Trẻ nhiễm độc chì sẽ giảm IQ

Ngày 03/08/2014 14:31 PM (GMT+7)

Vịn vào tường hay bàn, ghế, cửa có nhiều sơn sau đó mút tay, thậm chí gặm sơn tường có thể khiến trẻ bị nhiễm độc chì.

Hỏi:

Con tôi 11 tháng tuổi và mới bắt đầu tập đi. Thế nên, bé thường thích vịn tay vào tường hay bàn, ghế, cửa… để bước từng bước một. Điều tôi lo lắng là cháu lại rất hay cho tay vào miệng ngậm (giống như rất nhiều bé khác). Tuy nhiên, tôi được biết trong sơn tường, sơn cửa,… vốn chứa nhiều chì. Tôi không biết nó có ảnh hưởng đến sức khỏe của con không, và mức độ ảnh hưởng như thế nào ạ?

Chuyên gia trả lời:

Những loại sơn cửa, sơn tường,... thường là nguyên nhân làm cho bé bị nhiễm độc chì, và còn nguy hiểm hơn nếu đó là loại sơn gốc chì. Thông thường, các mẩu sơn sẽ rất dễ bị tróc ra mỗi khi bố mẹ đóng, mở cửa hoặc làm sứt tường và sẽ làm phân tán trong không khí. Với những trẻ nhỏ, nhất là bé mới tập đi, mới mọc răng, việc tiếp xúc với sơn tường, sơn cửa là điều diễn ra thường xuyên, vì bé không chỉ hay bám tường, vịn cửa,… rồi mút tay; mà bé còn có xu hướng ngậm, cắn bất cứ thứ gì có trong tay nữa. Nguy hiểm hơn, những mảnh vụn sơn chì lại thường có vị ngọt khiến trẻ thích thú, điều đó thực sự rất nguy hiểm với con. Việc nuốt hay thậm chí là hít không khí có các phần tử chì cũng khiến trẻ có nguy cơ ngộ độc.

Trẻ nhiễm độc chì sẽ giảm IQ - 1
Bố mẹ cần tránh để bé tiếp xúc với sơn tường hay đồ vật chứa chì. (Ảnh minh họa)

Lượng chì trong máu cao sẽ khiến trẻ bị khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển, làm giảm chỉ số IQ và khả năng học tập của con. Bé cũng có thể có một số hành vi bất thường (như quá kích động, hung dữ, chểnh mảng), đồng thời khả năng nghe của bé cũng bị ảnh hưởng một phần. Ngoài ra, nhiễm độc chì có thể khiến bé mắc bệnh thận, thiếu máu, thậm chí là gây tử vong ở trẻ.

Vì thế, nếu bố mẹ đang lo lắng vì lỡ để con tiếp xúc nhiều với chị, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn, kiếm tra nồng độ chì trong máu con. Ngoài ra, bố mẹ cần có các biện pháp để phòng tránh ngộ độc chì cho bé, ví dụ:

- Giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Lau bụi và những mạt sơn tróc bằng khăn ẩm.

- Đảm bảo giường, cũi, đồ chơi không nhiễm chì.

- Nếu bé còn nhỏ, cần trông chừng để bé không liếm (gặm, mút) những bề mặt sơn như cũi, đồ nội thất, chấn song cửa sổ, đồ chơi sơn màu…

Bố mẹ cũng cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho con, nhất là sau khi vui chơi, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Đó là những cách hữu ích để bảo vệ an toàn cho con.

H.Đ/ Theo Thebump
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em