Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng

Ngày 18/02/2015 00:06 AM (GMT+7)

Mọi sinh hoạt của 2 bố con anh đều phụ thuộc vào chị, thế nhưng, chị chưa một lời ca thán mà lại càng yêu thương chồng con hơn. Thêm một câu chuyện cổ tích giữa đời thường khiến người đọc phải ứa nước mắt và cảm phục.

Đó là câu chuyện tình cảm động của họa sĩ khuyết tật Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1978 tại Đà Nẵng và vợ là chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên điều dưỡng cho anh.

Năm 1999, anh Hiền nhập ngũ tại Lữ đoàn pháo phòng không 573 ở Bình Định. Năm 2002, anh xuất ngũ và thi đỗ vào khoa Toán trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk. Ước mơ trở thành thầy giáo sẽ trở thành sự thật nếu như không có biến cố vào ngày 27/10/2002, khi trên đường đến trường, anh Hiền bị tai nạn dẫn đến gãy cột sống cổ, liệt tứ chi. Chàng sinh viên khoa Toán đầy hoài bão chơi vơi giữa bệnh viện vì mẹ anh quá già không thể túc trực thường xuyên bên anh.

Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng - 1

Anh Nguyễn Tấn Hiền và chị Nguyễn Thị Lý

Và trong nỗi tuyệt vọng đó, một nửa còn lại của cuộc đời anh đã xuất hiện như một phép màu. Nàng tiên đó chính là chị Nguyễn Thị Lý. Chị Lý quê ở Huế vào Đà Nẵng làm công nhân sau đó học trung cấp kỹ thuật y tế TW2. Anh gặp chị lúc chị đang là sinh viên thực tập và cũng chính là nhân viên điều dưỡng cho anh. Cảm thông cho hoàn cảnh, chị thường xuyên đến để động viên, an ủi anh và rồi không biết tự bao giờ anh chị đã trao trọn tình yêu cho nhau.

Thế nhưng, lý trí của anh Hiền không cho phép mình trở thành gánh nặng cho người khác. Mặc cảm bệnh tật vì nằm một chỗ, không tự vệ sinh cá nhân được, anh đã tìm cách tránh chị. Song, khi anh càng cố tránh thì chị lại càng tiến gần hơn, càng đuổi thì chị càng đến. Chị Lý đã đạp xe hơn 10 cây số để đến chăm sóc cho anh, lo toan mọi việc dù cho anh không chấp nhận. Chị không nề hà lời xì xào, đàm tiếu và cả ngăn cản gay gắt của mọi người.

Để khẳng định tình yêu, chị Lý đã tự về quê làm giấy chứng nhận độc thân và đưa anh đi làm giấy đăng ký kết hôn. Sau 4 năm yêu nhau, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, được gia đình chấp nhận, năm 2010, đám cưới của anh đã tổ chức đơn sơ nhưng ấm áp ngay trong sân bệnh viện. Chị đẩy anh trên chiếc xe lăn có gắn những cánh hoa hồng thật lãng mạn trong sự chứng kiến của bác sĩ, y tá và người thân.

Điều kỳ diệu thứ 2 đến khi chị Lý biết tin mình có thai. Chị ôm anh khóc nấc lên vì không ai có thể tin được kết quả này vì bác sĩ đã xét nghiệm anh bị vô sinh. Đây có lẽ là phép màu ông trời đã ban cho anh chị và đứa bé đáng yêu có tên Hy Hữu chào đời. 

Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng - 2

Từ ngày có con, anh Hiền càng thương vợ hơn. Chị vất vả vừa lo kiếm tiền vừa phải chăm chồng con. Tiền thuê nhà, tiền điện nước... mọi chi tiêu trong nhà một tay chị đảm nhiệm. Anh Hiền lại càng thấy tự ti vì ngay cả việc trông giữ con anh cũng không làm được. Điều duy nhất anh có thể làm là ngồi vẽ tranh, thế nhưng tranh bán cũng ít người hỏi. Hôm nào có ai mua cho một bức vài trăm nghìn đồng cũng đủ khiến anh chị mừng rơi nước mắt.

Bình thường anh chị có bà nội giúp trông cháu nhưng chỉ một thời gian rồi bà về quê. Những ngày vợ đi làm, anh trông con trai, thấy con đi vệ sinh đầy ra quần, ra cũi mà anh không thể làm gì. Con khóc, anh cũng khóc, vợ anh làm về thấy vậy cũng khóc theo. Rồi cả nhà ôm nhau nức nở.

Khổ cực nhất là những hôm con ốm, chị thức cả đêm trông con rồi lại một mình đưa con vào bệnh viện. Nhưng đó vẫn chưa thấm vào đâu so với lần chồng ốm rồi con ốm, mình chị chạy ngược chạy xuôi lo thuốc thang, tiền bạc. Chủ trọ đòi nhà, mình chị đi tìm phòng rồi lại cũng một mình dọn dẹp khuân vác đồ đạc. Mồ hồi chị chảy dài trên trán, ướt đẫm áo, anh chỉ biết nhìn, thương vô cùng nhưng không biết làm gì hơn. Đã vậy, đêm xuống, chị còn phải tắm rửa cho chồng, cho con, lo cơm nước, giặt giũ. Hơn 10 giờ cho con ngủ rồi quay sang tập thể dục cho chồng bởi nếu không chân tay anh sẽ cứng lại. Khổ cực thế mà anh chưa bao giờ thấy chị ca thán điều gì.

Ngược lại, chị hết lòng yêu thương chồng con. Những buổi chiều chủ nhật hoặc nghỉ lễ, chị luôn thu xếp đẩy xe cho chồng con đi dạo. Một chiếc bánh cho con, còn 2 vợ chồng chung nhau ổ bánh mỳ cũng khiến gia đình tràn ngập niềm vui, ấm áp.

Chị Lý tận tụy chăm sóc cho anh và con trong niềm vui, yêu thương, hạnh phúc. Còn 2 mẹ con lại là nguồn cảm hứng sáng tác của anh. Vì thế, hàng loạt các tác phẩm của anh ra đời đều mang chủ đề hạnh phúc về vợ con, gia đình, tình yêu... Niềm vui chưa dừng lại, mới đây, gia đình nhỏ của anh hân hoan chào đón đứa con thứ 2 chào đời.

Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng - 3

Hai thiên thần của họa sĩ Tấn Hiền.

Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng - 4

Bé Hy Hữu bên tác phẩm của bố.

Anh nhớ cách đây chưa lâu, chị làm về muộn. Khi về, chị thanh minh: "Hôm nay em về hơi trễ vì giờ chuyển mùa, em ghé qua cửa hàng mua cho anh và con mấy cái áo dài tay. Áo của anh và con đã cũ và rách hết rồi". Từng câu, từng chữ tới giờ vẫn còn in đậm trong lòng anh. Dù không thốt nên lời nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, anh muốn nói với chị "Anh yêu em nhiều lắm. Tạ ơn em. Ngàn lần tạ ơn em"...

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền

Sinh ngày: 30/11/1978

Chỗ ở hiện nay: K304/25, Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Năm 2002: bị tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn.

Từ 2008-2010: làm nhân viên đồng đẳng tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Năm 2008: bắt đầu tự học vẽ. Do tay quá yếu, anh phải nhờ người cột bút vào tay.

Từ 2012: tranh của anh được đưa đi tham dự nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế.

Chuyện cổ tích của chàng khuyết tật lấy vợ điều dưỡng - 5

Họa sĩ Tấn Hiền tham dự triển lãm ở Đài Loan.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động