Tài tử kỳ cựu đổi đời nhờ cát - xê 70 triệu khi đóng "Gọi giấc mơ về"

Ngày 22/10/2017 18:00 PM (GMT+7)

Nghệ sĩ Tấn Thi gắn bó với nghệ thuật 42 năm nhưng cuộc sống rất kham khổ mãi đến khi đóng “Gọi giấc mơ về” với Minh Hằng, đời ông mới khấm khá.

Nhận cát-xê 70 triệu nhờ phim Gọi giấc mơ về

- Nghệ sĩ Tấn Thi là diễn viên thế hệ đầu tiên của sân khấu miền Nam. Ông gắn bó với nghệ thuật đã 42 năm với nhiều gian khổ. Nhớ lại những năm tháng đó, cảm giác của ông ra sao?

- Sau ngày đất nước giải phóng, Bộ Văn hóa chỉ đạo mở lớp đào tạo diễn viên đầu tiên và duy nhất ở miền Nam. Tôi, NSƯT Kim Xuân, Minh Hạnh, Ngọc Hạnh, Hồng Dung và khoảng 10 người nữa được học lớp này. Nhưng giờ phần lớn nhiều người đã bỏ nghề, một vài người làm công tác quản lý, chỉ còn tôi và Kim Xuân theo nghề.

Ngày đó chúng tôi sáng học, tối đi diễn và được đóng các vở lớn của sân khấu xã hội chủ nghĩa như Những hòn đảo thần vệ nữ, Chuông đồng hồ, Bông hồng trắng… Năm 1981, bác Sáu Võ Văn Kiệt đưa ra chủ trương sân khấu phải có tiếng cười, tạo niềm vui để sau những giờ lao động mệt nhọc, bà con được dịp cười thoải mái. Năm đó đoàn kịch Cửu Long Giang khá vất vả trong việc tìm kiếm vở hài và diễn viên. Thầy Thành Trí chọn vở Xem mắt nàng dâu cho tôi và Thương Tín, Minh Hoàng, Hoa Hạ đóng.

Nhưng vở này cũng không có gì đặc biệt để chọc cười. Tôi chợt nảy ra ý tưởng sao không nói giọng mái cho nhân vật của mình dù thời đó chưa có khái niệm đồng tính. Lúc bước ra sân khấu, khán giả ngồi dưới im phăng phắc, xong tôi bắt chước điệu bộ đỏng đảnh và buông câu “hai đứa tụi bay quỷ xứ hà”, đám đông bắt đầu cười rần rần. Nhờ đó, vở diễn của chúng tôi và anh Duy Phương bên đoàn Bông Hồng đoạt giải nhất và nhì.

Hai vở đó được mang đi diễn khắp nơi từ miền Nam ra miền Trung, sân vận động nào cũng không còn một chỗ trống. Nhưng năm 1992, tôi bắt đầu chuyển sang đóng phim. Tôi đóng vai thiếu tá trong Lệnh truy nã 2. Lúc đó vẫn còn quan niệm lên phim phải đẹp trai cao to, còn tôi gầy và đen nên không được đóng vai lớn.

Tài tử kỳ cựu đổi đời nhờ cát - xê 70 triệu khi đóng amp;#34;Gọi giấc mơ vềamp;#34; - 1

Sau 42 năm gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Tấn Thi không có danh hiệu nhưng ông nói mình tự hào vì cuộc sống thanh thản.

- Cuộc sống của ông thời bao cấp thế nào?

- Kinh tế eo hẹp nên thù lao của diễn viên cũng nghèo nàn. Tôi với Thương Tính đóng hầu hết các vở của đoàn Cửu Long Giang nhưng cát-xê mỗi đêm chỉ có 1,5 đồng, chưa đủ mua một cân thịt. Mỗi tháng diễn khoảng 6-8 suất vì người dân cũng không có nhiều tiền để đi xem hoài.

Năm 1981, cậu tài xế trong đoàn rủ tôi đi sửa xe đạp những đêm không có lịch diễn. Ban đầu, tôi mắc cỡ lắm vì mình đang là diễn viên được nhiều người biết đến, giờ ra ngồi trước Nhà văn hóa quận 5 sửa xe nên tôi lấy nón che gần hết gương mặt, lấy cuốn sách kẹp nách. “Ông nội, sửa xe đạp kiếm cơm mà làm như trí thức lắm ngồi đọc sách”, nó mắng khi chứng kiến tôi “làm màu”.

Tôi bắt đầu công việc, những ngày chưa quen cầm đồ nghề cạy xe làm 2 bàn tay phồng rộp, chảy máu liên tục. Nhưng mỗi đêm kiếm được 3-5 đồng, mua được 1 kg thịt, 5 kg gạo. Tôi thích lắm nhưng được mấy tháng sau bị Sở Văn hóa ra lệnh cấm.

Vì tôi phải nuôi 5 đứa em nên cũng tìm công việc khác để mưu sinh. Tôi bắt đầu chở 2 can rượu 40 kg trên chiếc xe đạp lọc cọc, bán khắp nơi rồi trả tiền vốn lại cho người ta, còn dư bao nhiêu mình xài. Tôi còn nhớ mình ở chung cư Trần Hưng Đạo do Nhà nước cấp, năm đó bể bình điện nên cúp điện trong 6 tháng, người ta mang nước từ dưới lên nên cầu thang trơn ướt. Tôi ôm khu khư bình rượu, trượt chân ngã cũng nén đau vì sợ bể bình không có tiền đền.

Tài tử kỳ cựu đổi đời nhờ cát - xê 70 triệu khi đóng amp;#34;Gọi giấc mơ vềamp;#34; - 2

Ông kể mình nhiều lần suýt chết nên không còn sợ cái chết.

- Cuộc sống của ông thay đổi từ giai đoạn nào?

- Cũng chỉ khoảng 15 năm nay, tôi mới không còn nghĩ nhiều đến chuyện cơm áo gạo tiền. Nhà cửa tôi có sẵn, hơn nữa tôi cũng chịu khó ra ngoài làm ăn để kiếm thêm thu nhập. Khi được cất cho căn nhà cấp 4, cuộc sống bắt đầu có đồng ra đồng vào, lo cho đứa con duy nhất ăn học.

Tôi đóng phim từ năm 1992, nhưng mãi đến năm 2006, nhờ bộ phim Gọi giấc mơ về, cát-xê của tôi mới tăng cao. Tôi vẫn còn nhớ tổng số tiền tôi nhận được là gần 70 triệu. Tôi mua một chiếc xe máy Future 31,5 triệu, một laptop 850 USD và mua một cây vàng cho bà xã.

Tôi sẵn sàng đón nhận cái chết

- Nhưng nhiều người cùng thời với nghệ sĩ Tấn Thi đều đã có danh vọng, riêng ông thì chưa. Ông lý giải trường hợp của mình ra sao?

- Năm 1990, tôi rời bỏ sân khấu thì một đứa em thân thiết nằng nặc mời về đóng vở Hamlet ở sân khấu 135. Cũng trong năm đó đạo diễn Hoa Hạ dựng vở Đời luận anh hùng, tôi đóng vai Lê Phụ Trần, ba của Trần Bình Trọng. Nhờ vở đó, tôi đoạt Huy chương vàng, trước đó năm 1985 tôi được Huy chương bạc toàn quốc. Ngày đó đã đủ tiêu chuẩn để xét danh hiệu NSƯT nhưng giờ lại cần 2 Huy chương bạc.

Nhiều người bảo tôi hiền quá, sao không bon chen để được như thiên hạ. Nhưng từ lúc vào nghề đến giờ, tôi không màng đến việc hơn thua. Giờ đã gần 70 tuổi, tôi còn ham hố những thứ đó để làm gì?

Tài tử kỳ cựu đổi đời nhờ cát - xê 70 triệu khi đóng amp;#34;Gọi giấc mơ vềamp;#34; - 3

Nghệ sĩ Tấn Thi vẫn tự đi xe máy đến đoàn phim.

- Nghệ sĩ Tấn Thi vừa trải qua căn bệnh thập tử nhất sinh, người thân đùa rằng ông vừa gặp Diêm Vương trở về. Thực hư chuyện này thế nào, thưa ông?

- Tháng 8, tôi bị sụt 5 kg nhưng vẫn nghĩ chắc do mình không khỏe vì chạy xe máy đóng phim. Nhưng tôi lại có triệu chứng không kiểm soát được, nhiều lúc muốn đi vệ sinh nhưng chưa kịp đã tè ra ngoài. Vợ tôi cằn nhằn nên bảo tôi đến bệnh viện kiểm tra. Tôi đến bệnh viện ĐH Y dược, họ làm hết các xét nghiệm sau đó thông báo tôi bị nhiễm độc gan. Bác sĩ điều trị nói nếu tôi đến trễ 1,2 tuần thôi là bệnh viện bó tay vì sẽ chuyển sang nhiễm trùng máu.

Tôi nghe giật mình và hoảng sợ. Bác sĩ phẫu thuật nói: “Nếu con nội soi mà phát hiện có bướu, bác phải chấp nhận”. Không hiểu sao tôi lại sẵn sàng để theo về với ông bà nên dặn bác sĩ cứ yên tâm.

Lúc nhỏ, tôi một lần chết đi sống lại nên chuyện đi - ở với tôi rất đỗi bình thường. Năm 2 tuổi, tôi bị bệnh, bệnh viện trả về nên má tôi quấn khăn ẵm tôi về quê để lo chôn cất. Ông thầy thuốc ở quê hỏi tôi bị sao, má tôi kể lại rồi ông ấy bảo sẽ hốt cho 5 thang thuốc. Tôi uống xong hết bệnh nhưng bị liệt 2 chân, bà nội đưa vào chùa ở vì sức khỏe của tôi quá kém. Sau hơn một năm, tôi đi lại được và lên Sài Gòn sống cho đến giờ.

Tài tử kỳ cựu đổi đời nhờ cát - xê 70 triệu khi đóng amp;#34;Gọi giấc mơ vềamp;#34; - 4

Ông nói mình đã hoàn thành trách nhiệm trong cuộc sống.

- Lúc nằm trên giường bệnh khi đó, cảm giác của ông thế nào?

- Tôi không đủ tỉnh táo để suy nghĩ vì rơi vào mê sảng, sốt miên man. Nhưng qua cơn nguy hiểm, tôi nghĩ thôi chắc đủ rồi, sức lực không đủ để theo nghề nữa đâu. Vì từ xưa đến nay tôi vẫn giữ thói quen đi xe máy ra đoàn phim, dù có xa xôi thế nào. Nhưng gần 1 năm nay, chạy xe 2-3 tiếng mà vẫn chưa về đến nhà khiến tôi có cảm giác tuổi già đang đến. Song, tôi hiểu số phận của một đời người nên tôi an nhiên lắm.

Nhìn lại, tôi đã xong bổn phận của người đàn ông trong đất nước, cũng tròn bổn phận người chồng trong gia đình, hoàn thành trách nhiệm của người cha với con. Giờ tôi thanh thản để sống cuộc đời tuổi già, và tôi sẽ vui khi về với ông bà, đất trời.

Cảm ơn nghệ sĩ Tấn Thi!

>> Xem tiếp: MINH HẰNG RẠNG RỠ SANG HÀN QUỐC SAU KHI CÔNG KHAI BẠN TRAI HƠN 10 TUỔI

Theo Kim Chi/ Ảnh: Lữ Đắc Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Minh Hằng