Bé chưa biết nói, mẹ chỉ nhìn những hành động này cũng đoán được ý con

Ngày 02/09/2017 15:40 PM (GMT+7)

Hiểu được ngôn ngữ cơ thể của bé giúp mẹ đáp ứng nhu cầu cho con nhanh và chính xác hơn.

Trẻ đã có thể giao tiếp với bố mẹ trước cả khi biết nói. Con có khả năng thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau từ hạnh phúc đến buồn bã qua các cử chỉ, điệu bộ cơ thể. Bởi vậy đọc vị được ngôn ngữ cơ thể của con sẽ giúp mẹ hiểu được con cần gì để đáp ứng nhanh chóng. Sau đây là những gợi ý giúp mẹ hiểu con hơn.

1. Đá chân

Bé sẽ đá chân khi cảm thấy hạnh phúc. Đó là cách để bé thể hiện sự phấn khích và vui vẻ của mình. Mẹ sẽ thấy bé thường đá chân trong lúc tắm hoặc khi được mẹ chơi đùa cùng.

Bé chưa biết nói, mẹ chỉ nhìn những hành động này cũng đoán được ý con - 1

Đá chân là cách bé thể hiện niềm vui. Ảnh minh họa.

Điều mẹ nên làm: Đá chân giúp cơ bắp của bé phát triển rất có lợi cho việc bò sau này. Bởi vậy, mẹ hãy khuyến khích con đá chân thường xuyên bằng cách dành nhiều thời gian chơi với bé hơn.

2. Dụi và che mắt

Ú òa là một trò chơi rất được các bé yêu thích. Từ 8 đến 9 tháng tuổi bé đã có thể tự chơi ú òa một mình. Nếu bé che mắt và không có dấu hiệu buồn ngủ thì có nghĩa là bé đang muốn chơi.

Ngoài ra, cũng giống như người lớn, bé sẽ dụi mắt khi mệt và buồn ngủ.

Điều mẹ nên làm: Nếu bé muốn chơi ú òa thì mẹ hãy cùng tham gia trò chơi. Quan sát các biểu hiện trên mặt bé và phản ứng lại. Nếu bé có dấu hiệu mệt và buồn ngủ thì mẹ nên đưa con vào phòng để ru ngủ.

3. Dang rộng tay

Hành động dang tay nghĩa là bé đang trong tâm trạng thoải mái. Khi đó bé thường cảm thấy thư giãn và muốn khám phá thế giới xung quanh. Đây là thời gian thích hợp để cho bé ra ngoài chơi. Dang rộng tay cũng thể hiện việc bé muốn được mẹ bế và cưng nựng.

Bé chưa biết nói, mẹ chỉ nhìn những hành động này cũng đoán được ý con - 2

Khi bé vui vẻ là thời gian thích hợp để ra ngoài chơi. Ảnh minh họa.

Điều mẹ nên làm: Mẹ hãy tranh thủ tâm trạng vui tươi của bé để cùng nhau ra ngoài chơi. Mẹ có thể mang theo đồ chơi của bé rồi cùng đi mua sắm và dạo đường phố. Bé sẽ rất thích thú khi được ra ngoài trong lúc này.

4. Kéo tai

Kéo tai có thể là cách bé thể hiện sự phấn khích khi khám phá ra đôi tai của mình. Tuy nhiên bé cũng có thể kéo tai khi mọc răng. Nế con khóc và ôm lấy tai thì bé có thể bị nhiễm trùng tai.

Điều mẹ nên làm: Mẹ cần chú ý các biểu hiện của con để biết chính xác con gặp vấn đề gì. Nếu bé đang mọc răng thì phải giúp bé thấy thoải mái nhất. Khi bé khóc và ôm tai mẹ cần đưa con đến bác sĩ kiểm tra.

5. Khóc to

Có rất nhiều lý do khác nhau khiến trẻ sơ sinh khóc như đói, buồn ngủ, mọc răng, sợ hãi, tã bẩn, thời tiết nóng và lạnh. Khi bé được 6 đến 8 tháng tuổi bé có thể khóc khi bố mẹ rời phòng vì cảm thấy sợ hãi.

Điều mẹ nên làm: Nếu bé khóc vì sợ ở một mình mẹ nên nói chuyện, trấn an bé giảm lo lắng. Nếu bé khóc vì nguyên nhân khác mẹ cần chú ý theo dõi để để có cách giải quyết hợp lý.

6. Xoắn tóc

Bé có thể xoắn tóc của mình khi cảm thấy lo lắng với xung quanh, như khi có một người giữ trẻ mới hay một nhóm người ồn ào ở trong phòng. Đó là cách tự vệ của bé.

Điều mẹ nên làm: Mẹ nên đưa cho bé món đồ chơi yêu thích để trấn an. Mẹ cũng có thể nói chuyện để dỗ dành bé bớt lo lắng.

7. Mỉm cười

Từ 6 đến 8 tuần tuổi, bé bắt đầu nở nụ cười đầu tiên. Nó thường thể hiện cho sự thỏa mãn khi được ăn no. Khi bé lớn hơn, bé sẽ cười có kiểm soát hơn và thường cười với người thân.

Bé chưa biết nói, mẹ chỉ nhìn những hành động này cũng đoán được ý con - 3

Bé thường mỉm cười khi ở cạnh ba mẹ. Ảnh minh họa.

Điều mẹ nên làm: Khi bé mỉm cười lần đầu, mẹ hãy cười lại với con và khen ngợi con. Dù bé chưa hiểu bạn nói gì nhưng bé sẽ cảm nhận được.

8. Bập bẹ nói chuyện

Giữa hai và ba tháng tuổi bé đã biết nói chuyện lại với bố mẹ bằng cách ê, a. Khoảng 4 đến 6 tháng tuổi, bé sẽ thử nghiệm nhiều hơn với việc này. Bé sẽ bắt đầu nói nhiều hơn và thử cách thêm các nguyên âm và phụ âm khác nhau. Gọng nói của bé sẽ thể hiện rất nhiều cảm xúc từ hạnh phúc, háo hức, hài lòng đến tức giận.

Điều mẹ nên làm: Mẹ hãy nói chuyện nhiều với bé. Đơn giản mẹ chỉ cần mô tả lại những điều mình đang làm như “Mẹ sẽ nước vào bồn tắm của con nhé!” hay là “Đây là con bướm xinh đẹp”. Khuyến khích con nói chuyện bằng cách bắt chước những âm thanh của con. 

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. 

Lê Ánh (Dịch từ Edition)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách