Những bài học dạy con khi biển Đông dậy sóng

Ngày 01/06/2014 16:48 PM (GMT+7)

Khi chủ quyền dân tộc bị xâm phạm, không ít cha mẹ đã nuôi dưỡng lòng yêu nước bằng những cách khác nhau cho con cái mình.

Những ngày qua, hành động Trung Quốc đưa giàn khoan dầu xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khiến lòng yêu nước của dân tộc một lần nữa lại được khơi dậy trong các giai tầng xã hội. Không ít những bậc cha mẹ đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, dân tộc bằng những cách khác nhau cho con cái mình.

Không muốn con mất đi  “mẹ tổ quốc”

Những ngày qua, một bức hình chụp một người đàn ông bế con đi mít tinh phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại TP. HCM đã tạo xúc động mạnh trong dư luận. Nhiều chia sẻ cho rằng, đây là cách, là cơ hội để các bậc phụ huynh nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ con em hiểu giá trị của lòng yêu nước khi chủ quyền dân tộc đứng trước thử thách.

Trở lại câu chuyện về cách người cha đơn thân dạy con (mồ côi mẹ) về lòng yêu nước. Ngày 11/5, anh đã trực tiếp bế con xuống đường, treo cờ đỏ, cầm băng rôn phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước. Không ít người cho rằng, lòng yêu nước của thế hệ trẻ cần được nuôi dưỡng bằng những hành động đơn giản mà thiết thực như thế. Nhân vật chính của bức ảnh là người đàn ông tên Tuấn (30 tuổi). Sau khi vợ mất, anh ở vậy nuôi con. Cuộc sống cơ cực từ ngày vợ ra đi, anh sớm hiểu những mất mát mà đứa con thơ phải gánh. Người mẹ của con mất đi, anh không muốn bé mất đi người mẹ thứ hai, đó là “mẹ tổ quốc”. Đây cũng là lý do vì sao, anh quyết định bế đứa con vừa tròn 18 tháng tuổi xuống đường hòa vào dòng người ngút ngàn hào khí dân tộc.

Đây là những vần thơ giản dị anh viết cho con: “Con sinh ra mất gần như tất cả/ Chỉ còn ba và thương cảm của người đời/ Lớn lên con hãy dành nước mắt/ Cho những điều xứng đáng/ Đừng phí phung cho thần tượng hay sùng bái cá nhân/ Nước mắt kia rơi cho những điều giản dị/ Cho đồng bào, cho dân tộc, cho những đời bất hạnh/ Ba mỉm cười, con đã trưởng thành”.

Người đàn ông sau đó tâm sự với con: “Ba đã viết những dòng trên đây khi chứng kiến những bạn trẻ khóc ngất để chào đón thần tượng từ một nước lạ hoắc. Trong khi, chúng chẳng thấy khóc cho những đồng bào bỏ cả tính mạng và tài sản khi đụng phải tàu lạ trên chính vùng biển của cha ông. Có thể đồng bào, dân tộc là những điều gì đó mơ hồ, lý thuyết khô khốc. Nó không đủ để chạm tới cảm xúc của các bạn như thần tượng với đầy lấp lánh hào quang. Nhưng ba nghĩ, là người mang trong mình dòng máu của dân tộc Việt thì phải có trách nhiệm hướng con tránh xa những điều hời hợt đó. Và những dòng trên kia là những điều ba muốn nhắn nhủ cho con sau này”.

Anh muốn nhắc nhủ đứa con, khi lớn lên phải hiểu những giá trị đích thực của cuộc sống, trong đó giá trị thiêng liêng nhất là độc lập, chủ quyền bất khả xâm phạm của tổ quốc.

Những bài học dạy con khi biển Đông dậy sóng - 1
Hình ảnh người bố đơn thân bế con 18 tháng tuổi đi biểu tình đã gây xúc động mạnh.

Bài học yêu nước trước giờ con ngủ của người mẹ

Một câu chuyện cũng không kém phần cảm động của người mẹ được những người sử dụng facebook lan truyền, đó là dạy con yêu nước từ lá cờ sao vàng 5 cánh trước giờ đi ngủ: “Câu chuyện trước giờ đi ngủ tối qua của mẹ và con (4 tuổi) là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc. Đây là lần đầu tiên, mẹ gạt những chuyện Bu Bu, siêu nhân mà con vẫn hay bi bô để nói về Quốc kỳ của Việt Nam. Mẹ không dạy cho con phải căm thù như thế nào, mẹ chỉ mong ở tuổi chuẩn bị lên 4 này, con bắt đầu tìm hiểu về lá cờ đỏ sao vàng con vẫn thường thấy. Vì mẹ tin rằng khi đã hiểu, đã yêu đất nước mình thì tự con sẽ biết cách bảo vệ hai chữ Việt Nam, bảo vệ lá cờ của chúng ta”.

Một tâm sự của tài khoản facebook khác mang tên T.K. từ ngày biển Đông “dậy sóng” cũng gây xúc động mạnh. Người mẹ này đã mở những bài hát về đất nước, về Bác Hồ kính yêu dạy cho đứa con (5 tuổi). Người mẹ tâm sự: “Hòa bình là không chiến tranh, là chan hòa hạnh phúc dù khác màu da, khác tiếng nói. Chiến tranh là đổ máu, là đau thương, chết chóc. Mẹ khống muốn con và chúng ta phải gánh chịu những tai ương đó. Nhưng không hòa bình không phải là chấp nhận tất cả, mẹ muốn con hiểu được giá trị của độc lập, chủ quyền của đất nước. Dân tộc ta lịch sử vẻ vang 4000 năm dựng nước, từng mét đất, hạt sạn cũng thấm đượm máu cha ông. Con hay nhớ rằng, bây giờ và sau này lớn khôn, trong trái tim con cũng có dáng hình tổ quốc”.

H.P
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Dạy con