Bí quyết mẹ Việt dạy con 2 tuổi đọc thông thạo

Ngày 27/08/2014 15:34 PM (GMT+7)

Nhờ áp dụng phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman cho con nên bé Joe nhà chị Tuyết Lê đã có thể đọc chữ khi mới 26 tháng tuổi.

Biết đến phương pháp Glenn Doman – phương pháp giáo dục sớm chú trọng vào phát triển vận động đi đôi với phát triển não bộ – khá muộn, nhưng vì rất tâm đắc với nó nên chị Tuyết đã dành thời gian tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu tài liệu để áp dụng cho con. Không ngờ, việc chăm chút, đầu tư cho Joe từ những ngày đầu chưa biết gì đến nay, chị đã gặt hái được thành quả ngoài mong đợi.

Bé Joe (Nguyễn Vũ Anh) tuy mới 26 tháng nhưng rất lanh lợi, thông mình; nhất là bé đã có thể cầm giấy có in lời bài hát và hát theo, nắm được hết số từ 0 đến 100 và đọc được lượng từ 0 đến 10 mà không cần đếm. Hiện tại, bé Joe đang trong giai đoạn đọc sách tiếng việt - sách chữ to mà mẹ tự in ra. “Sách dạng mini mẹ in là Joe đọc được hết, chỉ thỉnh thoảng có từ còn ngắc ngứ thôi. Còn đọc thẻ thì con đọc được lâu rồi” – Chị Tuyết cho biết.

Chị biết đến phương pháp này như thế nào ạ?

Tôi biết đến Glenn Doman qua… facebook và tò mò tham gia, vì giống như nhiều mẹ khác, tôi cũng rất muốn học cách nuôi dạy con sao cho thật tốt. Lúc đó cũng hơi muộn vì Joe đã 13 tháng rồi. Nhưng tìm hiểu về nó tôi thấy rất hay nên... đánh liều tham gia một khóa học để hiểu đúng về phương pháp rồi mới dám về áp dụng.

Bí quyết mẹ Việt dạy con 2 tuổi đọc thông thạo - 1
Bé Joe chơi trò phân loại màu vào từng tờ giấy đã ghi tên chữ màu đó và ráp số tương ứng với số lượng ống đã đặt vào.

Khi học xong rồi, tôi vẫn đọc lại sách, tìm hiểu nguồn mua học liệu rồi mới bắt tay vào làm và dạy cho con. Nói chung, ban đầu còn thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ thường xuyên trao đổi với các mẹ khác cùng áp dụng phương pháp này nên tôi dần thấy tự tin hơn.

Glenn Doman là một phương pháp giáo dục sớm còn khá mới mẻ với các mẹ ở Việt Nam, vậy chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp này, cũng như quá trình dạy con của chị như thế nào được không?

Đây là phương pháp giáo dục sớm chú trọng vào phát triển vận động đi đôi với phát triển não bộ, có sử dụng các học liệu như những chiếc thẻ (flashcards) làm bằng bìa cứng, những dụng cụ vận động như xà đu để con tập đu, leo trèo cùng 1 số dụng cụ đơn giản để kích thích các giác quan cho trẻ sơ sinh.

Bộ thẻ thì gồm có thẻ đọc, thẻ toán; ngoài ra còn bộ chấm đen cho trẻ sơ sinh. Thẻ đọc có các cấp độ từ thẻ đọc từ đơn, thẻ từ đôi (từ ghép), thẻ cụm từ/câu, và cuối cùng là tập đọc sách. Thẻ Toán gồm bộ thẻ chấm (Dotcard) có các chấm từ 0-100; bộ thẻ số có các số từ 0-100 và dấu các phép tính.

Flashcard dùng trong các lĩnh vực dạy toán, đọc, tri thức bách khoa và cả kích thích thị giác cho trẻ, dựa vào khả năng chụp hình của não phải; theo đó, bé ghi nhớ thông tin rất nhanh bằng cách chụp hình lại, sau đó tổng hợp quy luật theo các chủ đề mẹ dạy (trong Glenn Doman thì phải dạy theo chủ đề). Nhờ việc tổng hợp quy luật mà trẻ có thể liên kết thông tin và khi học được 1 số lượng từ nhất định (cần thiết là học tất cả các vần) thì trẻ có thể đọc được từ mà chưa học bao giờ. Lúc đó khả năng tự đọc của con đã được hình thành.

Về quá trình dạy cho Joe, tôi dạy bé mỗi ngày 3 lần (có thể gọi là 3 buổi). Đối với thẻ đọc thì dạy tối đa 25 thẻ/ngày chia ra 5 chủ đề, mỗi chủ đề cách nhau 15 phút. Với thẻ toán thì dạy 10 thẻ/ngày chia 2 bộ, mỗi bộ  cách nhau 15 phút; còn với thẻ hình thì tối đa 100 thẻ/ngày chia 10 chủ đề, mỗi chủ đề cũng cách nhau 15 phút. Mẹ dùng các tấm thẻ tráo thật nhanh đảm bảo ít nhất 1 hình/ giây để con nắm bắt thông tin bằng cách chụp hình.

Nghe có vẻ hơi nhiều nhưng với tốc độ tráo thẻ 1 hình/ 1 giây thì tổng số thẻ dạy chỉ có vài phút mà thôi. Tất nhiên, mẹ có thể lựa khi nào trẻ vui vẻ và hào hứng thì dạy, không nhất thiết là phải chia theo buổi sáng, trưa hay chiều.

Trẻ con thường thích chơi hơn học, vậy khi áp dụng phương pháp giáo dục sớm này, bé Joe có hưởng ứng không hay tỏ ra phản đối?

Trẻ con thường thích cái mới, lạ nên thường bé nào cũng hưởng ứng, Joe nhà tôi cũng vậy. Nhưng nếu mẹ không đổi mới nội dung bài học, tráo thẻ thật nhanh và thu hút con, cũng như kết hợp vận động thì trẻ rất nhanh chán. Bản chất cái thẻ vô tri nó rất khô khan. Vì thế trong giai đoạn đầu, tôi luôn dùng từ “chơi” thẻ với con, để bé hiểu đó như một trò chơi và không tạo áp lực cho cả mẹ lẫn con.

Sau này, khi con quen và thích thẻ, yêu thẻ rồi thì dùng từ “học” hay “chơi” đều được, con đều chấp nhận vì thấy hứng thú. Joe bây giờ rất thích được đi học. Cứ nói đến đi học có cô giáo đáng yêu, các bạn dễ thương, có chữ, có số, hình, bóng, đồ chơi... là con thích lắm!

Bí quyết mẹ Việt dạy con 2 tuổi đọc thông thạo - 2
Chị Tuyết Lê chia sẻ, chính Joe mới là "thầy" vì chị đã học được rất nhiều trong quá trình dạy con

Nói như vậy có nghĩa là vai trò của người mẹ là rất quan trọng để quyết định sự thành công của phương pháp?

Đúng vậy. Bản thân người mẹ cũng phải cảm thấy hứng thú với việc dạy con, hứng thú với phương pháp này thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Theo phương pháp này thì người mẹ rất quan trọng, dù thực ra con mới chính là “thầy”; vì từ trong quá trình dạy con (thực ra là chơi với con), mẹ cũng học được rất nhiều điều, nhất là học về thế giới xung quanh. Có nhiều điều mẹ không biết và  phải mày mò tìm hiểu. Vì phương pháp này không cho phép dạy con sai. Chỉ dạy cái gì mình biết và nó đúng, còn không biết thì khỏi dạy.

Không mong ước con thành thần đồng

Nhiều mẹ áp dụng phương pháp này với kì vọng rằng con sẽ trở nên thông minh vượt trội. Chị có cùng mục đích đó không?

Khi áp dụng phương pháp này, mục đích lớn nhất của tôi là khơi mở được khả năng tiềm tàng của con, kích hoạt não phải của con một cách tốt nhất trong giai đoạn vàng 0-3 tuổi. Chứ tôi không kì vọng quá nhiều, cũng hoàn toàn không mong ước con trở thành thần đồng gì cả. Quan trọng là con đã phát triển, tiến bộ vượt bậc so với chính bản thân và khả năng vốn có của con.

Bí quyết mẹ Việt dạy con 2 tuổi đọc thông thạo - 3
Joe học đếm qua trò chơi nặn đất thú vị

Mục tiêu cao cả của phương pháp là để con thấy thích việc học, để sau này con không cảm thấy học là gánh nặng, áp lực hay trách nhiệm mà là niềm vui, sự đam mê được khám phá, tìm hiểu tri thức, thế giới xung quanh.

Tôi cũng mong bé sau này dễ dàng tiếp thu được văn mình của nhân loại nên cần thiết phải cho bé biết chữ sớm. Khi đó bé sẽ yêu thích việc đọc sách, mà có đọc sách mới tiếp cận tri thức tốt được. Con cũng sẽ không thấy việc học hay đọc là nhàm chán khô khan mà luôn vui vẻ, thích thú khi đọc hay làm toán.

Coi trọng việc học tiếng Anh

Bên cạnh việc dạy tiếng Việt cho con, chị còn dạy Joe cả tiếng Anh nữa. Chị có nghĩ rằng học tiếng Anh sớm mang lợi nhiều lợi ích cho bé?

Tất nhiên, học ngoại ngữ sớm có nhiều cái lợi, vì trẻ học ngôn ngữ tốt hơn người lớn học nhiều. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ có thể tiếp thu tới 5 ngôn ngữ cùng 1 lúc. Có điều tôi chỉ biết tiếng Anh và tiếng Pháp, mà tiếng Pháp lâu không sử dụng nên… rơi rụng nhiều rồi (cười), vì thế tôi chỉ dạy tiếng Anh cho Joe.

H.Đ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bố mẹ đảm nuôi con ngoan