Gặp bố "đơn thân" khéo chăm con gái

Ngày 07/11/2013 13:25 PM (GMT+7)

Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Mr.Lee (Bùi Viết Sơn) đã thay đổi rất nhiều.

Mr Lee tên thật là Bùi Viết Sơn, cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh với những shoot hình cưới khiến nhiều người phải trầm trồ. Hình ảnh của anh từng gắn với sự phong trần của một "dân chơi" nhưng từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ đã thay đổi rất nhiều.

Làm bố "đơn thân" giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, dù ban đầu có những bỡ ngỡ thậm chí là tự ti nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Với anh, một người đàn ông nuôi con không thể chỉ có ngồi nhà cho con ăn, thay quần áo, tắm giặt cho con... mà phải dành thời gian cho công việc nhưng không quên cân đối thời gian, tình cảm dành cho con, đặc biệt biết cách tính phương án lâu dài và chắc chắn cho tương lai của con.

Hôn nhân và tình yêu khác nhau rất nhiều

Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, cuộc sống của anh như thế nào?

Đã có rất nhiều thay đổi đến với tôi. Mọi người thì cứ nghĩ rằng, sau lần vấp ngã như vậy, người đàn ông sẽ sa đà và thậm chí sa ngã. Với tôi, sau cuộc hôn nhân đó, mọi thứ tiến triển tốt đặc biệt là công việc. Ngoài ra, mối quan hệ rộng hơn, bỏ được hút thuốc lá nữa (cười)

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 1
Cuộc hôn nhân tan vỡ đã khiến ông bố trẻ thay đổi rất nhiều.

Nói như vậy có thể hiểu là anh bước vào một cuộc sống khuôn khổ hơn?

Thực ra khuôn khổ thì không phải mà tôi chú ý nhiều đến bản thân hơn. Hồi trước, thay vì chỉ lao đầu, dành thời gian nhiều cho công việc thì sau khi ly hôn tôinhận ra cần dành thời gian để chăm chút cho bản thân. Tôi biết cách bố trí thời gian cho công việc, bạn bè, cuộc sống riêng một cách hài hòa nhất, thấy mình thực sự làm chủ được mọi thứ về thời gian và công việc của chính bản thân.

Sau những gì đã trải qua, trong suy nghĩ của anh, tình yêu và cuộc sống hôn nhân có đúng như người ta vẫn nói “có khoảng cách”?

Tình yêu và cuộc sống hôn nhân khác nhau nhiều thứ. Nếu như tình yêu là lãng mạn, mơ mộng, nhẹ nhàng thì ngược lại, sau đám cưới sẽ là cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền và cần thực tế hơn. Có những cái thực tế khiến cho chính người trong cuộc sẽ phải cảm thấy chán nản, thất vọng, hụt hẫng và mất niềm tin. Nếu như trong giai đoạn đó, vợ chồng hiểu, chia sẻ được thì sẽ vượt qua còn nếu thiếu sự hiểu và chia sẻ cho nhau thì sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ..

Anh muốn khuyên gì với những người đang yêu, sẽ yêu và tiến tới hôn nhân?

Cái giá của sự tự do là cô đơn, một mình có thể cảm thấy thoải mái nhưng không tránh được những lúc cô quanh, nhàm chán, còn cuộc sống hôn nhân đòi hỏi sự khuôn khổ hơn, trách nhiệm hơn. Với những ai đang yêu thì nên chậm lại, tìm hiểu nhau kỹ hơn. Nếu còn trẻ thì cứ yêu hết mình đừng cưới vội, đến khi cảm thấy chín muồi, sẵn sàng thì mới tiến tới hôn nhân. Nếu cưới rồi thì hãy dành thời gian nhiều cho gia đình.

“Đàn ông nuôi con sẽ tính điều chắc chắn, lâu dài”

Cảnh “gà trống nuôi con” chẳng ai muốn nhưng có thể thực tế cuộc sống trong một hoàn cảnh nào đó phải chấp nhận, một người đàn ông nuôi con liệu có khác nhiều so với một người phụ nữ?

Nói “gà trống nuôi con” thì hơi bi quan, gia đình đã hỗ trơ tôi rất nhiều trong việc chăm con. Mẹ của tôi là người quen việc chăm sóc cháu nên mọi việc rất chu đáo. Giai đoạn đầu khi mới ly hôn cũng bỡ ngỡ, không biết chăm con thế nào, một ngày nào đó con hỏi về mẹ thì sẽ nói ra sao….Ban đầu cảm thấy mặc cảm, tự ti nhưng mọi thứ đã dần đi vào ổn định. Cái khó là đàn ông ở độ tuổi của tôi thường chú ý nhiều đến sự nghiệp nên làm thế nào để hài hòa giữa thời gian dành cho công việc và con cái là điều mà tôi luôn nghĩ tới. Dù cố gắng thế nào thì người đàn ông chăm con cũng không thể bằng người phụ nữ.

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 2
Con gái Mr Lee đáng yêu trước ống kính của bố

Anh nói cách chăm con của anh rất khác, vậy sự khác biệt đó có thể hiểu như thế  nào?

Tất nhiên, tôi không thể hàng ngày về nhà thay quần áo, cho con ăn, tắm giặt… vì còn rất nhiều công việc, kiếm tiền lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, những lúc rảnh, tôi về với con. Tôi có quy định là một ngày hai bố con nói chuyện với nhau 1 tiếng, ăn cơm cùng nhau, đi chơi, dạo phố… hoặc cuối tuần thì đi công viên… Là đàn ông nên không thể suốt ngày ở nhà chăm con được, tôi lo kiếm tiền nhưng vẫn làm thế nào để đảm bảo tình cảm cha con vẫn có sự gần gũi. Thậm chí, có thể tính đến việc lập ra quỹ tiết kiệm, dành dụm một số tiền nhất định để lớn lên có thể cho cháu đi du học. Đó là cách người đàn ông tính toán.

Như anh nói thì có thể nhận thấy, đàn ông khi nuôi con sẽ tính về lâu dài chứ không chỉ là trước mắt?

Cho dù thế nào đi nữa, tôi không thể thay thế vai trò của người mẹ đối với con. Cho nên, có lẽ tốt nhất là cứ hoàn thành nhiệm vụ của người đàn ông trong gia đình, kiếm tiền nhưng vẫn dành thời gian cho con. Đàn ông thường suy nghĩ sâu sắc hơn và mong muốn cái gì cũng chắc chắn, hài hòa chứ không phải chỉ ở nhà bế con, chăm con.

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 3
Quan điểm của Mr Lee là lo điều chắc chắn và lâu dài cho con

Điều khó khăn với những người nuôi con khi hanh phúc tan vỡ là nói với con về sự thật đó, anh giải thích như thế nào với cháu?

Trẻ con bây giờ thông minh lắm, ban đầu tôi cũng nghĩ đến việc sẽ nói với con như thế nào. Tôi giải thích cho cháu là “mẹ đi nước ngoài không về nữa”. Sau lời giải thích đó, cháu không bao giờ hỏi đến nữa. Nhưng có lần mở tủ, cháu thấy có ảnh của mẹ, khi tôi  hỏi thì cháu nói không biết. Tôi cứ nghĩ là trẻ con nhanh quên lắm nhưng thực ra không phải như vậy.  Cháu vẫn thường xem ảnh và một lần cháu nói đó là mẹ. Tuy nhiên, tôi nghĩ không cần thiết cứ phải giải thích hay nói ra với con, cuộc sống và lớn lên cháu sẽ hiểu. Còn nếu mà để giải thích một cách dễ dàng nhất thì tôi vẫn nói “mẹ cháu đi nước ngoài không về nữa”.

Có lúc nào anh cảm thấy con gái buồn vì không có mẹ ở bên cạnh?

Trẻ con dễ nhớ mà cũng dễ quên, cảm giác thiếu tình cảm chắc chắn là có, bởi ở trường sau giờ học bao nhiêu bạn có mẹ đén đón hay có đứa em khoe mới có áo mới của mẹ mua cho và còn nói là “mẹ là mẹ của em chứ”, tôi thấy chạnh lòng lắm. Hoặc có khi bạn của bố đưa con đi chơi, trẻ con khi quý ai thì quấn lắm nên khi ra về, cháu gọi “mẹ ơi”, lúc đó dù cứng rắn đến đâu cũng không khỏi chạnh lòng.

Công việc của anh cũng hay phải đi công tác xa nhưng lúc như thế anh làm thế nào để quan tâm con?

Thật ra trẻ con thì vốn mải chơi nên khi đi xa tôi có hay gọi về thì trẻ nói chuyện điện thoại cũng chỉ như nghĩa vụ. Nói được vài câu là lại chạy mất nên tôi thường gọi điện về cho bà nội hỏi han về tình hình của cháu, việc đi học, ăn uống. Vả lại tôi hay đi xa ngắn ngày nên cũng không đến nỗi

Sau một thời gian quen với việc chăm con theo cách của bản thân mình, liệu Mr Lee có cảm thấy hài lòng vói những gì đã làm cho con?

Chưa bao giờ có gì là hài lòng, dù là có thể cho con nhiều thứ hơn đi nữa thì cũng không thể hài lòng. Điều khiến tôi cảm thấy không hài lòng nhất đó chính là việc không đưa lại cho con được một gia đình hạnh phúc. Một khi đã để cho con cái cảm thấy thiệt thòi thì mình cũng ko thể hài lòng được. Cho đến tận bây giờ, nếu để cho điểm thì tôi tự cho điểm trung bình cộng về việc chăm con thôi chứ cũng không nghĩ chăm con tốt. Thậm chí tôi cũng không ngần ngại thú thật rằng trong 3 năm đi học mẫu giáo tôi chỉ có thể đón con được 4 lần. Ít đến nỗi mỗi lần đến cô giáo đều phải hỏi lại rồi đối chiếu với cháu xong mới cho đón. Có thể nghe xong nhiều người nghĩ tôi vô tâm nhưng có sao nói vậy chứ tôi không thích nguỵ tạo để tỏ ra mình là người chăm con tốt. Thay vì cứ tỏ vẻ, yêu thương con đúng mực ta nên thành thật và bù đắp cho cháu bằng khoảng thời gian khác thì hơn. Vả lại những việc như vậy thường mẹ tôi hay tranh phần mất rồi. Bà thường bố trí người, các em tôi hoặc chính bà đưa đón. Còn tôi có thể rảnh thì đến đón.

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 4
Đối với Mr.Lee, anh chua bao giờ hài lòng vì những gì mình đã làm cho con gái

Còn chuyện đi bước nữa thì sao, anh đã tính tới chưa?

Điều đó thì có lẽ chắc chắn rồi, nếu bản thân mình xấu xí hay bất tài vô dụng thì mới không nghĩ. Tôi còn nhiều cơ hội để tiến tới, có nhiều người cũng muốn quan tâm, chăm sóc hay dành cho tôi thời gian, nhưng mà trong thời gian này thì vẫn chưa nghĩ đến. Sau lần tan vỡ đầu tiên đó. tôi muốn điều gì cũng phải từ từ, chín muồi, phải cảm thấy thực sự là mình cần và  thoải mái. Nghĩa là mặc dù con của tôi cũng nên có một bàn tay của người phụ nữ, thế nhưng không phải vì lí do đó mà tôi phải cứ lo đi kiếm ngay một người mẹ mới cho con hoặc tìm kiếm một ai đó để cưới ngay.

Không muốn con đi theo con đường nghệ thuật

Bé gái nhà anh gần 5 tuổi rồi, ngưỡng tâm lý giữa mẫu giáo lên tiểu học cũng quan trọng lắm, anh dạy con về kỹ năng sống như thế nào ở giai đoạn này?

Tôi có thể đặt ra nhiều hướng cho con, cho cháu đi học vẽ, học múa…Còn về kỹ năng sống thì tôi nghĩ là không ở đâu bằng môi trường sống hàng ngày của cháu. Về những cách cư xử với bạn bè, anh chị em trong nhà, ngoài bà nội thường khuyên bảo thì tôi vẫn thường trò chuyện để hướng dẫn cháu. Tôi không nghĩ là sẽ cho cháu ra trường lớp học, thực ra cháu còn còn bé quá, một phần cũng mải chơi nữa.

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 5
Bé Tú Nhi (tên gọi ở nhà là Nhím) rất đáng yêu và hồn nhiên

Cho cháu học múa, học vẽ, phải chăng anh tính sẽ con đi theo con đường nghệ thuật?

Khi con còn bé, tôi sẽ cho cháu học nhưng mà lớn lên thì tôi sẽ không cho con đi theo con đường nghệ thuật. Ngoài xã hội, người ta đánh giá  tôi là phong lưu, dân chơi, va chạm nhiều nhưng ở nhà thì tôi hướng nội. Nghệ thuật có thể va chạm với người khác giới sớm nên lớn lên thì tôi không muốn cho cháu học. Về nhiếp ảnh, có vẻ như cháu cũng có được tố chất. Mặc dù còn bé nhưng rất là ăn ảnh, điệu, biết cách tạo dáng.

Anh nói sẽ không cho con đi theo con đường nghệ thuật, có vẻ anh cũng là ông bố nghiêm khắc?

Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó thì bản thân mình là ông bố nghiêm khắc. Ví dụ, tôi không thích cháu nghịch ngợm, có khi cháu mải chơi quá bị ngã xe, xước chân xước tay thì tôi rất nghiêm khắc trong vấn đề đấy. Tôi không đánh con nhưng có thể cau mày cau mặt, mắng một chút và nói lần sau không được như thế.

Sẵn sàng nhập vai để chơi với con

Mọi người ở bên ngoài vẫn thấy anh có phong cách của “dân chơi”, còn về nhà hình như sẽ là một người hoàn toàn khác?

Tôi nghĩ điều đó là đương nhiên, ra ngoài thế nào thì không biết nhưng về nhà thì phải vào phép tắc nhất định. Đơn giản như là bà nội và các cô hay chiều cháu, vừa cho ăn vừa xem ti vi, đi đâu cũng kè kè bát cơm đi theo, nhưng tôi thì quy định khi ăn phải tập trung, xong mới đi chơi. Hay trước khi ngủ thì phải chúc bố, chúc bà ngủ ngon. Tôi chú ý dạy để cháu yêu thương những người xung quanh, biết chia sẻ chứ không chỉ có biết bản thân mình.

Khi về nhà thì tôi hòa đồng với con, thậm chí tham gia các trò chơi với con và các cháu. Thậm chí, nhập vai khi chơi như bán hàng, mua hàng… như các cháu đang chơi vậy. Tôi cũng gợi chuyện để các cháu kể, chia sẻ. Với trẻ con, ngoài những lúc cần nghiêm khắc thì cũng phải hòa đồng để có thể thâm nhập vào suy nghĩ các cháu và nói chuyện để hiểu con nhiều hơn.

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 6
Khi có con thì sẵn sàng ngồi chơi đồ hàng cùng con

Gặp bố quot;đơn thânquot; khéo chăm con gái - 7
Cô bé mới 4 tuổi đã cực ăn ý trong việc chụp hình với bố

Nhập vai vào trò chơi của con và các cháu trong nhà như anh vừa nói có vẻ không dễ,  nhiều phụ huynh thì tỏ ra ngại ngùng hoặc khó khăn lắm, Mr Lee đã làm được điều đó như thế nào?

Câu hỏi này mà bạn hỏi khoảng 3 năm trước thì tôi khó trả lời trơn tru lắm. Bây giờ, tôi nghĩ chuyện nhập vai nghĩ cũng chẳng còn gì khó khăn cả. Ngày xưa, có sự phân định rõ ràng, vợ thì chăm con còn tôi đi kiếm tiền. Từ ngày ly hôn, tôi phải thay đổi, dành nhiều thời gian cho con. Về nhà phải nhập vai, ví dụ con đang chơi đồ hàng thì mình phải hỏi là “Bác ơi bác bán gì đấy, bán cho tôi bát cơm, bát canh…”, cháu chơi bệnh nhân thì tôi giả vờ làm bệnh nhân. Có những lúc thâm nhập vào đời sống, suy nghĩ của con để hiểu hơn, Mặc dù, nghĩ cũng buồn cười nhưng mà dần dần chơi dần thì quen thôi (cười).

Anh nói mỗi ngày đều dành thời gian nói chuyện với con, cách của anh để duy trì câu chuyện với con và không khiến cho cháu bị chán là gì?

Khi nói chuyện với con thì phải hiểu được suy nghĩ của bé, đặt ra nhiều câu hỏi để cháu kể. Cách nói chuyện không quá nặng nề, khô khan,biết cách duy trì câu chuyện. Bản thân tôi luôn hỏi con về suy nghĩ khi không có mẹ ở bên canh chăm sóc, điều đó có thể nhạy cảm nhưng cũng cần hỏi. “Chẳng hạn cô em có cái áo mới, hỏi ai mua cho thì bảo là mẹ em mua cho, lúc đó tôi hỏi là thế không mua cho con à, thì cháu nói đấy là mẹ của em chứ có phải mẹ của cháu đâu". Qua đó, tôi sẽ hiểu là cháu cần gì, muốn gì. Thậm chí,sau đó, tôi sẽ dắt cháu ra cửa hàng, mua cho cháu bộ quần áo mới. Tôi luôn nghĩ cố gắng bù đắp cho con về vật chất lẫn tinh thần trong khả năng của bản thân.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bố mẹ đảm nuôi con ngoan