Ngẫm chuyện xếp hàng sau cảnh chen lấn kinh hoàng vì vắc xin

Ngày 25/12/2015 09:47 AM (GMT+7)

Ngày hôm nay, chứng kiến cảnh hơn 500 người chen lấn nhau để lấy số tiêm vắc xin dịch vụ cho con, nhiều người ngất xỉu, tôi lại chạnh lòng, không khỏi xót xa và đau đáu, văn hóa xếp hàng của người Việt tệ đến vậy sao?

Bỏ qua chuyện vì sao người dân phải chen lấn nhau để tiêm phòng vắc xin dịch vụ cho con, ở đây, tôi chỉ xin bàn đến chuyện, văn hóa xếp hàng của người Việt.

Bá Dương, một trong những cây bút viết tạp văn xuất sắc nhất Đài Loan, nổi danh toàn cầu với tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí” từng tỏ ra ngạc nhiên khi đến Mỹ, ông nói: “Đó là một đất nước cực đoan trong việc xếp hàng”.

Bá Dương nửa đùa nửa thật, ông không thể nào hình dung nổi vì sao người Mỹ xếp hàng nhiều đến vậy. Xếp hàng từ tiệm thức ăn nhanh, xếp hàng ở nhà băng, xếp hàng tại ga điện ngầm, xếp hàng ở sân bay, xếp hàng để mua sắm…

Nhiều năm trước, khi tôi đọc Bá Dương, tôi đã ngạc nhiên vô cùng vì chi tiết này. Ngoài tam thập, ngẫu nhiên năm hết tết đến, ngồi nghĩ ngợi về mấy điều Bá Dương từng viết mà lạm bàn vậy.

Người Mỹ luôn bận rộn, Giáo sư Trần có nói với tôi một ý rất hay, “Đó là một đất nước của thời gian”, từ thời du mục cho đến công nghiệp. Xếp hàng là một trong những đặc tính của kiểu đất nước này, xếp hàng không chỉ là tôn trọng người đến sớm hơn mình, mà xếp hàng còn là một biểu hiện của tính kỷ luật. Trong một chừng mực nào đó, xã hội phát triển là một xã hội mà cá nhân luôn đề cao ý thức kỷ luật.

Ngẫm chuyện xếp hàng sau cảnh chen lấn kinh hoàng vì vắc xin - 1

Cảnh chen lấn xô đẩy trong buổi tiêm phòng vắc-xin dịch vụ sáng nay

Xếp hàng khiến người ta ít có cơ hội để tám chuyện, để chém gió hay để xì xầm về người khác. Vì nhiều lắm thì khi xếp hàng, người ta chỉ có thể trò chuyện được với hai người, phía trước và phía sau.

Cá nhân tôi nghĩ, xếp hàng còn là biểu hiện của văn minh.

Chúng ta từng xếp hàng, thời bao cấp – thời mà cơ chế xin cho, phân phối  theo tiêu chuẩn.

Thế nhưng, đáng tiếc nhất là người Việt không thể thích nghi với thói quen này.

Khi phải xếp hàng theo số thứ tự tại bệnh viện, người Việt sẽ nhắn tin hay gọi điện thoại để tác động với ai đó đang công tác tại bệnh viện nhằm được ưu tiên, họ bất chấp số thứ tự.

Khi kẹt xe trên đường, thay vì phải điều khiển phương tiện theo đúng làn đường thì người Việt sẽ cậy vào biển ô tô xanh hoặc đỏ để lấn làn, lao vùn vụt về phía trước.

Khi phải xếp hàng trước một quầy bán vé xem kịch, người Việt sẽ cậy to xác hay lớn tiếng để cố tình chen lên trước cho bằng được.

Người Việt nóng vội hay người Việt không có thời gian (?).

Hoàn toàn không phải, vì bản chất của người Việt là thích cái thuận lợi nhất cho mình, bất chấp người xung quanh ra sao.

Bản chất này thể hiện rất rõ trong quan niệm, “Một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Giả như, trong nhà của người Việt có một vị tướng, thì không chỉ mình vị tướng này mới là tướng mà rất nhiều người có cùng huyết thống với ông ta cũng xem mình như tướng. Hoặc chí ít, hành xử không thua ông tướng kia là mấy.

Tôi có cậu bạn thân, đưa người nhà đi khám bệnh tại bệnh viện, Cậu bạn gọi cho tôi liên tục, ý nhờ tôi tác động với bác sĩ quen để được ưu tiên khám trước. Tôi năm lần bảy lượt từ chối, vì ngay cả bản thân mình tôi vẫn đến bệnh viện và chờ đến lượt khám. Không may, cậu bạn tôi giận và sự thân hữu đã nhạt phai đi ít nhiều.

Mấy năm trước, nếu tôi nhớ không nhầm thì chúng ta đã từng có một cuộc phát động xếp hàng, như là biểu thị của sự văn minh. Trong một vài tình huống nhất định, chúng ta đã thành công ở sự kêu gọi này.

Tuy nhiên, xét ở một biên độ rộng hơn thì sự xếp hàng của người Việt phần nhiều vẫn mang tính hình thức nhiều hơn là ý thức.

Tôi không huyễn mộng đến mức tự cho mình cái quyền được phán xét về một đặc tính của người Việt, nhưng tôi cho rằng sự văn minh luôn bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Nếu như ngày hôm nay, các bậc cha mẹ biết xếp hàng một cách văn minh thì đâu khổ thế, đâu phải chen lấn như thế và cũng có thể, việc tiêm phòng cho các con sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều.

Mỗi cá nhân đừng tự cho phép mình được hưởng một đặc quyền riêng so với đám đông thì không phải sự văn minh sẽ có cơ hội hiện hữu trên đất nước mình hay sao?.

Không phải, đó là một sự đổi thay bao hàm những ý nghĩa tốt đẹp hay sao(?).  

Xem bài viết cùng tác giả:

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Đổ nước đá lên đầu, ai thích thì làm, kệ họ!

Các cháu làm chủ tịch - để làm gì?

Chuyện từ thiện là từ cái tâm của mình

Xin lỗi, thật sự khó vậy sao?

Đừng mắng Hào Anh

                                                  

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện