Không thể “đổ đồng” một giá điện

Ngày 18/09/2015 13:50 PM (GMT+7)

“Cải tiến biểu giá điện phải làm sao để người nghèo, người có thu nhập thấp và trung bình không bị ảnh hưởng và phải trả tiền điện với giá quá cao…”.

Đây là quan điểm của hầu hết các chuyên gia trong ngành điện khi bình luận về 3 phương án trong đề án cải tiến biểu giá điện mới mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi người dân, chuyên gia.

Một giá điện có thiệt người nghèo?

Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, biểu giá điện mới chỉ nên cần 3 bậc để “đỡ rắc rối” với người dân khi tính toán, thu tiền điện. Theo phương án này, bậc 1 quy định 150 số điện (kWh), bậc 2 từ 150-250 số và bậc 3 là từ trên 250 số. Và giá điện của bậc cao nhất cũng không được quá 2.500 đồng/kWh. Ông Ngãi lý giải: Áp dụng biểu giá điện 3 bậc thang sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp trong việc tiêu dùng và trả tiền điện. Người nghèo dùng 100-150 số điện/tháng không ảnh hưởng gì với “chế độ” 3 bậc thang này. Các hộ dùng điện khá ở bậc 2 cũng chưa ảnh hưởng nhiều lắm vì giá điện vẫn còn thấp. Chỉ những hộ gia đình khá giả sử dụng nhiều thiết bị điện trong nhà thì mới phải trả tiền điện cao.

Không thể “đổ đồng” một giá điện - 1

Công nhân Công ty Điện cao thế miền Bắc kéo dây, lắp cột điện tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.   Ảnh: Huy Hùng

Ông Ngãi cũng cho rằng, biểu giá điện 3 bậc này “hơn hẳn” biểu giá điện 6 bậc đang áp dụng bởi với 6 bậc nên khoảng cách giữa các bậc ít (chỉ cách nhau 50-100 số điện) nên khi khách hàng sử dụng điện hơi cao một chút thì tiền đã bị “nhảy” lên cao hơn, khiến người dân kêu ca quá nhiều như thời gian qua. Còn nếu áp dụng 3 bậc khoảng cách giãn giữa các bậc dài hơn, người dân phải dùng nhiều mới bị tính giá khác cao hơn. Tuy nhiên, ông Ngãi cũng phản đối việc áp dụng biểu giá điện “đồng giá” với mức 1.747 đồng/kWh như đề xuất của EVN bởi áp như vậy, người nghèo, người thu nhập thấp sẽ phải trả tiền điện cao cho dù sử dụng ít điện. “70% dân số của ta là nông dân, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập thấp trong xã hội còn cao nên không thể áp một giá điện “đổ đồng” như với người giàu, sử dụng nhiều điện. Cho nên cải tiến biểu giá điện phải quan tâm đến các đối tượng nghèo, yếu thế trong xã hội”-ông Ngãi nói.

Cần bao nhiêu bậc?

Thực tế, biểu giá điện cải tiến dù có thiết kế như thế nào, 6 bậc, đồng giá, hay 3-4 bậc như 3 phương án đề xuất của EVN thì cũng không ảnh hưởng đến doanh thu bán điện của đơn vị này. Giá điện nhân với lượng điện khách hàng sử dụng phải bằng một con số không đổi.

PGS Viện sĩ Trần Đình Long-Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, dùng một giá điện sẽ khiến cho người nghèo bị thiệt thòi do vậy dùng giá điện bậc thang vẫn được xem là tối ưu nhất khi cải tiến. Mục tiêu của giá điện bậc thang là để hạn chế việc tiêu dùng điện quá mức của khách hàng. Nếu anh sử dụng một lượng điện vượt quá mức thì anh phải trả giá điện cao hơn. Giá bậc thang sẽ giúp điều tiết mức độ sử dụng điện tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nêu rằng, phương án giữ nguyên 6 bậc thang giá điện như hiện hành là không thể chấp nhận vì thực tế người dân đã phải trả giá điện cao trong mấy tháng qua do hậu quả của bậc thang lũy tiến này. Do đó, bắt buộc phải thay đổi để người dân giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, theo ông, nếu bãi bỏ bậc thang lũy tiến và chỉ có một giá điện duy nhất thì sẽ không còn phương tiện để đòi hỏi cũng như khuyến khích các hộ tiêu dùng tiết kiệm điện. “Nếu chỉ có một giá duy nhất liệu EVN có đòn bẩy nào để tạo động lực cho người dân tiết kiệm điện không khi người dùng ít điện, người có thu nhập thấp cũng chịu giá điện bằng người sử dụng rất nhiều điện?” - TS Doanh đặt câu hỏi.

Vậy một biểu giá điện bao nhiêu bậc thang là tốt nhất? Ông Long cũng đồng tình cho rằng, số bậc càng ít thì tác động điều chỉnh sẽ càng tốt hơn do người nghèo được hưởng lợi và vẫn giúp cho việc dùng điện tiết kiệm. Ông Long kiến nghị biểu giá điện chỉ nên rút 1 bậc so với  biểu giá hiện hành, đó là còn lại 5 bậc. Theo ý kiến này, bậc 1 và 2 của biểu giá hiện hành sẽ gộp vào 1 bậc mới và 4 bậc còn lại vẫn giữ khoảng cách như hiện nay.

Trước lo ngại về việc ghi chỉ số điện, nhất là trong mùa nắng nóng với chỉ số kWh ở nấc thang cao sẽ khiến số tiền phải trả cũng tăng dễ gây hiểu lầm ghi chỉ số điện không chuẩn xác. Khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang, thậm chí là 5 bậc thang EVN cho rằng, những tồn tại này vẫn không thể cải thiện. Ông Long cho rằng, ngành điện phải có trách nhiệm giải thích cho người dân và minh bạch trong cách tính, ghi chỉ số điện để người dân cảm thấy thỏa đáng. 

Theo Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá điện tăng