Tung ảnh Kỳ Duyên ngủ trên máy bay là 'vi phạm pháp luật’

Ngày 01/07/2015 08:30 AM (GMT+7)

Những ngày qua, bức ảnh chụp Hoa hậu Việt Nam 2014 - Kỳ Duyên ngủ trên máy bay đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Từ chuyện này đặt ra vấn đề: Chụp và tung ảnh cá nhân của một người lên mạng mà không được sự cho phép của người đó được pháp luật điều chỉnh như thế nào?

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết pháp luật hiện hành quy định rõ việc sử dụng thông tin, hình ảnh liên quan đến bí mật đời tư của người khác phải được sự đồng ý của người đó.

Tung ảnh Kỳ Duyên ngủ trên máy bay là vi phạm pháp luật’ - 1

Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Pháp luật không phân biệt đối xử

Phóng viên: Có quan điểm cho rằng vì Hoa hậu Kỳ Duyên là người của công chúng nên việc chụp và đăng hình cô mọi lúc mọi nơi là điều bình thường. Hơn nữa máy bay là phương tiện công cộng, vì thế ở nơi công cộng họ có quyền chụp hình, đăng ảnh người khác một cách vô tư. Điều này có đúng không, thưa luật sư?

Luật sư Trần Minh Hùng: Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều 21 của Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Điều này có nghĩa dù là người của công chúng hay một người dân bình thường đều được pháp luật bảo vệ như nhau.

Tung ảnh Kỳ Duyên ngủ trên máy bay là vi phạm pháp luật’ - 2

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nghĩa là không thể viện cớ Kỳ Duyên là hoa hậu để tung ảnh cá nhân của cô ấy lên mạng bất kể cô có đồng ý hay không?

Chụp ảnh ở nơi công cộng thuộc quyền tự do của mỗi người nhưng hành vi sử dụng tấm ảnh cá nhân của người khác để tung lên mạng mà không được sự cho phép của người đó lại là vi phạm.

Trong vụ việc này, người chụp bức ảnh đó và đăng tải trên mạng xã hội mà không có sự cho phép của Kỳ Duyên, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh quy định rất rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm

Vậy pháp luật hiện hành xử lý như thế nào về những hành vi xâm phạm quyền nhân thân của người khác, cụ thể ở đây là việc sử dụng và đăng hình ảnh của người khác mà không được sự cho phép?

Theo quy định trong điều 25 Bộ luật dân sự năm 2005, người bị xâm phạm có quyền: Tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Trong vụ việc của Hoa hậu Kỳ Duyên, cần xác định rõ người đã chụp và đăng tải bức ảnh của cô. Bên cạnh đó, nếu muốn được bồi thường thiệt hại phải khởi kiện ra tòa. Thực tiễn cho thấy việc chứng minh thiệt hại, những tổn thất về mặt tinh thần lẫn vật chất không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, người bị xâm hại nếu muốn đòi lại quyền lợi của mình thì vẫn phải cương quyết theo đuổi vụ kiện tới cùng.

Cảm ơn luật sư!

Theo Ngọc Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan