Ba à, đến bao giờ ba mới có thể an vui, có thể thôi lo lắng vì con

Ngày 24/06/2017 19:35 PM (GMT+7)

Một người cha tuyệt vời không phải là một người đàn ông thành đạt, một người đàn ông kiếm được nhiều tiền, có nhà cao cửa rộng cho con cái thì mới là một người cha tuyệt vời.

Ba tôi vào Nam lập nghiệp từ năm 18 tuổi. Một mình và tay trắng. Ban đầu ông ấy phát hoang và dựng lên căn nhà tranh nhỏ, đi làm mướn qua ngày. Nhưng không may, một ngày căn nhà nhỏ lụp xụp bị cháy. Bao nhiêu đồ cũng tan biến. Nhưng không cản được nghị lực của ba. Ba lại làm lại từ đầu. Rồi đến khi yêu mẹ, ba không là gì so với những người vây quanh mẹ. Mẹ đẹp, con nhà khá giả nhất vùng. Nhưng vì thương tính lầm lì, chịu thương chịu khó của ba mà mẹ đồng ý về làm vợ một người nghèo xác xơ.

Tuy làm thuê làm mướn, nhưng ba tôi sẵn sàng nuôi mẹ đi học trung cấp mầm non. Mẹ vừa sinh tôi ra thì đậu vào trung cấp. Vậy là ba sáng sáng chở tôi lên ngoại gửi rồi đi làm. Mẹ đi học xa cả tuần mới về một lần. Chưa kể đến chuyện hy sinh, lo lắng làm lụng nuôi vợ ăn học, chỉ cần ba chịu nhường một bước, chấp nhận cho vợ học cao hơn mình cũng là một điều không dễ đối với cái tư tưởng cách đây gần 30 năm rồi.

Ba à, đến bao giờ ba mới có thể an vui, có thể thôi lo lắng vì con - 1

(Ảnh minh họa)

Mẹ là một giáo viên mầm non, nói nhàn mà không nhàn. Mẹ thường xuyên đi cả ngày nên tất tần tật các câu chuyện của tôi đều kể cho ba nghe. Từ việc cô giáo chấm sai điểm cho mình đến chuyện bị thằng bé lớp bên phun nước bọt vào áo, ba luôn là người lấy lại công bằng cho tôi.

Với những cô gái khác, thường họ sẽ thân với mẹ hơn, thích chơi búp bê hơn. Tôi lại thích tâm sự cùng ba hơn. Đừng nói người nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối sẽ hay cáu gắt. Ba chưa bao giờ nặng lời với tôi cả, dù có là lúc tôi làm sai, ông cũng chỉ gọi ngồi xuống và tâm sự nhẹ nhàng.

Nhớ có lần học cấp hai, thay vì là một cô bé dịu dàng, e thẹn tuổi dậy thì, tôi lại nghịch ngợm thái quá. Có lần bạn bị đánh, tôi vô can ra nhưng không được, đành ra tôi đánh luôn cả cái người bắt nạt bạn mình. Lần đó, tôi về đầu thú ngay với ba. Sau khi phân tích rõ đúng sai, ba còn giúp tôi bao che, không nói cho mẹ nghe. Ba còn chỉ cách tôi có thể thoát tội lỗi của mình để không bị trừ hạnh kiểm.

Qua cái tuổi hiếu động, tôi lại biết yêu. Cấp ba học xa nhà và tôi yêu đương. Cuộc tranh cãi của những cặp gà bông chưa bao giờ là có hồi kết. Thay vì ngăn cản, ba luôn theo dõi bằng cách tâm sự tỉ tê, để tránh việc đi lệch đường ray của tôi. Rồi cuộc tình gà bông của tôi cũng êm đẹp và cả hai cùng đậu đại học. Ba mẹ an tâm.

Ngày tôi thất tình, khóc như mưa, ba cũng lo lắng từng giây từng phút. Sợ rằng con gái bé bỏng đau lòng nên gọi điện thoại. Cuộc điện thoại gần 3 tiếng đồng hồ không có mấy câu thoại ngoài tiếng khóc nấc của con gái. Sáng hôm sau cả ba cả mẹ đều hỏi thăm có ngủ được không, lo lắng cả tháng trời sợ rằng con gái đau lòng, mất ăn mất ngủ mà bệnh.

Ngày con gái bắt đầu có những công việc đầu tiên dù chưa ra trường, ba mẹ mừng thì ít mà lo thì nhiều. Sợ con gái lo làm mà quên học, sợ con gái vào đời quá sớm mà bị vấp ngã và tổn thương.

Hôm nay, trên đường đi làm, cô con gái 25 tuổi của ba, ngoài sự nghiệp thì vẫn làm ba lo lắng, sợ rằng con không tìm được người đàn ông tốt như ba đã từng yêu mẹ vậy. Cô gái ấy thấy các vị phụ huynh lo lắng đưa con đi thi đại học mà lòng không ngừng nhớ về những ngày xưa cũ. Ngày có nắng to, con gái trọ học ở xa, nói ba không cần đưa đón nhưng ba vẫn đi lên đợi con thi kỳ thi vào lớp 10. Buổi chiều năm ấy, cô gái thi văn, từng là học sinh giỏi văn nhưng làm bài không được.

Nghĩ tới bóng lưng ba mướt mồ hôi chờ đợi ngoài trời mà bật khóc. Nhớ cô gái một lần ba đón từ chỗ trọ học cấp ba về nhà, dưới cái nón bảo hiểm có lưa thưa sợi tóc bạc của ba, nhìn thấy mà rơi nước mắt. Cô gái vòng tay ôm lấy người đàn ông, cây cao bóng cả của mình mà khóc. Ba chỉ nhẹ nhàng hỏi “mệt lắm hả con?” Mệt sao bằng những thứ mà ba đã dành cho con. Cả một đời vì con mà hy sinh cơ chứ?

Con gái thi đại học, cũng lại có một bóng lưng ngồi ngoài cổng trường hút thuốc liên tục. Người chờ còn lo hơn người thi. Rồi những lần con ham chơi, ham đi tình nguyện, ba vẫn ở nhà còm cõi mong con về, có con gà bự để dành đã lâu. Người ta, tình cảm giữa con với cha thật xa, nhưng với tôi thì luôn thật gần.

Biết bao giờ ba mới thôi phải lo lắng vì con?. Biết bao giờ con gái mới làm ba an lòng?. Biết bao giờ con gái mới tìm được người đàn ông tuyệt vời như ba – một người đàn ông sẵn sàng đứng sau sự thành công của vợ con mình nhưng không hề nhu nhược? Một người đàn ông học thấp nhưng bất cứ bài toán khó nào cũng được ba tìm tòi chỉ dẫn. Một người đàn ông mà đi đâu, làm gì con gái cũng nhớ tới.

Hạ Dy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự