Tiền của tôi, sao gọi là quỹ đen?

Ngày 10/04/2015 00:01 AM (GMT+7)

Kết hôn để làm gì? Kết hôn để đưa tiền cho người khác giữ rồi lén lút lấy tiền của mình để lập quỹ đen à?

Thật tình tôi không hiểu tại sao trước khi cưới, tiền của tôi là của tôi, vậy mà sau khi cưới, tôi bị “mất” hết tiền và một phần tiền của tôi lại bị gọi là quỹ đen? Tiền của tôi thì tôi tiêu, quỹ đen là quỹ thế nào?

Tôi cũng không hiểu tại sao có rất nhiều ông chồng, cày cuốc làm việc cực khổ, cuối tháng phải “cống nạp” hết cho vợ rồi ngửa tay nhận lại  ít tiền tiêu vặt. Cũng có không ít bà vợ, làm ra bao nhiêu là đưa chồng, cho mẹ chồng bấy nhiêu, đến nỗi quanh năm không sắm sửa cho mình được một bộ áo mới, không mời ba mẹ ruột mình được một vài bữa ăn thịnh soạn. Đến nỗi các ông chồng, bà vợ đó phải lập quỹ đen.

Vậy anh chị kết hôn để làm gì? Kết hôn để đưa tiền cho người khác giữ rồi tự biến bản thân mình thành tội phạm, lén lút lấy tiền của mình để lập quỹ đen à? Tôi thấy nực cười và vô lý hết sức.

Bạn tôi có một người em họ sống ở Singapore từ nhỏ, hôm trước em ấy dắt vợ mới cưới về Việt Nam chơi. Bạn tôi xung phong dẫn vợ chồng em đi lòng vòng thành phố và... sốc trước cách chi tiêu của “2 đứa”. Cũng có nghe nói “Singapore, thân ai nấy lo” nhưng bạn tôi không nghĩ tới mức vé du lịch, vé máy bay “hồn ai nấy giữ”, tiền khách sạn chia đôi. Ăn uống thì hôm nay chồng trả, hôm sau tới lượt vợ. Quà cáp cho bên nào bên ấy tự mua. Thậm chí khi đi café, thấy chồng trả tiền, cô vợ cảm ơn rối rít.

Tiền của tôi, sao gọi là quỹ đen? - 1

Vợ chồng càng độc lập thì càng gắn kết, càng yêu và càng muốn chinh phục nhau mỗi ngày. Thế mới là hôn nhân bền vững. (ảnh minh họa)

Bạn tôi ngạc nhiên nhưng tôi thấy đó là chuyện bình thường. Bên Tây, bên Mỹ người ta toàn thế cả. Việc chi tiêu gia đình cứ thế mà tính toán, chia ra. Cuộc sống mỗi người sau khi cưới vẫn độc lập. Tiền bạc phải sòng phẳng, rõ ràng thì mới đem lại hạnh phúc cho nhau được.

Tôi thấy Việt Nam ta thật buồn cười về khái niệm “bản lĩnh đàn ông”: Trước khi cưới, đàn ông chân chính phải tự giác trả tiền khi dẫn người yêu đi ăn, đi chơi, mua sắm; sau khi cưới, chi tiêu tất tần tật là do vợ trả, như thế mới là “bản lĩnh đàn ông” trong gia đình.

Tôi nghĩ chúng ta nên học tập nước ngoài, vợ chồng sống sòng phẳng và ít phụ thuộc nhau đi, nhất là trong chuyện kinh tế. Ông bà ta có câu “Lạt mềm buột chặt”. Độc lập mới là cách sống và yêu nhau thoải mái, không nghi kỵ lẫn nhau. Vợ chồng càng độc lập thì càng gắn kết, càng yêu và càng muốn chinh phục nhau mỗi ngày. Thế mới là hôn nhân bền vững.

Theo TRẦN NHÃ (TP HCM)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng