Những vị trí nằm “oái oăm” của thai nhi trong bụng mẹ

Ngày 03/04/2017 17:15 PM (GMT+7)

Trong 9 tháng phát triển trong bụng mẹ, thai nhi có thể di chuyển suốt ngày và mẹ cũng sẽ cảm thấy những cú đá, đạp, lắc lư, chuyển động của bé mỗi ngày một khác tùy theo vị trí nằm của con.

Tuy nhiên vào tháng cuối, em bé đã lớn hơn nhiều và không còn nhiều không gian để xoay chuyển. Vị trí của em bé lúc này cũng trở nên quan trọng để chuẩn bị tốt nhất cho việc sinh nở.

Vào tháng cuối, bác sĩ sẽ liên tục đánh giá vị trí của con trong tử cung và mẹ cần biết rằng không phải em bé nào cũng nằm ở vị trí chuẩn nhất để dễ dàng chào đời. Trong khi vị trí ngôi đầu là chuẩn nhất thì còn có nhiều vị trí nằm “oái oăm” khác. Người mẹ cũng cần biết vị trí nằm của con khi gần đến ngày sinh nở để can thiệp kịp thời xoay ngôi thai hoặc quyết định chọn đẻ thường hay đẻ mổ.

Dưới đây là những vị trí nằm phổ biến của thai nhi trong bụng mẹ:

Vị trí ngôi đầu trước

Những vị trí nằm “oái oăm” của thai nhi trong bụng mẹ - 1

Ở vị trí này, thai nhi sẽ nằm cúi đầu xuống, mặt đối diện với lưng người mẹ, cằm cúi sâu xuống ngực và đầu đã sẵn sàng vào vị trí xương chậu của mẹ.

Với vị trí ngôi đầu trước, em bé có thể uốn cong đầu và cổ, nhét  cằm vào ngực mình. Đây được gọi là vị trí ngôi đầu trước hay ngôi thai thuận.

Phần hẹp nhất của đầu em bé sẽ dễ dàng chui qua cổ tử cung mẹ, sau đó mở ra để cơ thể đi ra dễ dàng. Hầu hết thai nhi sẽ nằm ở vị trí này từ khoảng tuần thứ 33-36 và đây cũng là vị trí lý tưởng, an toàn nhất để chào đời.

Vị trí ngôi đầu sau

Những vị trí nằm “oái oăm” của thai nhi trong bụng mẹ - 2

Em bé vẫn nằm ở vị trí đầu quay xuống dưới nhưng mặt lại quay ra bụng thay vì quay vào trong.

Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, có khoảng 1/10 trẻ nằm ở vị trí này nhưng hầu hết sau đó sẽ tự xoay mình để về vị trí đúng như vị trí số 1. Tuy nhiên có khoảng 10-28% số ca các bé sẽ không xoay người.

Thai nhi nằm ở vị trí này sẽ làm tăng thời gian sinh nở lâu hơn và khiến mẹ bị đau lưng nghiêm trọng. Gây tê màng cứng có thể là cần thiết trong trường hợp này để giảm bớt cơn đau.

Thai nhi ngôi mông

Những vị trí nằm “oái oăm” của thai nhi trong bụng mẹ - 3

Thai nhi ngôi mông thường được gọi là thai nhi ngôi ngược khi thay vì đầu thì mông và chân bé lại quay xuống dưới phía tử cung.

Thai nhi ngôi mông có 3 loại chính:

- Ngôi mông hoàn toàn: Khi mông hướng về cổ tử cung, hai chân gập lại và bàn chân sát gần mông.

- Ngôi mông thiếu mông: Khi mông hướng về cổ tử cung nhưng 2 chân giơ thẳng lên trước mặt, bàn chân gần đầu.

- Ngôi mông kiểu bàn chân: Khi mông hướng về cổ tử cung nhưng một hoặc cả 2 chân đều hướng xuống dưới chỗ cổ tử cung.

Đây được coi là vị trí ngôi thai ngược nên thường được tư vấn đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp thai nhi ngôi mông vẫn đẻ thường.

Trong một số trường hợp thai nhi ngôi ngược trước tuần 37 thai kỳ có thể áp dụng phương pháp xoay ngôi thai nhưng đây là thủ thuật khó phải được thực hiện bởi các chuyên gia khoa sản và tỷ lệ thành công cũng không quá cao.

Thai nhi ngôi ngang

Những vị trí nằm “oái oăm” của thai nhi trong bụng mẹ - 4

Đây là vị trí ngôi thai hiếm gặp vì hầu hết trẻ sẽ quay đầu khi gần đến ngày chào đời. Với vị tí này, mẹ buộc phải đẻ mổ bởi nếu để đẻ thường thì phần dây rốn sẽ đi ra trước gây hiện tượng suy dây rốn vô cùng nguy hiểm.

Các mẹ có thể tham khảo cách tự đoán vị trí ngôi thai chuẩn như bác sĩ tại đây

Nguyệt Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh thường