Bán đất gia tiên, thuê nhà trọ dạy học miễn phí

Ngày 20/11/2014 15:53 PM (GMT+7)

Nhiều khi, ông có ý định đóng cửa lớp học vì không có tiền để duy trì nhưng lại không nỡ.

Lớp học đặc biệt ở nhà trọ

Trong căn nhà tuềnh toàng, ông Đoàn Minh Hùng (SN 1962, Phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) cười bẻn lẻn khi có người hỏi về việc thiện nguyện đang làm. Ông chia sẻ, quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cách đây vài năm, vì cuộc sống khó khăn nên dắt díu vợ con lên Sài Gòn mưu sinh.

Năm 2010, ông chuyển đến một nhà trọ ở quận Bình Tân để bám khu chợ mới xây. Khu vực này là nơi có nhiều gia đình ở các tỉnh sống. Do đó, có rất nhiều trẻ em. Lũ trẻ ở đây không được học hành. Có đứa đi bán vé số, có đứa đi đánh giày, lại lắm đứa ở nhà.

Bán đất gia tiên, thuê nhà trọ dạy học miễn phí - 1

Ông Hùng bên lớp học của mình

Lúc về nhà, thấy lũ trẻ chơi đùa, đánh lộn lại dùng nhiều từ ác ý để miệt thị nhau khiến ông Hùng buồn hiu. Ông suy ngẫm: “Nếu chúng cứ tiếp tục như thế thì lớn lên trước sau gì cũng trở thành đầu trộm đuôi cướp”. Một đêm, thấy hai đứa con ngồi học bên ánh điện leo lét, chợt, ông nảy sinh ý kiến “hay là mở lớp dạy chữ cho bọn nhỏ”. Bởi, buổi ngày, chúng mưu sinh, buổi đêm lại đến lớp thì sẽ không có thời gian nhàn rỗi đánh lộn, chửi bới nhau. Trong khi đó, chúng lại được học lời hay ý đẹp.

Sáng sớm hôm sau, ông trình bày ý kiến này với vợ và được sự đồng ý. Tuy nhiên, điều khiến ông băn khoăn là đi làm thuê, tiền đâu mua bàn ghế, sách vở để dạy cho bọn trẻ. Vợ ông thấu hiểu tâm tư của chồng nên vay mượn một số người bạn được ít tiền để mua những vật dụng này. Từ đó, lớp học tình thương của ông hình thành.

Ban đầu, lớp chỉ có 6 em, là con của các gia đình trong khu nhà trọ. Hàng đêm, cứ 18 giờ 30 ông lại lên lớp. Ông lo vì mình không có nghiệp vụ sư phạm nên khi truyền đạt bọn trẻ sẽ không hiểu. Ông mua sách cũ để trau dồi thêm. Từ đó, ông kiên trì cầm tay từng em để dạy viết chữ. Ông nhẹ nhàng khuyên nhủ các em phải học thuộc bảng chữ cái, bảng cửu chương…

Chưa đầy hai tháng, lớp học ấy đã được sự hưởng ứng của các bậc phụ huynh ở lân cận. Số lượng học sinh của ông ngày một tăng. Nhiều em đã qua tuổi 15 vẫn đến xin học chữ để có thể tự viết tên mình. Ông hạnh phúc khi thấy những đứa trẻ không còn đánh lộn, chửi bậy, thay vào đó là cặm cụi viết chữ, ôn luyện bảng chữ cái.

Tấm lòng thơm thảo

Thời gian trôi, số lượng học sinh có lúc lên đến 80. Dãy trọ thì vẫn vậy, không thể chứa hết. Ông đau đáu, lại buồn về việc nhiều em không có chỗ ngồi học. Ông bàn với vợ con về việc bán mảnh đất gia tiên ở quê để thuê căn nhà mới ở và làm lớp học cho bọn trẻ. Vợ và con ông hơi lưỡng lự trong giây lát. Tuy nhiên, sau đó, họ cũng đồng ý.

Ông về quê trình bày ý định của mình cho người thân. Thấy được tấm lòng thơm thảo của ông nên họ cũng chấp nhận. “Cầm hơn 200 triệu trong tay tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì có tiền, có lớp cho các em học. Buồn vì phải bán mảnh đất ông cha để lại”, ông Hùng nhìn xa xăm.

Bán đất gia tiên, thuê nhà trọ dạy học miễn phí - 2

Nhiều lúc, ông Hùng từng nghĩ đến việc đóng cửa lớp học nhưng lại không nỡ thực hiện

Gạt qua rầu rĩ, ông thuê một căn nhà mới ở đường Liên khu 5-11-12 (khu phố 5). Lớp học cũng được chuyển về đây. Phần tiền còn lại, ông mở một quán cơm chay với giá bán 8.000 đồng một suất. Tiền lời từ quán cơm ông đổ dồn hết vào duy trì lớp học.

Chuyển sang chỗ mới, tiền trọ nhiều, vợ chồng ông phải lao động cật lực hơn. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, ông chở vợ đi lấy rau ở chợ đầu mối về bán ở chợ gần nhà. Riêng ông, buổi ngày đi sửa cân dạo ở các chợ khắp Sài Gòn. Tối về, ông đứng lớp dạy học trò. Lớp học vừa tan, ông lại đẩy chiếc xe đi bán đĩa…

Có nhiều đứa trẻ lang thang tìm đến. Chúng không có gia đình, sống lay lắt bên vỉa hè. Thấy tội, vợ chồng ông lại đem về nuôi. Có đứa còn không đi di chuyển được, vợ ông phải chăm sóc từ miếng cơm đến việc đi vệ sinh. Đến nay, vợ chồng ông đã có thêm 8 đứa con cơ nhỡ như thế. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm một cụ già không thân thích.

Mỗi đêm, căn nhà trọ của ông luôn tràn ngập tiếng cười, tiếng đánh vần của lũ trẻ. Do số lượng học sinh gần 100 em, ông không thể đứng lớp xuể nên hai con là Đoàn Nguyễn Bách Tùng (SN 1990) và Đoàn Nguyễn Thiên Ân (SN 2001) phụ cha chia thành ba lớp để dạy.

Ông Hùng kể, nhiều khi, sức cùng lực kiệt, ông còn đủ kinh phí để duy trì nên định đóng cửa lớp học. Tuy nhiên, khi thấy các em hồn nhiên, say mê đánh vần, cặm cụi ngồi viết chữ là ông lại không nỡ.

Nhật Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11