Muôn kiểu sử dụng túi sưởi dễ khiến trẻ... mất mạng

Ngày 03/02/2016 09:52 AM (GMT+7)

Ngay trong mùa đông 2016 này đã có nhiều vụ tai nạn trẻ em đau lòng chỉ vì những kiểu sử dụng túi sưởi không đúng cách của bố mẹ.

Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, túi sưởi là đồ vật được nhiều ông bố bà mẹ ưa chuộng để giữ ấm cho các em bé – đối tượng có sức đề kháng còn non yếu và khả năng chịu đựng những đợt lạnh còn thấp. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không chú ý sử dụng túi sưởi đúng cách thì túi sưởi sẽ là thủ phạm gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngay trong mùa đông năm 2016 này đã có rất nhiều vụ trẻ gặp tai nạn thương tâm chỉ vì kiểu sử dụng túi sưởi không đúng cách của bố mẹ. Gần đây nhất là vụ nổ túi sưởi ở Nghệ An đã khiến một bé gái 17 tháng tuổi phải nhập Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng BV Sản- Nhi Nghệ An. Do túi chườm bị nổ khi đang sạc và lại để trong lòng của bé nên em bé bị bỏng nặng, nước từ túi sưởi chảy ra cũng khiến người mẹ bỏng nhẹ ở chân.

Trước đó, vào năm 2011, một bé gái 8 tuổi tại Tuyên Quang đã phải vào Viện bỏng Quốc gia để điều trị vì bỏng tại các vùng bẹn, mông và gần bộ phận sinh dục. Theo người nhà của em bé, nguyên nhân là do khi ở nhà, cháu bé ngồi cạnh túi sưởi đa năng đang được cắm điện thì bất ngờ túi sưởi vỡ khiến nước trong túi bắn vào.

Những tai nạn đau lòng trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng túi sưởi giữ ấm trong những ngày rét đậm này. Dưới đây là những kiểu sử dụng túi sưởi cho trẻ nhỏ cần tránh để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc:

Dùng túi sưởi khi đang cắm điện

Vụ bé gái Nghệ An bị bỏng nặng do túi sưởi phát nổ là điển hình của việc dùng túi sưởi khi đang cắm điện tai hại như thế nào. Trẻ nhỏ hiếu động thường thích đến gần túi sưởi để ngồi hoặc nằm lên, thậm chí dùng vật sắc nhọn chọc vào túi... rất dễ khiến túi bị vỡ hoặc gây giật điện. Do đó, trong trường hợp đang sạc điện cho túi sưởi thì cần để vật dụng này ở xa tầm với của trẻ. Trong quá trình nạp điện, túi sưởi chứa dòng điện mạnh, chẳng may túi có xảy ra rò rỉ nước hay ổ cắm, dây cắm sạc điện bị hở thì việc trẻ bị bỏng, giật điện, hoặc tệ hại hơn là tử vong rất dễ có thể xảy ra.

Muôn kiểu sử dụng túi sưởi dễ khiến trẻ... mất mạng - 1

Nhiều tai nạn đau lòng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng túi sưởi giữ ấm không đúng cách trong những ngày rét đậm này. (Ảnh minh họa)

Dùng túi sưởi rẻ tiền, không rõ nguồn gốc sử dụng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại túi sưởi và đồ sưởi ấm được bày bán với giá cả và mẫu mã đa dạng nhưng không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Nếu cha mẹ “ham rẻ” mua các sản phẩm giữ ấm kém chất lượng, không chính hãng về dùng thì chẳng khác nào rước “thần chết” về nhà bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ bục, vỡ, phát nổ rất lớn.

Cắm sạc điện quá lâu

Mua túi sưởi có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đã là một điều quan trọng nhưng việc tuân thủ đúng quy định như hướng dẫn của nhà sản xuất cũng quan trọng không kém. Nhiều trường hợp túi sưởi chỉ vì cắm sạc quá thời gian quy định trong hướng dẫn sử dụng, dẫn đến việc túi giãn nở quá to,  bị rách bục và phát nổ. Do đó, nên chủ động rút túi sưởi theo quy định của nhà sản xuất và không nên để túi tự động ngắt.

Bỏ qua những bất thường ở túi sưởi

Đây cũng là một sai lầm tai hại mà nhiều bậc phụ huynh bỏ qua. Trong quá trình sử dụng, không thể tránh khỏi việc túi sưởi bị hao mòn, giảm chất lượng theo thời gian. Người sử dụng cần chú ý thường xuyên kiểm tra độ an toàn của túi sưởi, chẳng hạn như kiểm tra rơ-le nhiệt. Nếu rơ le nhiệt bị hỏng thì khi nạp điện, nhiệt độ tăng sẽ khiến túi sưởi chập điện và gây ra hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu bất thường khác ở túi như túi bị xây xước, túi bị căng phồng quá mức, túi biến dạng,... cũng cảnh báo cho người dùng biết cần phải loại bỏ túi sưởi ngay lập tức.

Một số lưu ý khác khi sử dụng túi sưởi:

- Không lau rửa, làm sạch túi bằng nước, khăn ướt vì khi sạc có thể gây chập điện, cháy nổ.

- Thường xuyên kiểm tra túi sưởi. Nếu nhận thấy những bất thường ở túi sưởi cần ngưng sử dụng ngay và mang đi sửa chữa ở những nơi có uy tín.

- Không dùng vật nhon chọc vào túi sưởi, kể cả khi túi sưởi không đang cắm sạc.

- Khi túi bị hỏng, nên mang tiêu hủy, tuyệt đối không đổ dung dịch trong túi ra vì có thể gây phát nổ, chập điện ngoài ý muốn.

- Khi cắm sạc cho túi sưởi cần để cách xa người ít nhất là 2m, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để vật nặng, vật sắc nhọn chọc, đè lên túi, không ngồi lên túi.

Le La (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tử vong do lỗi bất cẩn của người lớn