“Sốc" vì mẹ chồng Hàn Quốc cổ hủ

Ngày 16/10/2013 04:03 AM (GMT+7)

Mẹ nào ở Việt còn định chê mẹ chồng cổ hủ nên biết xứ Kim Chi kiêng cữ còn “ác” hơn ta.

Tôi lấy chồng người Hàn không phải theo con đường mai mối như các cô gái Việt hay đi. Tôi quen anh là đối tác của công ty tôi. Vốn là cô sinh viên khoa tiếng Hàn, tôi rất yêu thích văn hóa Hàn Quốc và luôn mong muốn được một lần đặt chân đến xứ sở Kim Chi. Duyên trời đã cho tôi gặp được người chồng hiện tại, tôi không chần chừ mà quyết định đi đến hôn nhân, sang Hàn Quốc sống cùng gia đình anh. Bạn bè, gia đình ban đầu không ủng hộ tôi. Họ lo cuộc sống nơi đất khách quê người, với những rào cản văn hóa sẽ khiến tôi phải hối hận. Tuy nhiên, vốn là con người khéo léo, lại biết thích nghi, hơn 1 năm sống cùng gia đình chồng, tôi không gây ra cơ sự nào to tát lắm. Mọi chuyện chỉ thực sự rắc rối khi tôi bắt đầu có con. Những quan niệm và tập tục chăm sóc trẻ sơ sinh và phụ nữ sau sinh bên Hàn quả khiến tôi “choáng váng”. Thật sự tôi thấy, phụ nữ Hàn Quốc còn kiêng cữ và cổ hủ hơn cả mẹ Việt ta.

Dù đã là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Á, Hàn Quốc vẫn có những phong tục truyền thống trong việc nuôi con khá khắt khe. Một số bây giờ đã mai một, nhưng một số vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Về cơ bản, tôi thấy mẹ chồng người Hàn cũng có quan niệm không khác các bà, các mẹ ở Việt Nam là mấy. Tôi còn nhớ, khi mình gần sinh, tôi có đọc được một bài báo trên trang Korea Times – một trang báo điện tử uy tín ở Hàn Quốc, họ nêu ra những tập tục và truyền thống kiêng cữ khi nuôi con và chăm bà đẻ của người Hàn và “an ủi” độc giả rằng “Chính những cô con dâu Hàn Quốc còn xung đột với mẹ chồng. Do vậy, những cô con dâu người nước ngoài (như tôi) không nên thấy lo lắng quá”. Điều khiến tôi buồn cười ở đây là, bài báo  này có vẻ được chính những bà mẹ chồng Hàn Quốc viết nên.

Quan niệm thứ 1: Phụ nữ sau sinh không được ở gần con.

Quan niệm này có vẻ đặc biệt “nghiêm trọng” ở Hàn Quốc. Ở bệnh viện nơi tôi sinh con, tôi thậm chí còn không được ở chung phòng với Hari – con tôi. Tất cả các em bé đều được tập trung vào một phòng riêng để các y tá chăm sóc, và người mẹ cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn. Ở đây, người ta thậm chí còn xây dựng những khách sạn dành cho các bà mẹ sau sinh. Phụ nữ có thể đến đó ở vài ngày hoặc vài tuần, được massage và hưởng các sự chăm sóc đặc biệt khác. Con có thể để mẹ chồng hoặc giúp việc chăm. Tôi đương nhiên không đồng ý chuyện đó. Tuy nhiên ở viện thì tôi phải tuân theo lời bác sĩ. Vậy là cứ mỗi khi muốn cho con bú, tôi lại phải đi xuống phòng sơ sinh, cho Hari ti mẹ rồi lại “trả” con về cho nữ hộ lý. Đương nhiên, những khi “trả” lại con, nghe tiếng khóc của Hari và các em bé khác, tôi lại cảm thấy tim mình nhói đau.

Quan niệm thứ 2: Người mẹ phải phải kiêng nước và kiêng tắm trong vòng 2-3 tuần

Khi được về nhà, tôi mới được mẹ chồng dặn dò rằng tôi phải kiêng không được ra ngoài và kiêng tắm trong vòng ít nhất 2-3 tuần. Lần đầu biết chuyện này, tôi đã rất ngạc nhiên vì sao “nó” giống Việt Nam thế. Tuy nhiên, làm gì có bà mẹ hiện đại nào chịu đưng được việc “cấm cung” 2,3 tuần. Bạn bè tôi ở Việt Nam cho biết, mẹ chồng họ cũng đã không quá cứng nhăc trong việc kiêng cữ này. Vậy nhưng mẹ chồng người Hàn của tôi thì rất chỉn chu và quan tâm chặt chẽ đến tôi. Vậy nên tôi ngoan ngoãn ở nhà.

Về chuyện kiêng tắm, tôi đúng là thực sự đã không tắm một tuần liền. Lý do vì trong phòng tắm của tôi ở bệnh viện thậm chí còn không có vòi hoa sen. Nhưng khi về nhà, tôi đã phải lén mẹ chồng để tắm ngay. Bà không biết, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Quan niệm thứ 3: Canh rong biển là món ăn duy nhất cho bà đẻ

“Sốcquot; vì mẹ chồng Hàn Quốc cổ hủ - 1
Một khẩu phần ăn của bà đẻ chăm con bao giờ cũng phải có canh rong biển (ảnh minh họa)

Nếu ở Việt Nam, khi nhắc tới bà đẻ, người ta thường nhắc tới cháo móng giò. Thì ở Hàn Quốc, bất cứ người mẹ nào đều phải ăn và chỉ có một món ăn duy nhất: miyuk-guk - canh rong biển. Sau sinh, mẹ chồng tôi chuẩn bị cho tôi một nồi canh rong biển rất “vĩ đại”. Về vấn đề này thì ban đầu tôi không có gì để phàn nàn cả. Rong biển rất bổ và lành mạnh bởi vì nó chỉ toàn rau xanh và lại có rất nhiều sắt, phù hợp với những phụ nữ sau sinh bị mất máu nhiều như tôi. Tôi thậm chí còn có một “phiên bản” canh rong biển cực yêu thích của mình: đó là canh rong biển nấu đậu phụ tươi và thịt lợn nạc. Tuy nhiên, sau hơn một tuần ăn nó ít nhất 3 lần mỗi ngày thì tôi bắt đầu có dấu hiệu phát ngán. Tuy nhiên, mẹ chồng và chị chồng vẫn luôn không ngừng thúc giục tôi ăn. Chồng tôi cũng ngồi ăn cùng vợ và khiến tôi trở nên “ám ảnh” với món canh rong biển.

Quan niệm thứ 4: Trẻ sơ sinh phải kiêng đủ 100 ngày mới được ra ngoài

Theo kinh nghiệm thời xưa, rất nhiều trẻ con Hàn Quốc bị tử vong trong 3 tháng đầu sau sinh. Đó là lý do khiến các bà mẹ chồng Hàn Quốc luôn căn dặn con dâu không được đưa em bé ra ngoài trời trước khi tròn 100 ngày, đặc biệt là trong thời tiết lạnh. Khi hết 100 ngày, gia đình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm cho trẻ gọi là ngày baek-il. Đương nhiên, để không làm phật lòng mẹ chồng, tôi cũng không cho Hari ra ngoài. Vậy nhưng hàng ngày, tôi vẫn lén bà cho con ra khoảng ban công phía sau phòng để tắm nắng 15 phút. Vậy nhưng có một hôm, mẹ chồng tôi phát hiện ra, bà mắng tôi “té tát”.

“Sốcquot; vì mẹ chồng Hàn Quốc cổ hủ - 2
Lễ Baek-il ở Hàn được tổ chức trong gia đình với những món ăn truyền thống (ảnh minh họa)

Quan niệm thứ 5: Trẻ sơ sinh phải được bọc thật ấm, thật ấm

Đây mới là quan niệm cổ hủ khiến tôi mệt mỏi nhất và cũng gây ra không ít xích mích trong gia đình. Có thể ngày xưa, khi chưa xuất hiện lò sưởi và những căn phòng với tường gạch và cửa sổ kín gió thì điều này có vẻ dễ hiểu. Vậy nhưng ngày nay, khi xã hội hiện đại như vậy rồi, nhưng mẹ chồng Hàn Quốc và tất cả các người lớn trong gia đình tôi vẫn có quan niệm cần ủ con thật kỹ. Người Hàn cho rằng cơ thể trẻ sơ sinh rất mong manh, lại ít mỡ bao bọc nên sẽ rất lạnh. Tôi còn nghe mẹ chồng nói một qui tắc “bất thành văn” rằng: "Nếu người mẹ mặc mấy áo, thì con phải mặc nhiều hơn như vậy 1 chiếc". Vậy là, mẹ chồng tôi luôn để Hari mặc 3 lớp áo, quấn thêm bên ngoài một lớp khăn xô và một lớp khăn bông. Nhiều hôm, phía sau gáy của Hari ướt sũng mồ hôi, mũi thì nghẹt và khóc quấy um sùm. Vậy nhưng việc duy nhất mẹ chồng người Hàn của tôi làm, đó là cố gắng rung lắc để dỗ dành con.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn rất may mắn vì có chồng tâm lý và cực kỳ hiểu vợ. Anh đã biết cách cân bằng giữa tôi và mẹ chồng nên gia đình tôi giờ lại vô cùng thoải mái. Tôi tâm sự và kể những chuyện này, cốt để cho các bà mẹ ở Việt Nam hiểu được sự tương đồng trong các tập tục, quan niệm về nuôi con và chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam và Hàn Quốc. Cũng là để chị em ở nhà có cái nhìn bớt khắt khe về các bà mẹ chồng người Việt. Hãy nhờ chồng làm trung gian, nếu ta có cách nuôi dạy con khác với các bậc đi trước. 

Mẹ Hari
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con