Tâm sự của người mẹ 15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với bạo bệnh

Ngày 11/06/2017 09:30 AM (GMT+7)

15 năm nay, dường như bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị Phạm Thị Thìn với 2 con trai đang chiến đấu với căn bệnh máu loãng để giành giật lại sự sống mỗi ngày.

Chết lặng khi 2 lần đón nhận tin 2 con bị máu loãng bẩm sinh

Gia đình chị Phạm Thị Thìn (sinh năm 1976) thuộc gia đình khó khăn ở xóm Đặc Sản – Nam Kim – Nam Đàn – Nghệ An.

Lấy chồng từ khi 25 tuổi, niềm hạnh phúc của chị chẳng được bao lâu đã phải đón nhận tin buồn con trai lớn – em Phạm Trung Đức (sinh năm 2002) bị loãng máu bẩm sinh. Chưa dừng lại ở đó, người con  trai thứ 3 của chị - em Phạm Nhật Hoàng (sinh năm 2006) cũng mắc phải căn bệnh quái ác này.

Sinh con với mong muốn các con được khỏe mạnh nhưng đau đớn thay 3 lần sinh thì 2 lần chị phải đón nhận tin “trời giáng” này và nỗi đau của chị như nhân đôi, như chồng chất lên gấp bội.

“Tôi sinh được 3 cháu trai nhưng 2 cháu đều bị loãng máu bẩm sinh. Khi mới sinh con, thấy con bị bầm tím khắp người, tôi hoang mang, lo lắng đưa con vào viện và tôi gần như chết lặng khi bác sĩ cho biết con bị loãng máu bẩm sinh (máu khó đông – PV). Chồng tôi ốm yếu thường xuyên đi viện cũng không phụ giúp gì được. Một mình tôi lại là chỗ dựa cho 4 bố con”, chị Thìn tâm sự.

Tâm sự của người mẹ 15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với bạo bệnh - 1

Chị Phạm Thị Thìn đang ở trong viện chăm sóc và làm chỗ dựa cho 2 con trai của mình vượt qua căn bệnh máu loãng.

Gánh nặng đè cả lên đôi vai bé nhỏ của chị Thìn kể từ khi chị đón nhận tin con trai lớn và con trai út bị bệnh máu loãng bẩm sinh. Bao vất vả, khó khăn chị đều cố gắng vượt qua nhưng dường như ông trời vẫn thử thách người đàn bà bé nhỏ ấy vào năm 2011 khi để chị đón nhận nỗi đau lớn nhất của cuộc đời - Người “đầu ấp tay gối” cùng chị 11 năm mất vì tai nạn giao thông.

Con cái bệnh tật, nheo nhóc cộng với tin buồn ấy khiến chị sụp đổ hoàn toàn. Người chồng làm chỗ dựa duy nhất để chị vượt qua mọi khó khăn, gian khó nuôi các con khôn lớn lại bỏ chị ra đi đột ngột như vậy.

Đám tang của chồng, chị đã khóc cạn nước mắt, chị thương cho thân phận của mình, thương cho các con không chỉ chiến đấu với bệnh tật mà còn chịu cảnh mồ côi cha khi còn nhỏ, lúc ấy đứa lớn nhất mới 9 tuổi còn đứa nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi.

Đã có lúc chị nghĩ đến việc đi cùng chồng sang bên kia, chút bỏ mọi gánh nặng, sầu lo nhưng nhìn 3 đứa con thơ dại, không có ai chăm lo chị lại gắng gượng, vực dậy để tiếp tục cuộc sống, tiếp tục cùng 2 con trên hành trình kéo dài sự sống.

Tâm sự của người mẹ 15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với bạo bệnh - 2

Em Phạm Trung Đức (sinh năm 2002) và em Phạm Nhật Hoàng (sinh năm 2006) đều bị máu loãng bẩm sinh.

15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với căn bệnh máu loãng

Mắc bệnh bẩm sinh từ bé, năm nào cũng phải đi viện nên Đức và Hoàng đều dang dở chuyện học hành. Đức năm nay học lớp 9 còn Hoàng học lớp 5 nhưng số buổi đi học của các em khá ít bởi căn bệnh đeo bám.

Từ đầu năm đến giờ, chị Thìn và 2 con đều ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Dường như viện đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị và các con bởi vừa ra viện hôm trước, hôm sau 2 em lại phải vào viện vì bệnh tái phát. Mặc dù bệnh nặng, được các bác sĩ giới thiệu đi lên Hà Nội chữa trị nhưng điều kiện khó khăn không vay mượn được ai nên chị đành xin bác sĩ ở lại, nhìn sức khỏe các con yếu dần đi.

“15 năm nay tôi đều qua lại viện, hết đưa chồng rồi đưa 2 con đi viện. Năm nào các cháu cũng phải đi viện chục lần. Hai em bị chảy máu cam không cầm được nên từ nhỏ đến giờ 2 em cũng chỉ ở nhà học và trông nhà, không làm được gì cả. Gia đình trông cậy vào mấy sào lúa. Các cháu đi viện từ bé đến giờ cũng phải vay mượn tới hơn trăm triệu. Nhà có con bò cái, mỗi năm cũng có 6-7 triệu tiền bán bê nhưng năm nay không vay mượn được ai nên tôi cũng phải bán bò đi để có tiền”, chị Thìn chia sẻ.

Tâm sự của người mẹ 15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với bạo bệnh - 3

Ngôi nhà tuềnh toàng của chị Phạm Thị Thìn. Vì bận chăm sóc 2 con ở viện nên công việc nhà cửa, đồng áng đều cho con trai thứ 2 của chị lo toan, gánh vác.

Càng ngày số lần đi viện của 2 em càng liên tục hơn. Chị Thìn đã không còn phương cách nào có tiền cứu 2 con bởi căn bệnh này càng lớn lại càng nặng hơn và càng cận kề với ranh giới sự sống - cái chết nhiều hơn. Nói chuyện với chị, chị chỉ biết khóc và thương 2 con, nghẹn ngào không nói nên lời.

Mỗi lần thấy con trằn trọc với giấc ngủ vì bệnh tái phát lòng chị lại đau như cắt. Đã nhiều đêm thương con chị không ngủ được, nước mắt chị cứ chảy ra. Nhưng dù yếu mềm thế nào chị vẫn cố gắng gạt đi và cố gắng vui tươi mỗi khi các con tỉnh dậy.

Chị vẫn luôn ở bên chăm sóc, làm chỗ dựa cho các con, giúp chúng lạc quan hơn, có niềm tin hơn để vượt qua dù chị biết căn bệnh máu không đông này không thể chữa trị được và đến một ngày nào đó các con sẽ rời xa chị mãi mãi.

Có lẽ đến giờ, sau tất cả những chuyện buồn, niềm an ủi động viện duy nhất của chị Thìn là người con trai thứ 2 – em Phạm Trường Vũ (sinh năm 2004).

Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên Vũ luôn chăm chỉ học tập. Hiện nay em đang học lớp 7 Trường THCS Nam Kim – Nam Đàn. Ngoài việc học trên lớp, em còn giúp mẹ công việc nhà, lo toan mọi việc trong gia đình.

Từ cấy, gặt, chăn bò một mình em đều đảm đương những lúc mẹ ở viện cùng anh và em trai. Em cũng chính là chỗ dựa duy nhất, tiếp thêm sức mạnh cho chị đương đầu với những khó khăn trong hành trình kéo dài sự sống của 2 con.

“Nhiều lúc mệt, oải, các con lại động viên tôi, nhủ tôi cố gắng, nhất là em Vũ thương mẹ nhiều. Chính bởi vậy, tuy khó khăn, vất vả như thế nào, nhìn cháu thứ 2, tôi lại vươn lên”, chị Thìn tâm sự.

Hiện giờ, mong muốn duy nhất của chị là các con được khỏe mạnh bởi các con chính là tài sản vô giá nhất của chị, là động lực, là chỗ dựa cho chị.

“Mẹ sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất của đời con”, chị Thìn nhắn nhủ.

Máu loãng còn gọi là bệnh máu khó đông hay Hemophilia. Đây là một rối loạn kéo dài suốt cuộc đời, bệnh nhân phải phụ thuộc vào thuốc đông máu thay thế.

Người mắc bệnh máu khó đông phải được sự theo dõi sát của bác sĩ và nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, tránh bị chấn thương gây chảy máu. Trong đời sống hằng ngày khi gặp sự cố chảy máu dù nhỏ cũng cần phải đến cơ sở y tế để xử lý vết thương ngay.

Biểu hiện của bệnh máu khó đông là: Xuất huyết thường xảy ra khi người bệnh bị ngã, va đập, xây xát hay chấn thương. Hình thái xuất hiện thường xuất hiện những mảng bầm tím dưới da, đám tụ máu trong cơ, chảy máu không cầm ở vị trí chấn thương.

Triệu chứng thường gặp là chảy máu ở các khớp lớn như khớp gối, khuỷu tay, cổ chân, thậm chí chảy máu não.

Đặc điểm của bệnh: Chảy máu lâu cầm tự nhiên hoặc sau chấn thương ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt hay chảy máu khớp. Nếu không được điều trị đầy đủ, chảy máu tái phát nhiều lần gây đau đớn, cứng khớp, teo cơ,…

Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, người bệnh có nguy cơ bị mất máu, không cầm được máu dẫn đến tử vong. Bệnh máu khó đông hiện chưa được chữa tận gốc, người bệnh phải phụ thuộc vào các loại thuốc đặc trị và các chế phẩm máu suốt đời.

Nếu không được điều trị phần lớn bệnh nhân tử vong trước 13 tuổi. Ngược lại nếu được chăm sóc điều trị tốt, họ có thể có tuổi thọ như người bình thường. Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc với những đồ sắc nhọn, quần áo mặc nên có những miếng lót ở đầu gối, khuỷu tay, khớp, cơ, thường xuyên chăm sóc răng miệng.

Ngoài ra, bệnh nhân cần khám bệnh định kỳ và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội