Cơn cuồng truyền thông và cơ hội bị bỏ lỡ

Ngày 06/05/2016 13:11 PM (GMT+7)

Cá chết, lẽ ra phải là cơ hội để rà soát lại môi trường, song tất cả năng lượng xã hội lại tập trung ưu tiên cho khủng hoảng truyền thông, thứ khủng hoảng thứ cấp từ khủng hoảng môi trường.

Những con cá chết không rõ nguyên nhân ở miền Trung đã khiến cả đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Một cuộc khủng hoảng đa chiều, và càng ngày càng đi xa khỏi bản chất của nguồn cơn khủng hoảng.

Cá chết trong điều kiện tự nhiên. Đó là khủng hoảng môi trường.

Cá chết mà không có nguyên nhân rõ ràng, khiến nảy sinh quá nhiều nghi vấn. Đó là khủng hoảng thông tin.

Xã hội chia rẽ vì cá chết. Đó là khủng hoảng truyền thông.

Khi các hình thái khủng hoảng được phân định, có thể dễ dàng nhận ra rõ ràng nguồn cơn của cuộc khủng hoảng này là cá chết không rõ nguyên nhân trong môi trường tự nhiên. Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là một cuộc khủng hoảng môi trường ở mức độ nghiêm trọng, khi không đủ thông tin để ứng phó. Đây là vấn đề quản lý môi trường. 

Một cuộc khủng hoảng môi trường sẽ được xử lý và dập tắt bằng việc trả lời những câu hỏi liên quan đến môi trường, thông qua một quá trình điều tra với những trình tự như đối với một vụ án thông thường.

Cá chết. Nếu hình dung đây là một vụ án mạng thì việc đầu tiên là khám nghiệm tử thi và hiện trường để trả lời những câu hỏi. Điều gì đã xảy ra với những con cá? Chúng có bị nhiễm độc hay không, nhiễm loại độc tố gì? Hay chúng bị bệnh gì? Vì sao những con cá này chết mà con cá khác lại không chết? Môi trường sống của những con cá chết đã thay đổi như thế nào?

Bước tiếp theo của quá trình điều tra là khoanh vùng đối tượng tình nghi, và áp dụng biện pháp ngăn chặn để hạn chế nguy cơ tiếp tục gây án. Công bố kế hoạch điều tra để trấn an cộng đồng.

Nếu đối tượng tình nghi là nước thải của các khu công nghiệp ven bờ, việc tạm dừng hoạt động, niêm phong nguồn phát thải, lấy mẫu phân tích phải được tiến hành ngay.

Nếu đối tượng tình nghi là sự biến đổi của môi trường biển tự nhiên, việc thu thập kết quả quan trắc trước, và trong thời điểm cá chết cần phải được lập tức tiến hành.

Các cơ quan quản lý môi trường cần phải nhận trách nhiệm, lên kế hoạch điều tra, cung cấp thông tin cho báo chí và người dân như một nguồn chính thống. Báo chí sẽ tôn trọng các báo cáo về quá trình điều tra. Người dân sẽ kiên nhẫn chờ đợi thông tin từ kết luận điều tra.

Cơn cuồng truyền thông và cơ hội bị bỏ lỡ - 1

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung lẽ ra có thể trở thành tiền đề của một cuộc cách mạng về môi trường. Ảnh minh họa (Nguồn: Khoa học phát triển)

Tuy nhiên, quá trình điều tra đã không diễn ra theo những trình tự đó. Sự chậm trễ cung cấp thông tin về kế hoạch điều tra nguyên nhân cá chết khiến báo chí tự tìm kiếm câu trả lời của mình, người dân suy đoán theo hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân. Và đó là cơ hội của các nhóm lợi ích khác nhau, sử dụng truyền thông để dẫn dắt dư luận cho mục đích của mình.

Một cuộc khủng hoảng môi trường đã nhanh chóng biến thành khủng hoảng truyền thông. Thậm chí khủng hoảng truyền thông đã che khuất bản chất thực sự của một cuộc khủng hoảng môi trường.

Những cuộc khủng hoảng, bên cạnh những thống kê thiệt hại vẫn luôn có mặt tích cực của nó. Đó là kinh nghiệm ứng phó, đó là những kỹ năng mới được hình thành, đó là năng lực quản trị rủi ro được bồi dưỡng, đó là sự quan tâm của công chúng. Cuộc khủng hoảng cá chết lẽ ra đã có thể trở thành tiền đề của một cuộc cách mạng về môi trường.

Nếu như một kế hoạch xử lý khủng hoảng môi trường được thực hiện kịp thời ngay sau khi có hiện tượng cá chết, đến thời điểm này chúng ta đã có thể biết được thực trạng về khả năng quan trắc môi trường đang ở mức độ nào, cần được đầu tư ra sao cho phù hợp với thực tiễn.

Những lỗ hổng trong quản lý việc xả thải ở các khu công nghiệp cần được nhìn nhận ra sao, đáng báo động ở mức độ nào? Thực lực của các trung tâm nghiên cứu môi trường, năng lực nghiên cứu khoa học về đại dương...

Cá chết, một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, lẽ ra sẽ là một cơ hội để rà soát toàn bộ thực trạng về môi trường, lẽ ra phải trở thành một cuộc cách mạng nhằm thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của môi trường biển. Song, tất cả năng lượng xã hội lại được tập trung ưu tiên cho khủng hoảng truyền thông, một loại khủng hoảng thứ cấp từ khủng hoảng môi trường. 

Cơn cuồng loạn của truyền thông rồi sẽ lắng xuống khi mà những kết quả điều tra về khủng hoảng môi trường được công bố. Và lúc đó, sự quan tâm của xã hội đối với cuộc khủng hoảng này cũng đã nhạt phai, và những cơ hội lẽ ra đã có từ câu chuyện cá chết cũng trôi qua mất rồi. 

Cái chết của đàn cá ở miền Trung sẽ trở thành vô ích khi mà cuộc khủng hoảng môi trường này nhanh chóng chìm khuất trong những làn sóng truyền thông mới.

Phạm Trung Tuyến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện