Cách 'lạ' của mẹ chống rét cho con

Ngày 08/01/2013 11:28 AM (GMT+7)

Nhiều cách giữ ấm cho trẻ có vẻ hơi kỳ cục nhưng lại hiệu quả bất ngờ.

Mùa lạnh, đặc biệt những ngày rét đậm rét hại ở miền Bắc mấy ngày gần đây, ảnh hưởng không ít đến nếp sinh hoạt cũng như sức khỏe của con trẻ. Nhiều phụ huynh có con nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc tiểu học... ngậm ngùi để con ở nhà cho osin trông, đến cơ quan thì lo ngay ngáy; số khác đành nghỉ làm chăm con hoặc đưa con đi làm cùng, 'tá túc' ở công ty với cha/mẹ.

Chị Hạnh (Giảng Võ, Hà Nội) kể: Nhà không thuê osin, ông bà nội/ ngoại đều ở xa nên cực chẳng đã, mấy ngày rét dưới 10 độ, sáng nào chị cũng 'tha lôi' cô con gái mới 4 tuổi đi làm cùng mẹ. Nhiều mẹ vẫn chủ quan nghĩ rằng chỉ cần mặc một áo len và áo khoác thật dày cho con là yên tâm đưa ra ngoài. Nhưng riêng chị thường 'độn' cho con thật nhiều áo mỏng bên trong áo khoác. ‘Nhiều lớp quần áo mỏng sẽ giúp trẻ chống chọi với cái lạnh tốt hơn mặc đồ dày. Bởi lẽ, các lớp quần áo mỏng chồng lên nhau sẽ phát huy tác dụng cản nhiệt nhiều tầng’, chị Hạnh nói.

Cách lạ của mẹ chống rét cho con - 1
Trời lạnh, trẻ em cần được 'trang bị' kỹ mũ áo, khẩu trang, giày dép khi đi ra ngoài (Ảnh: internet)

Vợ mới sinh con được 5 tháng, dù kinh tế còn khó khăn nhưng anh Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn 'mạnh tay' sắm điều hòa 2 chiều và máy sưởi cho vợ con đỡ lạnh. Một cách giữ ấm nữa cho con được nhà anh sử dụng là bế bé trong lòng. "Bế con trong lòng, đảm bảo cả mẹ và và bé đều ấm nhưng lại lo con bện hơi mẹ quá", vợ anh nói.

Trước đó, anh thắp trong phòng một bóng đèn 200W nhưng thấy cách này không ổn vì đèn quá chói, đêm con hay dậy chơi và mỗi lần cần thay đồ cho con thì bố mẹ lạnh run cầm cập. Bà nội bé gợi ý mua than hoa về đốt rồi đặt dưới giường nhưng vợ chồng anh sợ con ngộ độc khí CO2 nên không dám mạo hiểm.

Nhiệt độ xuống quá thấp, trời lạnh buốt khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của con nên tìm mọi cách giữ ấm cho trẻ. Ngoài việc sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy sưởi... nhiều gia đình còn có cách giữ ấm cho con tuy ‘lạ’ nhưng hiệu quả.

‘Khi thấy chiếc giường con ngủ quá lạnh lẽo, mình thường trải thêm một tấm chăn lên trên nệm ngủ. Nghe có vẻ hơi kỳ cục nhưng chính việc trải thêm chăn xuống dưới thay vì đắp nhiều chiếc lên người thực sự giúp con cảm thấy ấm hơn do nhiệt độ bên dưới gia tăng sẽ tạo sinh nhiệt giúp cơ thể ấm áp. Hoặc nếu vẫn thấy giường quá lạnh mình dùng máy sấy hoặc một miếng đệm nước nóng để làm ấm chăn đệm một chút trước khi con đi ngủ”, chị Vân (Hà Đông, Hà Nội) vừa nói vừa cười khi 'khoe' bí kíp giữ ấm cho cậu con trai đang học lớp 6.

Cách lạ của mẹ chống rét cho con - 2
Khi cho trẻ ra ngoài trời, hãy hướng dẫn trẻ khởi động chân tay, cơ bắp để làm nóng cơ thể trước. (Ảnh: Internet)

BS Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi, bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, nếu ủ cho trẻ thật ấm nhưng nhiệt độ môi trường sống vẫn quá lạnh thì cũng không có hiệu quả nhiều. Việc sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi liên tục trong phòng kín cũng không có lợi do tạo không khí quá khô, ngạt. Nên giữ nhà thông thoáng, có thể mở điều hòa hay quạt nhưng không nên dùng suốt ngày, thỉnh thoảng cần mở cửa cho lưu thông không khí và cần tạo độ ẩm thích hợp.

Bộ Y tế cũng cảnh báo về các tai nạn như ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm; trẻ em tại các nhà trẻ không bảo đảm điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời những trường hợp cấp cứu…

Để giữ ấm và đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày rét, các chuyên gia y tế khuyên cha mẹ:

- Cần mặc đủ ấm cho trẻ khi trời lạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi cho trẻ ra ngoài trời, hãy hướng dẫn trẻ khởi động chân tay, cơ bắp để làm nóng cơ thể trước.

- Trong bữa ăn, cần bổ sung thêm những vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa..., mẹ nên tăng cường các loại chất béo như: mỡ, dầu mè, dầu đậu nành. Có thể thêm một muỗng mỡ hoặc dầu thực vật vào thức ăn đang nấu của trẻ. Hay thay vì luộc, nấu thức ăn, mẹ nên rán với dầu, mỡ. Dầu mỡ có thể xem là những “nhiên liệu” tốt, cung cấp nhiều nhiệt lượng cho cơ thể chống lạnh.

- Khi tắm cho trẻ, nước đủ ấm, sau khi tắm xong, lau khô người và mặc quần áo ngay cho trẻ.

- Khi trẻ ngủ, không nên cho trẻ đắp chăn kín mặt vì điều đó sẽ làm thiếu ô xi, gây ngạt thở.

- Hạn chế cho trẻ đến các nơi công cộng, tránh xa mầm mống gây bệnh, giảm cơ hội lây nhiễm. Đây là biện pháp phòng chống cảm lạnh và một số bệnh tật khác.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Nhi TƯ) chia sẻ, đợt rét này, bệnh Nhi nhập viện mỗi ngày dao động từ 1.900 - 2.000 lượt khiến các phòng khám đều quá tải. Trẻ đến khám (chủ yếu dưới 6 tháng tuổi) với triệu chứng ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… và bệnh thường diễn biến xấu rất nhanh, dễ gây biến chứng nặng

Bác sĩ Nhuận khuyến cáo, khi trẻ bị sốt dịch, cha mẹ cần tránh dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng mà còn hại người, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt để trẻ tránh bị sốt cao dẫn đến co giật. Cha mẹ cũng lưu ý trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nhiều nước, dinh dưỡng, tránh để mất nước. Khi trẻ sốt, đi ngoài phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời; mặc ấm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường; thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý...

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm của mẹ