Bài học làm vợ chồng từ những bi kịch sát hại lẫn nhau

Ngày 25/09/2014 00:00 AM (GMT+7)

Rất nhiều cặp vợ chồng sống căm thù nhau trong nhiều năm. Họ nghĩ cách trả thù nhau cho hả hê, nhưng cả gia đình họ bị tổn thương. Những bi kịch gia đình hay xảy ra là thế.

Tối 22/9/2014, nhận được tin từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương: Chồng đâm chết vợ dã man tại nhà tắm. Nghe câu chuyện, tôi không thể bình tĩnh trước câu chuyện và những gì phơi bày ra trước mắt mình.

Nạn nhân là chị Lương Thị T., SN 1988, chết thê thảm trong nhà tắm của hàng xóm. Nạn nhân bị chồng là Vũ Đăng D., SN 1987, dùng dao và kiếm truy sát từ nhà sang đến hàng xóm. Khi thân thể nạn nhân nát be bét thì hung thủ cũng chính là chồng mình mới dừng tay. Hai người đã có với nhau một mặt con trai, cháu đang học lớp một. Họ đã sống với nhau từ năm 2007, từng rất yêu nhau.

Theo câu chuyện từ hai bên gia đình, những mây thuẫn thường ngày liên quan đến kinh tế gia đình khiến hai người thường xuyên cãi nhau. Cách đây khoảng 2 tuần, nạn nhân có mong muốn đi Đài Loan lao động để giải thoát mối quan hệ căng thẳng trước mắt nhưng chồng không đồng ý. Do sự khuyên nhủ, người vợ cố gắng chịu đựng và nhờ sự vun vén của hai gia đình nên hai vợ chồng vẫn sống chung với nhau. Quá trình sống chung, vợ mặt nặng mày nhẹ, chồng liên tục đánh và có ý định truy sát vợ.

Cho đến ngày 22/9, người chồng giết vợ thật. Tang thương và đau buồn cho cả hai bên gia đình vì muốn giữ danh dự.

Cùng thời điểm đó, tại thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc vừa xảy ra với anh Phan Văn Khang (32 tuổi), bị vợ là An Thị Thêu (28 tuổi) dùng dây sạc điện thoại siết cổ dẫn đến tử vong tối 19/9.

Bài học làm vợ chồng từ những bi kịch sát hại lẫn nhau - 1

Mọi người thường hay yên tâm khi nhìn vào bề mặt của một gia đình và cho rằng: Được như thế là quá tốt rồi, còn đòi hỏi gì hơn? (ảnh minh họa)

Từ ngày nạn nhân Khang lấy vợ (hung thủ Thêu), anh chỉ biết có vợ và luôn chăm chỉ làm ăn để kiếm thêm thu nhập lo trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Tuy nhiên, anh Khang hay uống rượu, trong cơn say lại thường xuyên xảy ra cãi vã với vợ. Do hai vợ chồng cãi nhau nên nhiều lần Thêu nghĩ quẩn, chỉ muốn giết chồng sau đó đi tù cho nhẹ người…

Mọi người thường hay yên tâm khi nhìn vào bề mặt của một gia đình và cho rằng: Được như thế là quá tốt rồi, còn đòi hỏi gì hơn? Khi những người thân, bạn bè của bạn tâm sự với bạn về những khúc mắc trong cuộc sống, bạn thường khuyên họ sống vì con cái, vì gia đình, vì bố mẹ, vì đủ thứ trên đời. Bạn không hiểu rằng, họ phải sống vì bản thân họ trước.

Mọi người rất sợ chia tay, sợ những đổ vỡ trong tình cảm, trong hôn nhân gia đình. Nhưng có một điều quan trọng trong cuộc sống hôn nhân gia đình mà mọi người luôn quên chính là: Khi mâu thuẫn luôn luôn không được giải quyết, con người ta sẽ coi nhau như kẻ thù. Mọi khổ sở, buồn đau, người ta đều đổ lỗi cho vợ hoặc chồng. Họ không nói trực tiếp nhưng họ coi người vợ hoặc người chồng là kẻ thù trực tiếp của họ.

Càng được khuyên nên duy trì mối quan hệ, họ càng bế tắc. Họ lén lút ngoại tình; họ dằn vặt nhau, để ý tật xấu của nhau từng tí một. Không ai hiểu tật xấu của bạn bằng người sống cạnh kề bạn nhất. Khi những tật xấu chất ngất trong tư duy của bạn, không bao giờ bạn nhận ra điểm tốt của con người kia. Mặc dù, đối với nhiều người, đối phương vẫn là người hoàn toàn ổn. Nhưng bạn không thể công nhận, không thể nhận ra điều đó. Bạn là tác nhân quan trọng biến họ thành một người xấu xa trước mặt mọi người.

Khi có ai đó biến tôi thành chị “Thanh Tâm” để tâm sự về chuyện tình yêu, hôn nhân, tôi thường chăm chú nghe họ kể. Đa số là kể xấu người mà họ đã từng yêu. Tôi rất buồn cười về chuyện này. Những chuyện rất đời thường mà họ biến nó thành lỗi, thành tội để rồi dằn vặt những người xung quanh.

Bài học làm vợ chồng từ những bi kịch sát hại lẫn nhau - 2

Nói như vậy không có nghĩa là nói cứ cãi nhau là chia tay, ly hôn. Ly hôn chỉ là bước đường cùng nhưng cũng có những thứ còn đáng sợ hơn ly hôn là chấm dứt mối quan hệ vợ chồng vĩnh viễn. (ảnh minh họa)

Tôi thường khuyên những cặp đôi mà tôi gặp, tâm sự với tôi về mâu thuẫn với tôi nhiều lần rằng: Bỏ đi, không còn cách nào khác đâu. Sau khi họ nghe tôi nói thì há mồm ngạc nhiên: Sao lại bỏ? Hóa ra họ tâm sự cho sướng cái mồm, nhưng bảo họ bỏ thì họ lại không dám bỏ. Nhưng để giải quyết triệt để sự việc thì họ lại không làm được. Họ cứ thích người khác phải tỏ ra thông cảm, chia sẻ với họ nỗi đau, đồng tình với họ: Kẻ kia là kẻ khốn nạn, không ra gì!

Tư duy đó giống như việc người Việt Nam bị bệnh. Họ đau chỗ này, đau chỗ kia, nhưng họ lì lợm ở nhà và đợi nó… hết đau. Bảo họ đi khám bác sỹ, họ bảo không đi khám vì không có bệnh. Họ chữa qua loa ở những ông thầy lang băm. Kết quả là khi họ không chịu được nữa, họ đi khám bệnh thì đã ở giai đoạn cuối của bệnh tật.

Nói như vậy không có nghĩa là nói cứ cãi nhau là chia tay, ly hôn. Ly hôn chỉ là bước đường cùng nhưng cũng có những thứ còn đáng sợ hơn ly hôn là chấm dứt mối quan hệ vợ chồng vĩnh viễn. Vậy nên, người trong cuộc, người làm chồng, làm vợ là người hiểu rõ hơn ai hết bi kịch sắp xảy ra. Có rất nhiều cặp vợ chồng duy trì cuộc sống căm thù nhau trong nhiều năm. Họ nghĩ cách trả thù vợ hoặc chồng cho hả hê, nhưng cả gia đình họ bị tổn thương. Và những bi kịch gia đình hay xảy ra là thế. Đối với tôi, nếu gặp đôi nào suốt ngày lục đục, tôi bảo họ chia tay thật nhanh và dứt khoát. Níu kéo là hình thức hại nhau. Bởi họ không có khả năng làm mới bản thân để tiếp tục một cuộc sống mới với nhau. Khi cảm thấy mọi thứ khó cứu vãn, hay ra đi, đừng để bi kịch đến rồi hối không kịp.

Trường Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện