5 sai lầm thường gặp khi sử dụng bình sữa

Ngày 10/07/2017 15:02 PM (GMT+7)

Một số người cố ý pha sữa đặc để trẻ bú lượng ít nhưng nhận được nhiều chất dinh dưỡng, hoặc có người lại pha loãng sữa để “mau tiêu”, hạn chế tiêu chảy…

Pha sữa đặc hơn hoặc loãng hơn hướng dẫn

Một số người có ý pha sữa đặc để trẻ bú lượng ít nhưng nhận được nhiều chất dinh dưỡng, hoặc có người lại pha loãng sữa để “mau tiêu”, hạn chế tiêu chảy… Thật ra tất cả những điều trên đều không đúng. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng như nhà sản xuất sữa đã có những nghiên cứu rất kỹ về sản phẩm sữa sau khi được pha. Nồng độ thẩm thấu của sữa cũng như tỉ lệ cân đối giữa các thành phần trong sữa đã được tính toán gần đúng như sữa mẹ, sữa tươi để thuận lợi nhất cho sự tiêu hóa và hấp thu hoàn toàn các chất dinh dưỡng vào cơ thể, kể cả thành phần nước.

Vì vậy, sữa quá đặc sẽ “khó tiêu” và “tiêu không hoàn toàn”, còn sữa loãng sẽ không đủ dinh dưỡng để nuôi trẻ. Những trường hợp phải pha sữa khác với hướng dẫn phải có chỉ định của bác sĩ, thường chỉ dùng trong thời gian ngắn với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

5 sai lầm thường gặp khi sử dụng bình sữa - 1

Ảnh minh họa

Pha sữa bột với nước quá nóng hoặc quá nguội

Thành phần của chất dinh dưỡng trong sữa được đo đạc và công bố khi sữa bột đã được pha hoàn tươi. Điều cần lưu ý là một số chất dinh dưỡng như lysin, acid folic, các vitamin nhóm B… dễ bị hư hỏng, mất tác dụng ở nhiệt độ cao.

Vì vậy, nếu bạn pha sữa nóng hơn nhiệt độ đã hướng dẫn thì sẽ mất chất. Pha sữa với nước nguội thì sữa sẽ không tan hết, sau khi trẻ bú sẽ thấy các cục sữa nhỏ đóng đầy trên thành bình mà không vào hết cho trẻ. Thường nước ấm độ 40-600C là đủ, bạn có thể pha 2/3 nước nguội với 1/3 nước sôi để có nhiệt độ trên, cho sữa vào và lắc bình nhiều lần cho sữa tan hết (không thấy sữa đóng cục trên thành bình), để sữa nguội bớt và trẻ có thể bú ngay.

Vặn nắp bình sữa quá chặt khi cho trẻ bú

Một nguyên tắc vật lý xảy ra khi sữa được mút từ bình vào miệng trẻ thì không khí từ bên ngoài phải đi vào trong bình sữa, tức là bé chỉ bú tốt khi thấy nhiều bọt sữa lớn trào lên trong bình. Nếu ta vặn nắp núm vú quá chặt thì bé sẽ phải mút rất mạnh mới lấy sữa ra được, sẽ rất tốn sức, lại bú ít và bú chậm. Trước khi cho bú, bạn nên vặn nắp núm vú lỏng ra hoàn toàn sau đó vặn ngược chiều lại vừa sít nhẹ là được. Dù trẻ bú còn ít nhưng không nên dùng bình sữa nhỏ xíu 60ml mà nên mua loại trung 140ml để trẻ dễ bú.

5 sai lầm thường gặp khi sử dụng bình sữa - 2

Không nên vặn nắp bình sữa quá chặt trước khi cho trẻ bú.

Pha sẵn một bình đầy sữa để cho trẻ uống dần trong đêm

Cách này thì rất thuận tiện cho mẹ và cho... vi trùng, vì vậy sẽ không tốt cho con. Khi trẻ ngậm núm vú, nước miếng sẽ lưu lại trên núm và có thể vào trong bình sữa, vì vậy sữa sẽ bị ôi thiu nhanh hơn là khi núm vú đã tiệt trùng chưa được ngậm.

Sữa là một môi trường rất tốt để vi trùng phát triển nhanh chóng. Chỉ cần 2 giờ, vi trùng sẽ sinh sản 210 lần. Tốt nhất là pha sữa vừa đủ với cữ bú của trẻ và cho bú ngay sau khi pha. Bình sữa sau khi pha chỉ để tối đa 1-2 giờ với điều kiện luộc sôi bình, kỹ thuật pha sữa đúng và trẻ chưa mút vú. Nếu trẻ đã ngậm vú thì phải bú hết trong vòng 15-30 phút.

Lưu trữ bình sữa trong tủ lạnh hoặc dùng bình ủ ấm

Bình ủ ấm chỉ có tác dụng giữ ấm lâu chứ không có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng. Việc trữ sữa trong tủ lạnh giúp kìm hãm sự phát triển của vi trùng, nhưng không nên để lâu quá 2-3 giờ. Trước khi cho bú, bạn cần làm ấm lại bằng cách ngâm bình trong nước ấm.

Sữa là thực phẩm rất hoàn hảo, nhưng đừng để chính bình sữa mang lại bệnh tật cho trẻ. Chúc mẹ và bé vui khỏe!

Theo BS. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách