Tiền điện tăng vọt: Lãnh đạo EVN nói dân phải... tự kiểm soát (?!)

Ngày 11/07/2015 10:23 AM (GMT+7)

Đó là câu trả lời của ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại cuộc tọa đàm trực tuyến về điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, được Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đăng tải chiều 10.7.

Lại bảo dân “bắc thang lên trời” hỏi...

Lý giải về tiền điện của người dân tăng vọt thời gian gần đây, ông Đinh Quang Tri cho biết, mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả càng cao. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Tiền điện tăng vọt: Lãnh đạo EVN nói dân phải... tự kiểm soát (?!) - 1

Nhân viên điện lực Hà Nội kiểm tra chỉ số điện tại phố Yên Thái, phường Hàng Gai.   Ảnh:  Mạc Li

Ông Tri ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nếu dùng lên 450kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.

“Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả”-ông Tri nói.

Lý giải về biểu giá điện lũy tiến khiến người dân dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền và tiền điện bị tăng cao (khác với các mặt hàng khác là càng dùng nhiều càng rẻ), ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng phân trần, điện là một hàng hóa đặc biệt. Các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt, Việt Nam cũng không ngoại lệ với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ông Tuấn Anh cũng khẳng định: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt.

Với cách giải thích trên của nhà đèn, trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long một lần nữa cho rằng, ngành điện đang muốn người dân “bắc thang lên trời!”. “Người dân thắc mắc ở đây là họ đã tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện, vào mở đèn, ra tắt đèn, thậm chí có hộ phản ánh đi vắng mà tiền điện phải trả vẫn tăng vọt”-ông Long nói. Thực tế theo ông Long, tiền điện của người dân tăng vọt chính là hệ quả của việc tăng giá điện tới 7,5%, đồng thời việc thiết kế lại bậc thang từ 7 còn 6 bậc và thu hẹp biểu giá điện thấp từ 100kWh xuống chỉ còn 50kWh ngay trước thời điểm nắng nóng là nguyên nhân chính khiến tiền điện của người dân tăng vọt.

Ông Long còn cho rằng, công tác ghi-nhập tiền điện và các chi phí tính vào giá điện cho đến nay (như tổn thất thương mại điện cho trộm cắp điện cũng đang được tính vào giá điện, phí thu tiền điện 1.000 đồng…), chính xác hay không chỉ có ngành điện mới nắm rõ được!.

Cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn điện?

Có ý kiến cho rằng hoá đơn điện cần phải được giám sát, kiểm định. Bởi nhiều hộ dân gửi đơn khiếu nại đến cơ quan điện lực nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng vì Việt Nam chưa có cơ quan độc lập kiểm định hóa đơn tính tiền điện. Về ý kiến này, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Theo quy định tại Luật Điện lực, khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện thì các khách hàng sử dụng điện có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng và hiện nay theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chính là các Sở Công Thương.

“Khi khách hàng có thắc mắc về công tơ, về hóa đơn tiền điện, cách tính hóa đơn tiền điện, cách tính chỉ số công tơ thì hoàn toàn có quyền kiến nghị trực tiếp đến đơn vị bán lẻ điện”-ông Tuấn Anh nói. Trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các công ty điện lực này thì khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương.

“Như vậy, với quy định của Luật Điện lực hiện nay chúng ta đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng”- ông Tuấn Anh nói rõ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, chưa thể nói Việt Nam có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện. “Ngành điện hiện nay đang trực thuộc quản lý của ngành công thương, xưa nay EVN nói gì thì Bộ Công Thương ủng hộ thế, làm sao người dân có thể cho là độc lập được”-ông Thắng nói. Theo ông Thắng, ngay cơ quan kiểm toán hôm qua cũng mới chỉ “dè dặt” công bố “sẽ kiến nghị đưa việc kiểm toán giá điện vào kế hoạch kiểm toán năm 2016 và cho biết, quyết định có kiểm toán giá điện hay không thì phải chờ đến 31.12.2015 mới trả lời chính xác được”.

“Tất cả cho thấy, việc minh bạch, công khai giá điện, hóa đơn tiền điện với người dân có thể còn lâu mới có thể đạt được”-ông Thắng nói.

 Theo báo cáo của EVN, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua nhu cầu của cả hệ thống điện có ngày tăng trên 520 triệu kWh/ngày. Thông thường thì lượng tiêu thụ điện thường dưới 500 triệu kWh. Chính vì mức độ tiêu thụ điện kể cả sản xuất lẫn tiêu dùng tăng vọt là một nguyên nhân khách quan khiến tiền điện của người dân tăng vọt.   

Theo Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot