Hễ gặp họ hàng là chồng quát vợ ra oai

Ngày 20/03/2013 13:50 PM (GMT+7)

Sau mỗi đợt về quê hay có bố mẹ, họ hàng lên thăm, Thạch lại bị vợ cấm vận, dù anh năn nỉ, xin lỗi hết lời. Tất cả chỉ tại cái tật thích ra oai của anh.

Chuẩn bị tinh thần “hâm nước mắm”

Nhung, vợ Thạch, sốc toàn tập trong lần đầu về quê chồng sau đám cưới. Cô đang lúi húi sắp mâm dưới bếp thì giật mình nghe chồng quát oang oang: “Nhung, bưng mâm lên đi chứ! Lề mề quá, có mỗi mâm cơm mà sờ sẫm mãi thế”. Đỏ mặt tía tai, Nhung vội vã bê mâm lên nhà, rồi vì cuống quýt, lúng túng mà gạt rơi cả cái lọ đựng tăm trên bàn, tăm vãi ra đất tung tóe.

Thạch lại kêu tướng lên: “Khổ chưa! Đã chậm chạp lại còn hậu đậu. Đấy bác với cô xem, vợ cháu nó đoảng đến thế thì thôi. Em phải tranh thủ học tập mẹ đi, để về thành phố còn biết chăm chồng”. Dâu mới, ở nhà chồng, Nhung không thể không cúi đầu vâng dạ. Nhưng bắt gặp ánh mắt ái ngại của mấy người họ hàng dành cho mình, cô không khỏi bầm ruột tím gan. À, ra cái kẻ lúc nào cũng xoắn lấy cô ôm ấp, nịnh bợ ấy vừa cưới xong đã lộ cái bộ mặt gia trưởng, làm cô mất mặt, nhục nhã trước mặt bao nhiêu người. Được lắm, về Hà Nội anh sẽ biết tay tôi!

Nhưng chẳng cần về đến Hà Nội, chỉ mới lên tàu thôi, Thạch đã trưng ra cái vẻ mặt hối lỗi: “Anh làm thế cũng vì em thôi, vì ở quê, các cụ sợ nhất, ghét nhất là con dâu lên mặt với chồng. Sau khi anh diễn như vậy, bố mẹ thương em lắm đấy, cứ kéo anh vào dặn đi dặn lại rằng từ từ mà bảo ban vợ, nó ngoan thế sao cứ quát nó ầm ầm vậy”.

Hễ gặp họ hàng là chồng quát vợ ra oai - 1
Chồng thích ra oai với vợ trước mặt bạn bè (ảnh minh họa)

Nghe nói bố mẹ chồng quý mình, thấy Thạch nói cũng có lý, lại thêm tối hôm đó, Thạch giở đủ chiêu nịnh nọt, nên Nhung cũng cho qua. Những tháng ngày sống chung sau đó, Thạch luôn là người chồng ngọt ngào, yêu thương vợ, chia sẻ việc nhà, chăm sóc tận tình khi ốm đau… nên cô cũng quên luôn chuyện mình từng nghĩ chồng gia trưởng, cộc cằn.

Nhưng đến lần về quê tiếp theo, chuyện ấy lặp lại. Hôm ấy có giỗ. Mẹ anh bảo: “Nhung cắt tiết gà cho mẹ nhé. À quên, con ở thành phố chắc chưa thịt gà bao giờ. Thôi để đấy mẹ làm, con nhặt rau đi”. Nhung chưa kịp thở phào thì Thạch đã chen ngang: “Thôi là thôi thế nào. Không biết thì phải học. Mẹ để đấy vợ con làm. Này, đừng giật áo anh. Anh đã bảo em chịu khó học hỏi mà không chịu nghe”. Nói rồi, anh lệnh cho vợ ra chuồng gà, bảo cô thò tay vào bắt. Cô nhờ  giúp thì anh bảo: “Em phải tự làm từ A đến Z thì mới tiến bộ được”.

Bắt được gà đã gian nan, đến khâu cắt tiết thì quả là cực hình, vì Nhung rất sợ máu, và chưa từng dám giết sinh vật nào. Chồng thì đứng cạnh hò hét, chỉ đạo, hết “sao lại thế|, “khổ quá” lại “trời ơi, vụng thối vụng nát”… còn mẹ chồng, em chồng thì ngồi cách một quãng, vừa làm vừa theo dõi tình hình. Cuống quá, cô cắt cả vào tay, kêu á lên một tiếng, bật khóc, bỏ con gà lại rồi lao vào buồng. Trong khi em chồng lao theo ân cần giúp chị băng bó thì tiếng ông chồng vẫn oang oang: “Có mỗi việc cỏn con làm không xong lại còn khóc lóc. Vợ với chả con!”.

Sau hôm đó, Thạch phải “chuộc tội” mất gần một tuần, thế nhưng anh vẫn tiếp tục quát lác vợ mỗi lần về quê. Trước mặt gia đình còn đỡ, khi có họ hàng cô bác đến chơi, anh càng ra oai tợn, hạch sách những chuyện cực kỳ vô lý. Nhung hiểu ra, anh thích thể hiện là một người đàn ông có uy với vợ, biết dạy vợ - điều mà hình như người quê anh đánh giá rất cao.

Vì thế, mỗi lần về quê chồng là Nhung lại xác định phải chuẩn bị tinh thần để “hâm nước mắm” khi có lệnh chồng.  Ngay khi ở Hà Nội, nếu có gia đình, họ hàng lên thăm, Thạch cũng cư xử như một ông chồng gia trưởng, một kẻ độc tài chính hiệu.

“Dìm hàng” trước, tạ tội sau


Tuyết cũng luôn bị chồng làm mất mặt trước đám đông như Nhung nhưng chồng Tuyết lại hướng việc thể hiện tính sĩ của mình đến một đối tượng khác: bạn bè, đồng nghiệp. Anh không quát lác om sòm, nhưng hễ có mặt các bạn là anh lại làm ra vẻ một người chồng độ lượng, đôi khi hơi mệt mỏi vì cứ phải bảo ban cô vợ ngốc nghếch, vụng dại từng ly từng tí.

Hễ gặp họ hàng là chồng quát vợ ra oai - 2
Nhung hiểu ra, anh thích thể hiện là một người đàn ông có uy với vợ, biết dạy vợ - điều mà hình như người quê anh đánh giá rất cao. (ảnh minh họa)

Tuyết theo chồng đi họp lớp, tự thấy trong số các bà vợ có mặt ở đó, mình cũng thuộc loại “ngon”. Cô nhận được nhiều lời khen về vóc dáng và cách ăn mặc. Nhưng chồng cô lắc đầu quầy quậy: “Phải đào tạo mãi mới được thế đấy các ông ạ, chứ vợ tôi nó quê lắm. Khổ, thì suốt tuổi thơ chỉ cắm đầu học và giúp bố mẹ chuyện lợn gà. Giờ có tiến bộ, nhưng nhiều khi thẩm mỹ cũng chán lắm. Đấy, mặt thì tròn mà cắt quả tóc thế kia”.

Hôm cơ quan chồng Tuyết tổ chức liên hoan tất niên, mời cả người nhà đến dự, các đồng nghiệp chồng bắt chuyện với cô và hỏi thăm về công việc. Tuyết đáp cô làm kế toán. Một chị hỏi kế toán trưởng à, chồng cô liền bô bô: “Kém cỏi như vợ em thì làm được kế toán viên đã cố lắm rồi, sếp bên đấy có điên đâu mà cho làm kế toán trưởng, có mà cả công ty đi đời sớm”.

Một chị chữa ngượng cho Tuyết, bảo: “Làm kế toán khó lắm, em ấy à, có mấy đồng thu chi trong nhà mà đã nhầm nhọt loạn cả lên”.  Chồng cô nói: “Biết tính toán mấy đồng tiền thì ăn thua gì. Vợ anh mà biết nấu ăn ngon như  em, biết thêu tranh đẹp như em thì anh đã cảm ơn trời. Đằng này nấu cho chồng bánh canh mà khi thì mặn đắng, khi thì quên muối”.

Chồng Tuyết biết thừa, tối về thể nào anh cũng bị vợ “cho biết thế nào là lễ độ”, và anh cũng đã hứa lên hứa xuống không biết bao nhiêu lần sẽ không “dìm hàng’ vợ trước mặt người khác nữa. Nhưng chẳng hiểu sao, hễ cứ cùng vợ ra nơi giao tế là anh không thể ngậm mồm lại được, cái lưỡi lại ngứa ngáy muốn hưởng thú chê bai vợ, lên mặt ta đây là ông chồng cao hơn vợ cả cái đầu.

Tuyết cú lắm, nhưng không biết làm cách nào trị chồng. “Nhiều khi định cho hắn nếm trải cái cảm giác mà mình phải chịu, trước mặt mọi người bóc mẽ những cái xấu xí của hắn. Nhưng nghĩ lại làm thế chỉ tổ gây trò cười cho mọi người, người ta lại bảo vợ chồng nhà đấy lôi nhau ra vạch áo cho người xem lưng”. Cuối cùng, cô đành chọn giải pháp là không thèm đi cùng chồng đến các buổi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp của anh nữa.

Tuy nhiên, không phải bà vợ nào cũng nhịn mãi được. Đó là điều mà anh Vĩnh, 42 tuổi, rút ra từ bà vợ rất thuần tính của mình. Thực ra, cái lối chê bai vợ trước mặt người khác xuất phát từ mặc cảm tự ti của anh: bằng cấp thấp hơn vợ. Vợ Vĩnh là thạc sĩ, còn anh chỉ có bằng đại học tại chức mà thôi. Vợ anh là trưởng phòng, còn anh chỉ là nhân viên quèn, chưa kể đã vài lần thất nghiệp, nhờ vợ vận động các mối quen biết mới tìm được việc mới.

Để khỏi lép vế, mỗi khi có mặt người khác, Vĩnh toàn lôi các điểm yếu của vợ ra để mổ xẻ.  Nào là: “Các bác ủng hộ món gà nướng này giúp em, kẻo lát vợ em nó ăn cố thì chết. Đã thon thon hình vại rồi mà chả thấy chê món gì”. Nào là: “Cảm ơn bác đã khen cháu nó. Cũng may cháu nó giống bố, chứ mà giống mẹ thì chết, sau này lấy đâu ra chồng”. Rồi: “Vợ ơi, sao anh bảo mãi mà em cứ nói ngọng như mấy mụ nhà quê thế? Khổ, ở Hà Nội gần 2 chục năm mà cứ ‘nẫn nộn’ thế thì có chết không?”…

Có hôm, mấy ông bạn Vĩnh đến nhà ăn cơm. Vĩnh xử sự đúng kiểu ông chồng hâm nước mắm, nếm đến món gì cũng lắc đầu thở dài rồi “các cậu thông cảm, con vợ tớ nó vụng”. Khách bảo không không, quá ngon, vợ tôi còn lâu mới nấu được thế này. Vĩnh khăng khăng: “Giời ơi, các cậu không phải nói đỡ. Đây cái món nộm sứa này, đã bảo không biết làm thì ra nhà hàng H. mà mua, lại cứ cố làm cơ, sĩ”.

Đến đây thì chị vợ chịu hết nổi, bật luôn: “Thì nộm sứa nhà hàng H. của ông đấy chứ đâu. Cả cái mâm hôm nay, tôi toàn gọi ở đấy hết. Mọi khi ông vẫn khen ngon ầm ĩ, sao hôm nay lại chê thế? Hôm trước món sụn gà rang muối tôi làm, tôi bảo ông là của nhà hàng H., ông khen nức khen nở cơ mà”.

Mấy ông bạn cười hì hì xí xóa, còn Vĩnh thì đỏ mặt tía tai. Thực ra anh cũng biết mình chê bai không đúng, nhưng anh cứ tưởng vợ sẽ im lặng như mọi hôm, để giữ thể diện cho chồng. Tình huống xảy ra ngoài dự kiến này khiến Vĩnh tự nhủ là mình cũng phải rút kinh nghiệm, bởi hóa ra đàn bà, trong đó có vợ anh, cũng biết sĩ diện, chứ không phải chỉ riêng cánh đàn ông.

Theo Khả Khanh (Xzone/TTTĐ)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình