

– Bình tĩnh nhé, có cần chị sang không? - Chị tôi an ủi.

– Thôi chị không phải sang đâu, chị ở nhà để ý mẹ và bọn trẻ con hộ em. Em lo mẹ huyết áp cao mà nghĩ ngợi sẽ nguy hiểm. Mỹ An nó bé quá, sợ bà mà làm sao không ai trông nó.

– Ừ, Dung đừng lo. Thế tiền nong thế nào? Đã có đủ chưa? 

– Việc này nhanh và bất ngờ quá, em cũng không chuẩn bị trước tình huống này nên em không có sẵn tiền mặt ở nhà. Chị vay giúp em nhé. Chị xem có ai sang thì gửi tiền sang cho em. Tạm thời bên này em sẽ vay của chị Thùy.

– Được rồi, để chị vay cho. Đừng lo gì. Giữ sức khỏe còn chăm sóc thằng Chính.

Chúng tôi lấy nhau mười sáu năm, hầu như anh chẳng ốm đau bao giờ chứ đừng nói là nằm viện. Bây giờ tôi sẽ phải là chỗ dựa cho chồng tôi. Tôi sẽ phải tập tành chăm chồng.

Không thể gục ngã - Eva.vn

Tôi khóc nghẹn trong điện thoại. Rồi tôi lại nghĩ đến ba đứa con, chúng nó ở nhà liệu có nhớ chúng tôi không? Chúng nó ở nhà nhỡ ốm đau thì sao, út An bé bỏng của tôi còn đang tập nói và tôi nhớ cồn cào cách nó phát âm ngọng nghịu…

(Trích tự truyện Không Thể Gục Ngã, tác giả Đỗ Mỹ Dung, 1980 Books - NXB Lao Động liên kết phát hành)

Mời quý độc giả quay lại đón đọc kỳ 4: Ca mổ và cú sốc của người vợ vào 12h sáng ngày 20/9

Đỗ Mỹ Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn