Cách đơn giản nhận biết bé nhà bạn bị nhiễm giun

Ngày 25/06/2016 10:32 AM (GMT+7)

Con tôi năm nay 3 tuổi rất hay kêu đau bụng, buồn nôn, bụng chướng.

Con tôi năm nay 3 tuổi rất hay kêu đau bụng, buồn nôn, bụng chướng. Da cháu cũng không được hồng hào mà hơi xanh. Tôi nghi cháu bị nhiễm giun. Mong chuyên mục tư vấn làm sao để biết cháu có bị nhiễm giun hay không?

Hà Lan (Vĩnh Phúc)

Bạn có thể nhận biết con bị nhiễm giun với các dấu hiệu sau: Trẻ kêu lâm râm đau bụng, trướng bụng, có thể mất cảm giác ngon miệng. Nếu trẻ nhiễm giun nặng có thể gây thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa, biếng ăn, giảm cân dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Các loại giun kí sinh ở người, cụ thể:

Giun kim cư trú ở ruột già. Nhiễm giun kim hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây ngứa xung quanh vùng hậu môn. Giun cái chui ra trong đêm và đẻ trứng gần hậu môn gây ngứa làm trẻ khó ngủ, đi tiểu có thể bị đau, trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng đôi khi có lẫn máu và chất nhầy. Do ngứa nên trẻ gãi nhiều, làm hậu môn xây xát dễ nhiễm khuẩn. Có thể phát hiện thấy giun kim ở hậu môn vào buổi tối khi trẻ ngứa.

Giun đũa thường cư trú ở ruột non. Trẻ bị nhiễm giun đũa hay đau bụng quanh rốn, có thể bị tiêu chảy, nôn ra giun, đi ngoài ra giun. Khi bị nhiễm nặng có thể gây tắc ruột, viêm ruột thừa. Sốt và ho khan có thể phát hiện trong vòng 4-16 ngày sau khi tiếp xúc với trứng giun.

Giun tóc cư trú ở ruột già. Khi nhiễm nhiều giun tóc thì mới có biểu hiện rõ các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Nếu nhiễm nặng sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột già gây hội chứng lỵ. Trẻ đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần phân ít có chất nhầy lẫn máu, nặng hơn có thể gây trĩ, sa trực tràng.

Giun móc cư trú ở đoạn trên ruột non. Miệng giun bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình một con giun móc có thể hút 0,2 ml máu/ngày. Đường lây nhiễm giun móc do ấu trùng chui qua da hoặc đường miệng sau khi ăn phải ấu trùng từ rau sống, tay bẩn, đất cát... Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ lớn, sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất, cát và phân bón… Tại chỗ ấu trùng chui qua da, có nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ. Ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng. Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu điều trị không kịp thời, trẻ có thể bị thiếu máu nặng rất nguy hiểm.

Theo Chuyên gia tư vấn Kim Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp