Tại sao đàn ông hay có bồ nhí và đòi ly hôn?

Ngày 20/08/2014 22:15 PM (GMT+7)

Ba tôi có bồ nhí và đòi ly hôn. Thoạt nghe tin này từ mẹ, tôi bủn rủn tay chân vì ba tôi vốn rất hiền lành, hết lòng thương yêu vợ con.

Ba tôi nói một tiếng thì mẹ trả lời hai tiếng, ba nói một câu thì mẹ trả lời hai câu. Ba im lặng thì thôi chớ còn nói tiếp, nhẹ thì một tràng những câu gì đó nhanh đến tôi không nghe kịp; nặng thì chén ấm trà, bình bông, gạt tàn… bay vèo vèo.

Rất nhiều lần tôi bỏ vào phòng từ khi ba mẹ bắt đầu khẩu chiến; cũng có khi tôi ngồi lại xem họ làm đến đâu. Những lần ngồi lại chứng kiến, kết cục thường thấy là tôi kéo tay ba: “Ba đừng chọc giận mẹ nữa, vào phòng con đi”. Có khi ba vào, có khi ba xách xe đi đâu đó.

Ngay từ nhỏ, tôi đã chứng kiến những trận cãi nhau giữa ba và mẹ. Nhưng hồi đó, cuộc chiến không gay cấn như bây giờ. Từ đó đến nay, ba tôi luôn nhẫn nhịn chịu đựng và là người rời khỏi cuộc chiến trước. Mẹ tôi sau đó càng tăng 'level' hung dữ, ăn hiếp chồng.

Ba tôi là nhà khoa học. Tính tình ông hiền lành, thật thà. Ngày xưa có lẽ chính vì ưu điểm đó mà mẹ chọn ba. Nhưng rồi cuộc sống thay đổi. Mẹ tôi là người thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát nên trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.

Mẹ làm ra nhiều tiền hơn ba. Và đúng theo quy luật: Kẻ nào nắm kinh tế thì kẻ đó nắm quyền. Mẹ tôi nắm trọn quyền trong gia đình, ba tôi chỉ có thú vui nghiên cứu khoa học và chăm sóc, dạy dỗ con cái. Thú thật, dù cả hai đều là ruột thịt máu mủ nhưng tôi thương ba nhiều hơn. Trong tình thương ấy có cả sự tội nghiệp.

Có lần tôi hỏi ba: “Sa ba để mẹ ăn hiếp hoài vậy? Ba phải vùng lên chớ?”. Ba tôi cười thật hiền: “Để làm gì hả con? Ở cơ quan, ba không bị ăn hiếp là được rồi”. Đó, ba tôi nghĩ thật giản dị. Mọi thứ tốt đẹp ba đều dành cho gia đình ngay cả khi mình phải chịu nhiều thiệt thòi vì mẹ tôi càng ngày càng quá quắt. Vậy mà mẹ tôi chẳng hề suy nghĩ đến chuyện ấy.

Tại sao đàn ông hay có bồ nhí và đòi ly hôn? - 1

Thú thật, dù cả hai đều là ruột thịt máu mủ nhưng tôi thương ba nhiều hơn. Trong tình thương ấy có cả sự tội nghiệp. (ảnh minh họa)

Năm nay tôi đã 24 tuổi. Tôi chưa từng thấy một người cha nào hiền lành như ba tôi. Rất nhiều khi tôi vừa tội nghiệp, vừa bực mình vì ba quá yếu đuối, thậm chí có khi tôi nghĩ ba nhu nhược, sau này nếu chồng tôi mà giống ba, tôi sẽ bỏ ngay. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ tôi rất thương ba, luôn bênh vực ông, chí ít là cũng tạo được niềm vui cho ông phía sau những cuộc chiến khốc liệt với mẹ.

Đôi khi tôi nghĩ, tại sao ba lại không bỏ mẹ? Ba làm có tiền, ba phong độ, ba tốt bụng, ba được nhiều người quý mến, vậy tại sao ba phải gắn chặt cuộc đời với một người phụ nữ tai quái như mẹ tôi ? Khi tôi hỏi ba về điều này, ba lại cười: "Chắc kiếp trước ba mắc nợ mẹ nên kiếp này phải trả".

Ba tôi rất chăm chỉ đọc sách, trong đó có kinh Phật. Có lẽ vì vậy mà ba ngộ ra rằng, cuộc đời này vốn là những cuộc trả vay vô tận. Ba chỉ muốn gieo nhân tốt để gia đình, con cái và bản thân ba sau này sẽ nhận được quả lành. Tôi thấy ba cũng có lý và tôn trọng cách nghĩ, cách sống của ba. Càng lớn lên, tôi càng yêu thương, kính trọng ba. Cả chị hai tôi cũng vậy. Nhiều lần chị nói với tôi: "Hai chị em mình sau này nhờ đức của ba, chắc tương lai cũng không đến nỗi nào".

Ấy vậy mà đùng một cái, ba tôi có bồ nhí và đòi ly hôn. Thoạt nghe tin này từ mẹ, tôi bủn rủn tay chân. Mẹ tôi vừa nói, vừa khóc: "Ba nhất quyết đòi ly hôn dù mẹ đã hết lời năn nỉ. Mẹ không hiểu sao một người hiền lành như ba lại có thể làm những chuyện ghê gớm như vậy. Bây giờ mẹ phải làm sao?". Mẹ hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai đây? Tại sao đàn ông hay có bồ nhí rồi đòi ly hôn, kể cả người đàn ông chuẩn mực như ba tôi?

Tôi chạy vào phòng ba. Lâu lắm rồi tôi mới thấy ông hút thuốc. Thấy tôi, ông dụi điếu thuốc, nhìn tôi chờ đợi. Có lẽ ba đã biết những điều tôi sắp nói ra. Tôi kéo ghế ngồi đối diện, nhìn thẳng vào mắt ba: "Ba đã suy nghĩ kỹ chưa? Dù sao thì ba mẹ cũng đã sống với nhau gần 30 năm rồi, đâu phải nói bỏ là bỏ? Mẹ rất đau khổ khi ba đòi ly dị".

Ba không trả lời thẳng mà hỏi lại tôi: "Con và chị hai có trách ba không?". Tôi hơi bất ngờ vì điều quan tâm của ba là chị em tôi chứ không phải mẹ. Tôi do dự: "Thật lòng, con cũng không biết…". Ba cầm lấy tay tôi: "Ba đã trả xong nợ cho mẹ của các con nhưng điều đó không có nghĩa là ba ép bà ấy phải ly dị để cưới người khác. Ba thương cô Oanh, xem cô ấy là người tri kỷ, không cưới cũng không sao nhưng ba không muốn mẹ con làm phiền cô ấy. Con biết tính mẹ con rồi đó, nếu không ly dị mà ba đi với người phụ nữ khác dù chẳng phải quan hệ yêu đương, bồ bịch gì thì bà ấy cũng sẽ làm toáng lên, xúc phạm đến người ta. Ba muốn được tự do cho phần đời còn lại của mình".

Rồi ba kể ba thèm được đi cạnh một người phụ nữ, được nghe cô ấy nói, nhìn cô ấy cười, nắm lấy bàn tay mềm mại rồi hôn lên mái tóc có mùi hương dịu nhẹ. Ba thích nghe những lời nói ngọt ngào của một người phụ nữ chứ không phải là những lời sâu cay với âm vực cao vút của mẹ. Tất nhiên ba cũng thích những lời ngọt ngào của chị em tôi, nhưng chúng tôi không thể là bạn tâm giao của ba bởi chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ phải đi lấy chồng. Lúc đó cuộc sống sẽ rất kinh khủng đối với ba nếu như trong nhà chỉ còn lại ba và mẹ…

Tại sao đàn ông hay có bồ nhí và đòi ly hôn? - 2

Tôi đang đứng giữa hai người thương yêu nhất của mình. Giờ tôi không biết trả lời mẹ như thế nào, cũng không dám khuyên nhủ ba điều gì. (ảnh minh họa)

Chẳng hiểu từ lúc nào, tôi đã ngã hẳn về phía ba. Những điều ba nói ra, chỉ có tôi là người đã chứng kiến quá nhiều những cay đắng mà ba phải chấp nhận trong cuộc hôn nhân với mẹ mới hiểu và chia sẻ được. Tôi nắm chặt tay ba: "Con thương ba nhiều lắm…". Tôi chỉ nói được vậy rồi nghẹn lời.

Hết nói chuyện với ba, tôi lại chạy sang với mẹ. Mấy hôm nay mẹ tôi nằm bẹp dí, bỏ cả cơm nước. Trông mẹ thật hốc hác, tiều tụy. Mẹ khóc rất nhiều. Mẹ bảo mẹ không muốn và không bao giờ đồng ý ly hôn. Nếu ba bỏ mẹ thì mẹ sẽ chết. Mẹ nói: "Mẹ đã quen có ba con rồi. Đi đâu, làm gì mẹ cũng yên tâm là có ba bên cạnh, có ba ở nhà. Bây giờ mà điều đó mất đi, mẹ làm sao chịu đựng nổi?".

Tôi đánh liều hỏi: "Vậy tại sao hồi trước tới giờ mẹ hay la mắng, ăn hiếp ba?". Mẹ tôi thút thít như một đứa trẻ: "Ai biểu ổng hiền quá làm chi?". Hóa ra trong suy nghĩ của mẹ, hiền quá cũng là một cái tội, hiền quá cũng khiến người ta bực mình, thậm chí ghét bỏ.

"Bây giờ tính sao đây con ?". Mẹ tôi hỏi trong nước mắt. Tôi không thể bảo mẹ phải làm như thế nào, cũng không thể nói với mẹ là tôi ủng hộ ba nhưng nhìn mẹ bây giờ tôi đau lòng quá. Sự thật là mẹ tôi vẫn còn yêu ba, vẫn muốn sống với ba đến trọn đời. Mẹ hứa sẽ thay đổi nhưng cả ba và tôi đều không tin. Nếu thay đổi thì tại sao không điều chỉnh ngày từ đầu cách ứng xử để không làm tổn thương nhau mà phải đợi đến khi người ta đòi bỏ thì mới giật mình hoảng sợ?

Tôi đang đứng giữa hai người thương yêu nhất của mình. Giờ tôi không biết trả lời mẹ như thế nào, cũng không dám khuyên nhủ ba điều gì. Nhưng tôi cũng không thể bỏ mặc họ. Liệu cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi có còn chút hi vọng nào để cứu vãn hay không? Tôi có nên hàn gắn cho họ hay là cứ để mọi việc thuận theo tự nhiên, theo luật nhân quả?

Theo Lan Mai (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng