Từ 'bị' điều chuyển đến yêu không rời lớp học tình thương

Ngày 20/11/2014 08:29 AM (GMT+7)

Sau 9 tháng nghỉ đẻ, từ một cô giáo dạy giỏi trường điểm, cô đột nhiên nhận quyết định dạy trẻ khuyết tật trong sự đàm tiếu của người đời.

Năm 2005, đang là giáo viên tại trường tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội), cô Nguyễn Thị Kim Nhung (51  tuổi, Bắc Từ Liêm – Hà Nội) được điều chuyển công tác sang dạy lớp học tình thương của phường Trung Hòa thành lập.

Những ngày đầu khi mới tiếp nhận các em, cô gặp biết bao khó khăn, áp lực từ công việc, từ cuộc sống. Nhưng bằng tình thương, sự tâm huyết của một người thầy cùng sự ủng hộ, động viên của gia đình, bạn bè và tình cảm của các em học sinh đã giúp cô vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, chúng ta hãy cùng lắng nghe câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung cùng với lớp học tình thương.

Vất vả khi vừa phải chăm con nhỏ, vừa đi dạy ở lớp học tình thương

Quay trở lại trường sau gần 6 tháng nghỉ đẻ cũng là lúc cô Nhung nhận được quyết định điều chuyển công tác giảng dạy ở lớp học tình thương. Việc chăm con nhỏ đã rất vất vả, cô còn phải đảm nhận công tác giảng dạy hoàn toàn mới mà cô chưa bao giờ thử sức “dạy trẻ em khuyết tật”.

Từ bị điều chuyển đến yêu không rời lớp học tình thương - 1

Quay trở lại trường sau gần 6 tháng nghỉ đẻ cũng là lúc cô Nhung nhận được quyết định điều chuyển công tác giảng dạy ở lớp học tình thương

Những ngày đầu khi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ cô đã rất ái ngại, lo lắng: “Từ trước đến nay tôi chưa từng giảng dạy cho trẻ em khuyết tật bao giờ, lúc đó lo lắng rất nhiều không biết liệu mình có đảm đương được nhiệm vụ mà nhà trường giao cho hay không. Việc dạy một đứa trẻ bình thường đã khó khăn lắm rồi, vậy mà những học sinh ở lớp của tôi lại là những học sinh khuyết tật, thiếu sự nhận thức. Dạy mãi mà các em cũng chẳng chịu học, chẳng chịu nhớ”. cô Nhung tâm sự. Ngoài giờ lên lớp cô lại phải tự đi mày mò, học hỏi những kinh nghiệm giảng dạy trẻ em khuyết tật để tìm ra được một phương pháp giảng dạy đúng nhất.

Ngày mới tiếp nhận lớp, cũng là thời điểm bé thứ 3 nhà cô mới chỉ hơn 5 tháng tuổi. Chăm sóc con nhỏ đã đủ vất vả, cô còn phải chăm sóc, dạy dỗ những học sinh ở lớp học tình thương. Không có người chăm con, cô phải gửi nhờ nhà hàng xóm để cố gắng lên lớp đầy đủ vì sợ các em sẽ quấy phá, trêu ghẹo lẫn nhau.

“Bé nhà tôi lúc sinh được có 2,1 kg nên cũng ốm yếu, bệnh tật thường xuyên. Nhiều lúc vì thương con, muốn nghỉ ở nhà dành thời gian cho con nhiều hơn nhưng nghĩ đến các em học sinh không có ai chăm lo dạy dỗ tôi lại không cam lòng” cô Nhung tâm sự.

Từ bị điều chuyển đến yêu không rời lớp học tình thương - 2

Ngày mới tiếp nhận lớp, cũng là thời điểm bé thứ 3 nhà cô mới chỉ hơn 5 tháng tuổi. Chăm sóc con nhỏ đã đủ vất vả, cô còn phải chăm sóc, dạy dỗ những học snh ở lớp học tình thương

Từ "bị" điều chuyển đến gắn bó không rời với lớp tình thương

Khó khăn, áp lực từ công việc đã quá đủ, ấy vậy mà cô còn phải chịu những lời đàm tiếu không hay từ người đời. Đường đường là giáo viên dạy giỏi của một trường vậy mà lại chuyển công tác sang lớp học tình thương, mọi người bắt đầu bàn tán, xì xào về cô .“Mình làm công việc này cũng chỉ xuất phát từ cái tâm, thôi thì không có tiền để đi làm từ thiện, mình sẽ dùng tâm huyết để dạy dỗ cho các em thành người. Đến một lúc nào đó mọi người sẽ hiểu cho cái công việc mà mình đang làm thôi”.

Có những lúc vì quá áp lực, vì quá mệt mỏi cô đã muốn từ bỏ. Nhưng những lúc như vậy cô lại nhận được những lời động viên từ người chồng, bởi theo anh, "đó là một công việc tốt, có ích cho xã hội mà đâu phải ai cũng có thể làm được. Đến một ngày khi thấy các em học sinh khôn lớn, trưởng thành dưới sự dạy dỗ của em, em sẽ thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Những đứa trẻ đó đã phải chịu thiệt thòi rất nhiều rồi, hãy giúp chúng đứng dậy và vươn lên trong cuộc sống”. Những lời động viên của gia đình cùng sự tiến bộ từng ngày của học sinh cũng là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.

Thay đổi cách dạy con từ bài học dạy trẻ khuyết tật

Tấm gương về những đứa trẻ khuyết tật luôn là bài học để cô dạy những đứa con của mình. Cô luôn lấy sự cố gắng của học sinh để làm động lực giúp con cố gắng trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện về những đứa trẻ khuyết tật trong những bữa ăn lại là một bài học vô cùng quý giá mà cô dạy các con của mình về sự vượt khó, về tình yêu thương giữa con người với con người.

Những bài học, những kinh nghiệm mà cô có được từ việc giảng dạy những trẻ em khuyết tật đã giúp cô thay đổi phần nào tính cách, thay đổi cả cách giáo dục con cái. Cô dường như thấu hiểu tâm lý trẻ thơ hơn, biết nhẫn nại hơn, nhẹ nhàng hơn. Chẳng còn những lời quát mắng, sự áp đặt đối với con cái. Thay vào đó, cô luôn tạo cho con một môi trường tốt nhất để được sáng tạo, để được phát huy tính cách của mình.

Từ bị điều chuyển đến yêu không rời lớp học tình thương - 3

Những bài học, những kinh nghiệm mà cô có được từ việc giảng dạy những trẻ em khuyết tật đã giúp cô thay đổi phần nào tính cách, thay đổi cả cách giáo dục những đứa con của mình

Dù ở cương vị nào cô cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hai con lớn của cô đều là những sinh viên giỏi của Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội, bé thứ 3 cũng luôn là học sinh giỏi qua các năm học. Những em học sinh của cô cũng đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, có nhận thức hơn. Có lẽ đó chính là thành công lớn nhất, là món quà quý giá nhất mà cô nhận được trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 này.

Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11