Đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu tử vong khi sinh đẻ

Ngày 11/06/2017 12:26 PM (GMT+7)

Cứ mỗi phút trôi qua trên thế giới lại có một sản phụ tử vong trong quá trình sinh nở, nguyên nhân vì đâu?

Theo thống kê, cứ mỗi một năm có khoảng 529.000 sản phụ tử vong trên toàn thế giới. Như vậy, trung bình cứ một phút trôi qua sẽ có một người mẹ tử vong trong quá trình sinh nở và sau sinh. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do các biến chứng nguy hiểm và viêm nhiễm gây ra. 

Băng huyết

Băng huyết là nguyên nhân phổ biến nhất trong các ca tử vong sau sinh được ghi nhận. Đây là hiện tượng xuất huyết không ngừng sau khi sinh dẫn đến mất máu trầm trọng (từ 500ml trở lên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) và tử vong là điều khó tránh khỏi. Nếu băng huyết xảy ra trong quá trình chuyển dạ còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết tức thời là do tử cung giảm độ đàn hồi (tử cung bị đờ) hoặc do âm đạo, cổ tử cung bị rách trong quá trình sinh nở. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ băng huyết bao gồm: con lớn, đa sản, có can thiệp giục sinh...

Để giảm tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên sinh thường vì nguy cơ băng huyết do giục sinh có thể tăng gấp 2,5 lần. 

Đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu tử vong khi sinh đẻ - 1

Băng huyết là nguyên nhân phổ biến nhất trong các ca tử vong sau sinh được ghi nhận. (ảnh minh họa)

Sản giật, tiền sản giật

Ngay khi còn trong thai kỳ, sản giật đã là mối đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi với các dấu hiệu tăng huyết áp, tăng protein trong nước tiểu dẫn đến co giật hoặc hôn mê. Kèm theo đó là các cơn đau đầu dữ dội, giảm hoặc loạn thị lực. Người mang thai lần đầu, song thai, thai phụ trên 35 tuổi, thai phụ tăng huyết áp trong thai kỳ, có đái tháo đường và mắc các bệnh lý về thận... là những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền sản giật trong thai kỳ.

Ngoài ra, tiền sản giật còn dẫn đến các bất thường về nhau thai như kích thước bất thường, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo... Tiền sản giật cũng liên quan đến hiện tượng thai trứng.

Tắc mạch ối

Tắc mạch ối là hội chứng nước ối tràn vào máu trong quá trình chuyển dạ, đe dọa đến tính mạng của thai phụ và thai nhi. Điều đáng nói, tắc mạch ối có thể gặp ở bất cứ thai phụ nào, sinh lần đầu hay đã sinh nhiều lần. Nguy hiểm hơn, nó thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh mà không có bất kỳ chẩn đoán hay phương pháp dự phòng nào trước đó.

Khi rơi vào trường hợp này, thai phụ nhanh chóng bị tắc mạch máu não, tắc mạch phổi, mất khả năng tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong ngay sau đó. Nguyên nhân là khi tử cung co thắt mạnh, nước ối thấm, tràn vào khoang giữa tử cung và nhau – màng ối khiến các mạch máu trở thành ống hút nước ối vào mạch máu. Theo các cơn co thắt, nước ối sẽ tràn lên phổi và gây tắc mạch phổi.

Sản phụ trẻ, sức khỏe kém hay sản phụ trên 35 tuổi, người có bệnh lý về máu, nhau bất thường... là những đối tượng có nguy cơ tắc mạch ối cao hơn những đối tượng khác.

Tuy đây là trường hợp hiếm gặp nhưng lại có đến 90% nguy cơ tử vong vì một phần do tính chất nguy hiểm của biến chứng, một phần do các bác sĩ ít có kinh nghiệm xử lý.

Nhiễm khuẩn sau sinh

Trong sản khoa, đây là tai biến rất nguy hiểm và rất phổ biến. Hiện nay, nhờ điều kiện y tế được cải thiện đáng kể cộng thêm việc phân lập được vi khuẩn gây nhiễm trùng, tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh ở bộ phận sinh dục đã giảm còn chỉ còn 0,3%.

Tùy vào loại vi khuẩn xâm nhập, thời điểm phát hiện bệnh, điều kiện chăm sóc và điều trị mà mức độ nguy hiểm của tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ sau sinh.

Ngoài việc vệ sinh kém ra, sức khỏe thai phụ kém, tình trạng nhiễm độc thai, thiếu máu, sót nhau, bế sản dịch... cũng là những nguy cơ đe dọa cần được theo dõi.

Đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu tử vong khi sinh đẻ - 2

Nhiễm khuẩn sau sinh cũng có thể khiến người mẹ bị tử vong. (ảnh minh họa)

Sót nhau thai 

Trong khoảng 30 phút sau sinh, tử cung sẽ tiếp tục co thắt và đẩy hết nhau thai ra ngoài. Nếu không đẩy hết hoàn toàn (do bất thường nhau thai, hoặc sẹo, viêm nhiễm tử cung...), nhau sót lại sẽ gây nên tình trạng nguy hiểm cho sản phụ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của việc sót nhau là máy chảy nhiều, đau từng cơn hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới. Sau khoảng 3-4 ngày, thai phụ sẽ bị nhiễm khuẩn. 

Sinh khó

Sinh khó có thể do sản phụ bị còi xương khiến khung xương chậu bị dị dạng. Hoặc do thể trạng thai phụ yếu, nhất là các thai phụ mắc bệnh tim khiến họ không đủ sức để chịu đựng cơn đau trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Điều này có thể dẫn đến tử vong cho chính sản phụ và thai nhi. Ghi nhận các ca sinh khó ở thành thị luôn cao hơn vùng nông thôn.

Sự can thiệp quá sâu của dao kéo trong quá trình sinh nở

Những dụng cụ hỗ trợ sinh sản được y học hiện đại đưa vào có thể mang đến nhiều hữu ích cho sản phụ nhưng nó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những tổn thương cho họ. Cụ thể, các dụng cụ kẹp, rạch tầng sinh môn, dao kéo mổ,… có thể làm thai phụ bị tổn thương, mất nhiều máu và nhanh chóng tử vong. 

Sốt sau sinh

Để quá trình sinh diễn ra nhanh hơn, các bác sĩ sản khoa có thể cho mẹ sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Những dụng cụ này nếu không được sát trùng kỹ lưỡng có thể mang theo các cầu khuẩn gây viêm nhiễm hậu sản và sốt là một trong những triệu chứng của tình trạng này. Sốt cao có thể dẫn đến co giật, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Do đó, khả năng gây tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài nguyên nhân kể trên, các yếu tố như thời tiết, gió, sinh khó…cũng có thể dẫn đến những cơn sốt hậu sản.

Phong Thư (Theo BS)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh thường