Nhà báo Trương Anh Ngọc: "Có quán quân Olympia nào lại muốn trở thành người cạo bàn giấy?"

Ngày 28/08/2017 20:04 PM (GMT+7)

Nhà báo Trương Anh Ngọc - một trong những cố vấn của cuộc thi, đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm về việc ‘ở hay về’ của những nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia vừa kết thúc và “Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh” hiện đang là cái tên được nhiều người tìm kiếm nhất. Cứ lúc có một thí sinh vô địch, người ta lại bàn luận chuyện sau khi đi du học, các thí sinh đi đâu, về đâu. Trên thực tế, có nhiều người ở lại và làm việc tại Úc, lập gia đình, định cư tại đó. Cũng có người lựa chọn về nước nhưng con số đó là rất ít.

Có người cho rằng, đã trưởng thành từ chương trình Đường lên đỉnh của nước nhà thì nên về cống hiến chất xám cho đất nước. Nhưng, nhiều người lại phản ứng ‘đi hay ở là việc của họ, chọn một môi trường tốt với mình, phù hợp với trình độ và bằng cấp của mình là điều hơn cả’.

Xung quanh câu chuyện này, nhà báo Trương Anh Ngọc đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm về việc ‘ở hay về’ của những nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: amp;#34;Có quán quân Olympia nào lại muốn trở thành người cạo bàn giấy?amp;#34; - 1

Xin trích lại toàn bộ chia sẻ của nhà báo tại đây:

"Năm nào cũng thế, sau mỗi lần "Đường lên Đỉnh Olympia" có nhà quán quân mới, mình thấy dân mạng lại lên tiếng, theo kiểu "Đường lên đỉnh Australia", "Nước Úc đón chào nhà vô địch", hay những message nhắn mình như "Nhớ dặn nó đi rồi về, kẻo đi luôn ấy"... Nhiều lắm những câu như thế, không đếm được.

Mình không muốn nghĩ rằng, những câu này nhắm vào những quán quân Olympia, hay bất cứ người tài nào của đất nước. Nếu họ có cơ hội học ở nước ngoài, sau đó ở lại và cống hiến cho đất nước đã chắp cánh cho họ thì đấy là điều tốt cho họ. Đất lành chim đậu. Các cụ bảo cấm có sai. Khi đất nước đã mở cửa và những cơ hội bay ra thế giới đã trở nên nhiều hơn, bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có con đường học vấn, thì việc họ được một trường Đại học hay một công ty danh tiếng của nước ngoài đón nhận cũng là chuyện bình thường.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: amp;#34;Có quán quân Olympia nào lại muốn trở thành người cạo bàn giấy?amp;#34; - 2

Trên thực tế, điều này đã xảy ra với rất nhiều quốc gia có người tài, khi dòng chất xám chảy về những nơi đãi ngộ họ tốt hơn, cho họ nhiều cơ hội phát triển hơn. Nếu đất nước mình không giữ được họ cũng không là chuyện quá khó hiểu và nếu họ ước mơ, rồi làm tất cả để đạt ước mơ ở nước ngoài, cũng là chuyện không có gì đáng nói.

Có tài năng, rồi vượt qua những kỳ thi lớn và hướng đến một nền giáo dục tốt hơn, một xã hội tốt hơn, để cuộc sống của bạn và người thân bạn tốt hơn, không phải là một tội lỗi. Bởi đấy là bạn mưu cầu hạnh phúc một cách chính đáng.

Bạn sống tốt ở nước ngoài, nộp thuế đầy đủ, làm rạng danh hình ảnh nước Việt theo cách của mình. Và như thế, bạn còn hơn gấp vạn lần những kẻ mang danh đi học, đi lao động nước ngoài nhưng thực ra làm ô uế đất nước chỉ vì những món lợi có được từ ăn cắp, buôn lậu hoặc "trồng cỏ" (trồng cần sa trái phép). Có rất nhiều cách để đóng góp cho quê hương mà không nhất thiết cần phải sống hoặc làm việc trên mảnh đất này.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: amp;#34;Có quán quân Olympia nào lại muốn trở thành người cạo bàn giấy?amp;#34; - 3

Nhiều bạn mỉa mai các quán quân về chuyện đi hay ở. Mình chợt nhớ đến truyện "Nội quy cho những người bán chả rong" của Aziz Nesin. Truyện kể về một anh sinh viên người Thổ đã học ở Đức, rồi Mỹ và trở thành một chuyên gia về quang học. Thế rồi, anh phải về nước vì Chính phủ yêu cầu anh trải qua một thời kỳ “phục vụ bắt buộc”. Anh không muốn về, vì tin rằng tri thức mà anh học được không thể áp dụng được tại quê hương. Nhưng gia đình vẫn bắt anh trở về, với lý do “bố ốm nặng”.

Anh về nước, một hành trình khổ ải của người trí thức bắt đầu ở tòa thị chính, khi phải làm đủ mọi thứ việc linh tinh không đúng chuyên môn ở những phòng ban của một hệ thống quan liêu vô cùng cồng kềnh. Một kỹ sư quang học đã bị điều từ phòng... quản lý nghĩa trang, xí nghiệp dệt cho đến việc cùng một loạt người không đúng chuyên môn khác soạn thảo một bản nội quy cho những người bán chả rong!

Một truyện hài hước được viết từ những năm 1950, nhưng không phải để cười. Có quán quân Olympia nào (rộng hơn là những người có tài và có tham vọng nào) lại muốn trở thành một người cạo bàn giấy và soạn nội quy cho những người bán chả rong?"

Băng Băng, theo fb Truong Anh Ngoc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội