Câu chuyện ký ức giữa những bàn tán cộng điểm

Ngày 12/08/2015 05:00 AM (GMT+7)

Mấy hôm liền, người ta bàn tán chuyện có nên cộng điểm cho các đối tượng ưu tiên hay không? Thú thật, tôi đã đến tuổi rất ngại tranh luận. Thêm nữa xưa nay, vốn tính cũng đã vậy.

Thế nên, chỉ xin kể câu chuyện của bản thân. Chỉ là chuyện của ký ức kể lại, hoàn toàn không có ý tham gia vào các cuộc tranh luận.

1. Quê tôi ngày trước, nghèo xác xơ. Để đến trường, những bạn ở vùng sâu, vùng xa như Bàu Hàm hay Xã lộ 25 phải vượt quãng đường đầy bùn đất. Bạn đến trường quần áo lấm lem bẩn, tóc tai áo quần một màu đất vào những lúc mưa là chuyện vẫn thường thấy.

Những bạn này, ba mẹ thường là người di cư từ miền này hay miền khác về, chắt chiu mua được manh rẫy con con, quần quật mưu sinh. Bạn học cũng không lâu, thường nghỉ ngang chừng. Hiếm hoi lắm, có bạn tốt nghiệp phổ thông trung học. Hoặc họa hoằn hơn, có bạn vào đại học.

Ngồi gần tôi suốt những năm phổ thông là Việt, nhà Việt ở tít tắp xa. Ba mẹ khó, Việt chỉ có mỗi cái áo trắng để đến trường. Việt hay nói với tôi, “Đây là cái áo mồi”. Mồi, nghĩa là áo để đi tán gái, ý chừng là cái áo đẹp nhất.

Có lần, hai thằng đùa với nhau, thằng này lấy bút viết lên áo thằng kia. Đùa xong, tự dưng mắt Việt đỏ hoe. Lúc ấy, tôi bần thần hiểu ra rằng, cái áo mồi của Việt đã bị vấy bẩn. Suốt  từ đấy cho đến lúc nghỉ hè, Việt mặc áo lem nhem chữ, tẩy kiểu nào vẫn lưu dấu.

Câu chuyện ký ức giữa những bàn tán cộng điểm - 1

Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Gấm là cô bạn học thuở trung học cơ sở. Gấm da đen nhẻm, tóc cháy vàng, ngăm đen. Gấm đến trường bằng cái xe đạp rất cũ, luôn dính đất bùn. Nhìn Gấm khi nào cũng toát lên sự khắc khổ.

Gấm có đôi dép nhựa, để ý từ năm đến cuối năm chỉ có mỗi một đôi dép này. Trong lớp, tôi hay nói chuyện với Gấm nhất. Bây giờ, thì Gấm không còn nữa rồi. Mẹ Gấm giặt áo ngoài bờ hồ, không may sẩy chân. Gấm nghe tiếng mẹ thất thanh, nhảy vội xuống hồ cứu, mẹ con đi cùng nhau. Đêm ấy, tôi nằm mơ thấy Gấm nhìn tôi. Sáng hôm sau, thì nghe được chuyện của Gấm. Đám tang của mẹ con Gấm, tôi đi viếng cùng bạn bè, buồn lắm. Vĩnh viễn không quên được nét cười như nắng xiên vách tranh rách của Gấm.

2. Xưa nay, tôi vẫn nghĩ người ta hoàn toàn có quyền đứng trên đôi vai người khổng lồ nếu người ta có điều kiện. Và mỗi người nên hãnh diện vì xuất phát điểm của bản thân.

Ở thị thành hay ở nhà quê, đều có những mảnh đời cơ cực, ấm êm khác nhau. Có điều, những mảnh đời ở quê thường vất vả hơn, phổ biến hơn.

Khi mà người ta vất vả, thì sự thụ hưởng học vấn của người ta chắc chắn không bằng những người có điều kiện hơn.

Việc cộng một hay hai điểm theo quy chuẩn của địa lý, tôi không cho rằng đây là sự bất công hay bất bình đẳng. Bình tâm mà nhìn nhận, đó cũng chỉ là một phương tiện, một bàn tay chìa ra để nâng đỡ những người vốn khó khăn hơn người khác mà thôi.

Vẫn biết, kiến thức luôn bình đẳng. Vẫn biết, một xã hội văn minh là một xã hội mà mỗi cá nhân phải được đối xử như nhau.

Thế nhưng, một xã hội vừa nhân văn vừa văn minh là một xã hội biết xử sự có lý lẫn có tình. Điều này, hết sức con người, con người đầy bản năng.

Như lúc, bạn luôn cảm thấy xốn xang khi thấy một cậu nhóc lấm lem đất, tóc cháy khét, quần rách áo vá vậy.

Tất nhiên, bạn luôn thương trẻ con. Nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ cảm thấy những trước trẻ như tôi miêu tả cần nhiều tình thương từ bạn hơn một đứa trẻ đủ đầy.

Như cố nhà văn Nam Cao từng viết với đại ý, kẻ mạnh là kẻ biết cách nâng đỡ người khác chứ không phải là vùi dập hay xét đoán.                                                                    

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG