Nhận ra cố NSƯT Văn Hiệp đi chợ Tết năm 1973

Ngày 05/12/2013 15:26 PM (GMT+7)

Năm ấy, nghệ sỹ Văn Hiệp 31 tuổi hòa vào dòng người đi chợ Đồng Xuân.

Mới đây, trong một phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam có tên gọi Những ngày giáp Tết năm 1973, với bối cảnh chính được ghi lại tại chợ Đồng Xuân, rất nhiều khán giả đã xúc động dõi theo từng khuôn hình của lịch sử. Những người cao tuổi được dịp ôn lại kỷ niệm Hà Nội của những ngày xưa cũ, còn thế hệ trẻ được dịp hiểu hơn về lịch sử và phong tục truyền thống của người Hà Nội.

Nhận ra cố NSƯT Văn Hiệp đi chợ Tết năm 1973 - 1
Hình ảnh về Hà Nội năm 1973.

Đoạn phóng sự mở đầu bằng giai điệu của ca khúc Bài ca Hà Nội với hình ảnh phố hàng Gai, hàng Đào, chợ Đồng Xuân năm 1973. Sau 19 năm bom đạn chiến tranh, đây là cái Tết đầu tiên người dân Hà Nội được hưởng trọn niềm vui hòa bình. 50 vạn dân Hà Nội từ nơi sơ tán trở về, tất cả cùng hân hoan đón một cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Chợ Đồng Xuân cũng được mở cửa trở lại sau một thời gian đóng cửa vì chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Cái Tết hòa bình đầu tiên sau Hiệp định Paris, chợ Đồng Xuân đông vui, tấp nập, dòng người đi bộ qua lại đông như mắc cửi. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người đi chợ hoa, người chọn mua quần áo, bánh kẹo, rượu mứt...

Nhận ra cố NSƯT Văn Hiệp đi chợ Tết năm 1973 - 2
Cố nghệ sỹ ưu tú Văn Hiệp năm ấy 31 tuổi, hòa vào dòng người xuống đường sắm Tết.

Trước đó, hoa Tết Hà Nội bán ở chợ Cầu Đông (quãng Hàng Đường) sau chuyển về chợ Đồng Xuân. Khu bán hoa chợ Đồng Xuân quá chật, chỉ chứa nổi hoa ngày thường chứ không kham nổi hoa ngày Tết, cho nên hoa phải tràn ra Cống Chéo Hàng Lược. Những mặt hàng quen thuộc trong dịp Tết bấy giờ: bánh pháo, một chai rượu mơ, rượu quýt, một cân miến tàu, một chiếc áo mới cho con trẻ, cho đến những vật dụng sinh hoạt thường nhật đều sẵn có ở chợ Đồng Xuân. Trong dòng người hồ hởi sắm Tết tại chợ Đồng Xuân ngày đó, ta bất ngờ bắt gặp hình ảnh cố nghệ sĩ ưu tú Văn Hiệp thời còn trai trẻ.

Phóng sự Những ngày giáp Tết năm 1973 trong chương trình Ký ức Việt Nam do VTV thực hiện.

Khi bom đạn không còn nữa, như một sự khẳng định, Đồng Xuân - một nhân chứng của lịch sử Thăng Long Hà Nội mãi là một địa chỉ quen thuộc và trân trọng không thể thiếu cho những lớp người Hà Nội về cả phương diện thương mại lẫn văn hóa.

Minh Hạnh - theo Ký ức Việt Nam (VTV)
Nguồn:

Tin liên quan