Tìm hiểu phong tục nhuộm răng đen ngày xưa...

Ngày 28/12/2015 09:34 AM (GMT+7)

Nhắc đến tục nhuộm răng đen, chắc hẳn mỗi chúng ta đều không thể nào quên được hình ảnh của các bà, các mẹ, các chị với hàm răng đen óng, lóng lánh.

Nhưng, hình ảnh ấy dường như đã trở thành quá khứ xa xưa, chỉ là, cái hồn của nó vẫn còn ở đâu đây, vẫn khiến chúng ta nhớ về như một kỉ niệm thân thương, khó phai trong lòng.

Vậy tục nhuộm răng đen từ đâu mà có?

Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.

Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.

Vì sao ngày xưa, phụ nữ hay nhuộm răng đen

Trước hết là bắt đầu từ quan niệm thẩm mỹ. Xa xưa và cả ngày nay, các cụ ta hay ăn trầu. Ngày trước, gần như tục ăn trầu là một thói quen không thể nào thiếu của người Việt, từ người lớn đến người trung niên. Và vì ăn trầu răng sẽ đen nên người ta nghĩ ra việc nhuộm răng đen cho hợp thẩm mỹ, để trở thành một màu đen tuyền đẹp bóng, chứ không phải màu đen ố như của màu trầu.

Biểu tượng sắc đẹp của thời ấy chính là da trắng, răng đen. Nên các cô gái rất chuộng hàm răng có màu đen này. Cô nào có răng càng đen, càng bóng và nước da càng trắng thì càng được các đáng mày râu theo đuổi.

Tục nhuộm răng từ đó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Ai không nhuộm răng thì nhất định bị coi là đi ngược lại tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi.

Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng, vì ở đó các ông hoàng bà chúa, các cung tần mỹ nữ, tầng lớp quan lại, nho sĩ, các cô chiêu, cậu ấm rất ưa chuộng việc nhuộm răng. Thuốc nhuộm răng của người Việt xưa phải có một công thức pha chế riêng: Bột nhựa cánh kiến, Nước cốt chanh hay hạnh, Phèn đen, Nhựa của gáo dừa.

Tìm hiểu phong tục nhuộm răng đen ngày xưa... - 1

Người phụ nữ xưa với hình ảnh hàm răng đen (ảnh minh họa)

Việc nhuộm răng phải tuân theo từng giai đoạn làm sao cho răng đạt màu đen bóng. Để khởi đầu cho việc nhuộm răng thì miệng và răng phải được làm vệ sinh, phải chuẩn bị hàm răng cho thật sạch. Không được có bợn, bả răng trong các kẽ và chân răng, phải lấy hết cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới được. Trong ba ngày đầu phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối sống hầm chín thành bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh hoặc hạnh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Tác dụng của nước cốt làm cho lớp men ngoài răng “mềm” đi, tính acid của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Thời gian này là thời gian đau đớn nhất cho người nhuộm răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, hai hàm răng lung lay gần như muốn rụng. Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó từ 7 đến 10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Ở thôn quê, người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng.

. Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới.

Đến sáng sẽ gỡ ra lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau đó phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua, để thải hết chất thuốc còn sót lại. Người nhuộm răng phải ngậm miệng suốt đêm, tránh để miếng thuốc nhuộm bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm. Khoảng thời gian đó người nhuộm răng chỉ được nuốt chửng thức ăn chứ không được nhai. Khi thấy răng có màu đỏ già (màu của cánh kiến) thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn 2 là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong 2 ngày.

Phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa được đốt hay nấu chảy, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng gọi là "giết răng". Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu.

Được bảo vệ cẩn thận răng nhuộm có thể giữ màu đen bóng 20, 30 năm. Muốn cho hàm răng lúc nào cũng đen nhánh thì độ một năm lại nhuộm bồi thêm một lớp. Răng không được chăm sóc sẽ bị phai màu, loang lổ gọi là "răng cải mả", trông không đẹp.

Tục nhuộm răng đen còn tồn tại mãi đến khi sang thế kỷ 20, khi nền văn hóa phương Tây xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, chúng ta mới phá bỏ tục lệ này.

Những người phụ nữ răng đem, da trắng đã đi vào trong thơ ca, điển tích của người Việt:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Cũng đủ hẳn biết, tục răng đen ngày trước quan trọng và thẩm mỹ như thế. Dù cho ngày nay, tục này đã lưu vào dĩ vãng và hình ảnh những người phụ nữ răng đen cũng ít ai nhắc đến nhưng nó vẫn mãi là một tập tục đẹp, ăn sâu vào tiềm thức và tâm hồn người Việt để đời sau nhớ mãi không quên.

Nam Châm/tổng hợp theo Wiki
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những phong tục xưa