Ly hôn: Món nợ nào phải trả?

Ngày 22/01/2013 10:44 AM (GMT+7)

Anh là bị đơn trong một vụ kiện mà người khởi kiện chính là vợ anh.

Trong đơn xin ly hôn của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) nêu lý do: Bị chồng bạo hành, chửi mắng, xúc phạm, mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, thiếu quan tâm chia sẻ; thiếu tôn trọng nhau, chồng chỉ lo chơi bời nhậu nhẹt và tố cáo vợ để giành tài sản chung…

Ngày tòa án quận Bình Thủy mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện của anh chị, có khá nhiều người dự, ngoài những người có liên quan thì đa số là xóm giềng. Họ đến để ủng hộ tinh thần cho bị đơn là Tô Xuân Đông, một thương binh 3/4, đang làm nghề chạy xe lôi.

Việc ly hôn của họ được giải quyết nhanh chóng vì cả hai đều thuận tình, quyền nuôi con cũng không cần phải tranh chấp vì con đã 17 tuổi. Rắc rối của họ nằm ở phần phân chia tài sản.

Trong thời gian chung sống, anh chị tạo dựng được một căn nhà và miếng vườn. Anh xin chia đôi vườn và nhà; những vật dụng trong gia đình, nếu chị Trâm muốn nhận, anh giao hết. Tuy nhiên, không chỉ “tạo dựng” được chừng ấy tài sản mà họ còn đang gánh cả số nợ khổng lồ gần 600 triệu đồng. Trong quá trình phân xử, chị Trâm đòi anh chịu trách nhiệm trả chung một nửa nhưng anh không chấp nhận.

Ly hôn: Món nợ nào phải trả? - 1
Trong quá trình phân xử, chị Trâm đòi anh chịu trách nhiệm trả chung một nửa nhưng anh không chấp nhận. (ảnh minh họa)

Tại tòa, anh thừa nhận số nợ hơn 17 triệu đồng vay của các cơ quan, đoàn thể tại địa phương và hứa sẽ cùng chị trả lại số tiền này. Riêng số tiền hơn 500 triệu đồng vay của ngân hàng, anh cho biết: vào năm 2005, vợ chồng anh thế chấp giấy tờ nhà vay 4,5 triệu đồng. Anh đưa sổ nhận trợ cấp thương binh cho vợ để thanh toán lãi và gốc hàng tháng. Từ đó đến năm 2011, chị cầm luôn giấy tờ nhà và sổ. Khi hai người ly thân, anh đề nghị chị trả sổ nhưng chị không giao nên anh phải đến phường báo mất và làm lại sổ. Trong quá trình này, anh bất ngờ phát hiện chị đã dùng giấy tờ nhà đất thế chấp ngân hàng vay 500 triệu đồng vào tháng 9/2010. Túng thế, anh làm đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra nhờ làm sáng tỏ. Chị khai nhận, đã giả mạo chữ ký và thay ảnh trong chứng minh nhân dân của anh để “qua mặt” ngân hàng vay tiền. Số tiền này, chị cho biết đã đầu tư vào cơ sở kinh doanh mà anh không hề được bàn bạc hay biết đến.

Không chỉ vậy, nhiều người có quyền lợi liên quan hôm ấy còn khai nhận, chị đã rất nhiều lần vay mượn (số tiền từ 20 - 40 triệu đồng) để “làm ăn” với lãi suất 3-5%/tháng, đến nay đã mất khả năng thanh toán. Các khoản vay này, tại tòa, chị và cả những người cho vay đều thừa nhận anh không biết.

Để buộc anh phải trả nợ chung, chị soạn thảo rất chi tiết số tiền đã chi dùng cho gia đình trong số tiền “khủng” ấy: Tiền ăn hàng ngày, học phí cho con, sửa chữa nhà cửa, cả cái áo chị mua anh đang mặc dù họ đã “ăn riêng” từ hơn 5 năm trước! Những điều chị kể khiến người dự tòa lúc thì bật cười, lúc lại xót xa thương cảm cho anh.

Tòa phán quyết, ngoài số tiền 17 triệu anh nhận là nợ chung, tất cả số tiền do chị đứng ra vay mượn hoặc giả chữ ký anh để vay mượn chị đều phải tự trả. Pháp luật đã mang đến sự công bằng cho anh bằng bản án hợp lý thuận tình.

Còn chị, ngay sau phiên tòa, đã đôn đáo thuê luật sư xin phúc thẩm. Nợ tiền chị phải trả, nhưng món nợ ân tình hơn 20 năm vợ chồng, biết khi nào họ trả được cho nhau?

Theo Hiền Dung (Phunuonline)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng