12.75 điểm vào ngành Sư phạm: Nỗi lo chất lượng người thầy?

Ngày 01/08/2017 18:00 PM (GMT+7)

Chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai có bảo đảm khi điểm chuẩn đầu vào ngành Sư phạm ngày càng thấp?

12.75 điểm vẫn đỗ vào ngành SP

Ngày 31/7, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn. Bên cạnh các trường Top lấy điểm chuẩn cao kỷ lục thì một số trường ĐH có điểm chuẩn đầu vào quá thấp, nhất là ngành Sư phạm (SP) khiến nhiều người quan ngại.

Cụ thể như, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên là đơn vị có truyền thống đào tạo về ngành SP nhưng điểm chuẩn năm nay cao nhất vào trường chỉ là  20,5 với ngành Giáo dục mầm non, SP Ngữ văn là 17 điểm, SP Toán học 15,5 điểm, SP Lịch Sử 16,5 điểm…Còn các ngành SP khác như Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin Học, Âm nhạc có đồng điểm chuẩn 15,5.

12.75 điểm vào ngành Sư phạm: Nỗi lo chất lượng người thầy? - 1

Điểm chuẩn ĐH Sư phạm Thái Nguyên năm 2017

Đặc biệt, trường ĐH Sư phạm –ĐH Huế, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là SP Ngữ văn 17,5 điểm. Tiếp đó là ngành SP Địa lý 16,5 điểm, SP Toán học 16 điểm. Các ngành SP Vật lý, Lịch sử, Hóa học, Sinh học lấy ở ngưỡng rất thấp: 12.75 điểm.

12.75 điểm vào ngành Sư phạm: Nỗi lo chất lượng người thầy? - 2

Điểm chuẩn trường ĐH Sư phạm- ĐH Huế ở mức rất thấp.

Thảm thương nhất là ngành SP của các trường ĐH vùng, mức điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 chỉ bằng điểm sàn của Bộ.

“Điểm chuẩn thấp thể hiện sự thiếu hào hứng của thí sinh với ngành SP”

Lý giải nguyên nhân hiện nay ngành SP bị thí sinh “chê”, TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội bày tỏ: “Điểm chuẩn thấp thể hiện sự thiếu hào hứng của thí sinh với một nguyện vọng nào đó.

Điểm cao nhất, ổn định nhất trong nhóm các trường SP vẫn là trường ĐH SP Hà Nội và TP.HCM. Năm nay, với các ngành SP thì SP Toán và Ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất là 26,27 điểm.

Điểm chuẩn thấp nhất là 17 điểm đối với các ngành SP giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng – an ninh, SP tin học,…

Ngành SP từ xưa vẫn được coi là một ngành nghề có tính đặc thù cao. Với thanh niên 18 tuổi, nghề nghiệp có tính yên tĩnh, hơi thiếu thách thức dạng này thường khó có thể hấp dẫn”.

Ngoài ra, nghề giáo hiện nay được coi là nghề nhiều áp lực. Áp lực đến từ các cấp phòng sở, từ hiệu trưởng, đồng nghiệp, phụ huynh và xã hội. Đặc biệt, nghề “gõ đầu trẻ” bây giờ ít được coi trọng như xưa.

“Người ta hắt hủi và “soi” rất ghê. Có nhiều người sử dụng cách chụp mũ để quy kết giáo viên. Thậm chí, phụ huynh nổi khùng lên khi con mình bị trách mắng và sẵn sàng bêu xấu, vu khống nghề giáo”, TS Thu Hương nói.

Bên cạnh những vấn đề trên, câu chuyện tiền lương nghề giáo thấp chiếm một phần nguyên nhân khiến điểm chuẩn thấp. Nếu như mức lương của sinh viên ngành Kinh tế sau 5 năm ra trường có thể đạt 8-10 triệu đồng thì sinh viên SP chỉ từ 3-4 triệu đồng. Đồng thời, việc định hướng nghề ở bậc phổ thông chưa được rõ ràng.

12.75 điểm vào ngành Sư phạm: Nỗi lo chất lượng người thầy? - 3

Ảnh minh họa

Nhắc đến vấn đề chất lượng sinh viên sau khi ra trường, TS Thu Hương cho rằng: “Điểm thấp của mùa tuyển sinh năm nay chưa thể đánh giá chất lượng thí sinh kém. Nếu điểm chuẩn thực sự tương xứng với trình độ thật của thí sinh thì không phải là vấn đề quá lớn. Khi bạn có trách nhiệm và đam mê, việc học hành không bao giờ là muộn.

Điều lo ngại nhất là điểm chỉ là điểm ảo, trình độ thí sinh thấp hơn thế này rất nhiều. Khi đó, những giảng viên như chúng tôi chẳng có cách nào để vực bạn dạy kịp sau 4 năm học khi kiến thức và hiểu biết của họ quá kém”.

Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh